Phật dạy: “Học chữ nhẫn, tu tập tạo nên nghiệp lành!”

( PHUNUTODAY ) - Muốn sống một đời an lạc, hãy học cách nhẫn nhịn, dùng tình thương cảm hóa sự sân hận.

Trong cuộc sống, nhiều người cho rằng nhẫn nhịn là chịu đựng những phi lí, bất công của cuộc sống để tránh xích mích, giúp bản thân yên ổn. Hay có người lại nghĩ nhẫn nhịn là hành vi hèn kém, luồn cúi để có được danh vọng, địa vị trong xã hội.

Suy cho cùng, với cách nghĩ nào thì nhẫn nhịn đều mang ý nghĩa tiêu cực trong nhiều người. Nhẫn nhịn có thể giúp ta yên ổn nhưng khiến ta phiền não.

Vậy nhưng, lời Phật dạy về nhẫn nhịn lại mang hàm ý khác. Nhẫn nhin là dứt sự tranh cãi vô lý, dùng chính niệm để thắng tà niệm, dùng tình thương để cảm hóa sự sân hận, dùng trí tuệ để mọi sự ôn hòa.

Trong Kinh Phật có viết: “ Ta hiểu rõ cái tinh túy của “không tranh giành”, có thể nói là thiên hạ đệ nhất” và “Trong sau phép độ cùng hàng vạn phương pháp tu hành, “Nhẫn” là đệ nhất”.

Nhịn được cái tức sẽ tránh được trăm mối lo, vợ chồng hạnh phúc, anh em hòa thuận, công việc phát triển. Không thể phủ nhận, sống trên đời, nào tránh khỏi những lúc tham sân si nhưng ta phải biết tiết chế. Nếu tâm của ta sáng trong thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao. Bởi lẽ nếu cứ ôm những hằn học, khó chịu sẽ chỉ khiến ta rước họa vào thân.

Nhiều cặp vợ chồng vì những khác biệt trong tính cách, luôn xảy ra tranh cãi, nhiều lần làm tổn thương nhau. Sau những trận cãi vã đó, tình cảm dần phai nhạt, sự chia ly luôn là phương án được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn. Những đứa con dại thơ sẽ rơi vào cảnh thiếu bố, thiếu mẹ, bơ vơ với đời.

Quả thật, nhẫn nhịn là cảnh giới cao nhất của con người, không oán trách mình, trách người, biết bỏ qua những sai lầm, rút kinh nghiệm và sống tốt hơn. Để làm được điều này thật không dễ. Chiến thắng chính mình là chiến thắng cao nhất. Đó là bài học triết lí sâu sắc mà ai cũng cần biết.

Nhẫn nhịn sẽ giúp cuộc đời ta tốt đẹp hơn. Học cách nhẫn không phải là hạ thấp mình, mà là dùng sự thông minh, bình tĩnh để thức tỉnh người khác. Dân gian gọi đó là “lùi một bước, để tiến hai bước”. Mọi nghiệp ở kiếp này xảy ra là do những u oán, ác duyên ở kiếp trước để lại. Muốn sống đời đời an lạc, hạnh phúc, phải học được chữ “nhẫn”, cảm thông và tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Tu nhân tích đức cõi người, ắt sẽ đắc đạo thành tiên!

Tác giả: Hiểu Lam