Phúc đức sinh ra bởi biết đủ, tai họa sinh ra bởi lòng tham

( PHUNUTODAY ) - Cuộc sống của mỗi người: thời gian thì vô hạn mà mưu cầu lại vô hạn, năng lực có hạn nhưng tham lam vô hạn. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến con người đau khổ?

Nội hàm tư tưởng “biết đủ” của Lão Tử

Tư tưởng biết đủ của Lão Tử bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau. “Biết đủ” là cầu bên trong mà không cầu bên ngoài, là theo đuổi bản tính chất phác và sự dồi dào về tinh thần. “Tri túc giả phú”, người biết đủ là người giàu có.

Vương Bật thời Tam Quốc là người chú giải “Đạo Đức Kinh”, ông viết: “Tri túc giả, tự bất thất, cố phú dã”, nghĩa là người biết đủ do không mất mà luôn giàu có. Người biết đủ sẽ không bị lòng tham vật chất quấy nhiễu, khống chế mà bị nhiễu loạn.

Trong một đoạn chú giải khác về “Đạo Đức Kinh”, Vương Bật còn viết: “Thiên hạ có câu, người biết đủ sẽ biết dừng lại. Họ không cầu ở bên ngoài mà chỉ tu nội trong mình mà thôi.” Tư tưởng này cũng là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi sự giàu có về mặt tinh thần.

Danh lợi và tiền tài là vật ngoài thân, là thứ không thể nắm giữ được mãi, truy cầu và chiếm giữ quá nhiều thì nhất định cũng sẽ mất đi nhiều. Theo lời chú giải “Đạo Đức kinh” của Vương Bật: “Thậm ái tất đại phí; đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, tức là yêu nhiều ắt sẽ tổn nhiều, chất chứa nhiều ắt sẽ mất nhiều, biết đủ thì không nhục, biết dừng lại thì không nguy, có thể trường cửu. Bởi vậy, con người ta chỉ nên có một phần danh lợi trong mức độ, không nên chiếm giữ quá nhiều, phải biết đủ thì mới được lâu dài.

Có thể nói, nhược điểm lớn nhất của nhân tính là lòng tham không đáy, vĩnh viễn không thấy đủ. Một người chỉ có thể “thời thời luôn thấy đủ” khi người ấy phải giảm bớt ham muốn, phải biết hài lòng và thỏa mãn. Bởi vậy, Vương Bật đã nói: “Không có dục vọng mà biết đủ” và “Thuận theo tự nhiên mà biết đủ”.

Đối với những người thống trị mà nói, dục vọng rất nhiều khi tạo thành tai họa lớn. Cho nên, những người này phải tu dưỡng tâm biết đủ để khống chế ham muốn của bản thân. Như vậy thì vạn vật và thiên hạ mới có thể tự nhiên an ổn.

Không biết đủ là nguyên nhân gây ra họa

Lão Tử vô cùng coi trọng tư tưởng biết đủ. Ông cho rằng, tư tưởng biết đủ có thể quyết định vinh nhục, sống chết, họa phúc… của mọi người. Không chỉ thế, Lão Tử còn dùng “biết đủ” để phân biệt người giàu và người nghèo trong xã hội. Một người nếu biết đủ thì những yếu tố khách quan như tiền tài, của cải… cho dù là không nhiều lắm nhưng họ vẫn có thể tự nhận mình là người giàu có.

“Người biết đủ là người giàu có”, “Sự giàu có lớn nhất là khi biết đủ”. Bởi vì người biết đủ thì luôn không thấy thiếu thốn gì, không thiếu thốn gì thì được xem là giàu có. Trái lại, người không biết đủ thì cho dù có nhiều những yếu tố bên ngoài như tài phú nhưng vì lòng tham không đáy mà có thể gây ra tai họa lớn. Từ điểm này có thể thấy, Lão Tử cho rằng một người giàu hay nghèo là được quyết định bởi “biết đủ” hay “không biết đủ”.

Trong cuốn “Hàn thi ngoại truyện” viết: “Phúc sinh ra bởi vô dục mà tai họa sinh ra bởi ham muốn. Biết đủ thì sẽ giàu có, người tham lam của cải mà không biết dừng thì tuy có thiên hạ cũng không gọi là giàu.”

Lão Tử thông qua tư tưởng biết đủ để răn người đời, đặc biệt là người nắm giữ quyền lực. Con người ta phải biết đủ khi đứng trước tài vật. Nếu một người không thể làm được điều ấy thì khi tham dục vượt quá hạn độ nhất định rồi thì tất nhiên sẽ tự rước lấy nhục. Người ấy sẽ gặp phải tổn thất to lớn và nghiêm trọng về phương diện vật chất, địa vị xã hội và tinh thần.

Lĩnh 6 ngộ: Nâng cao tầng thứ

1. Dục vọng không thể phóng túng

Lão Tử nói: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh; ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung; ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương” (Đại ý: Ngũ sắc làm cho mắt người ta nhìn không thấy; ngũ âm làm cho tai người ta nghe không ra; ngũ vị khiến người tê lưỡi, mất cảm giác; rong ruổi săn bắn, khiến tâm người nổi loạn, thứ khó được khiến người gây trở ngại cho chính mình).

Làm người mà quá truy đuổi cảm giác kích thích bản thân, cuối cùng lại hại chính mình, làm cho ngũ quan mất đi năng lực vốn có của nó. Làm người mà phóng túng dục vọng bản thân chính là sai lầm trong những sai lầm, không chỉ là hại thân mà còn khiến cho con người ta chìm đắm hưởng lạc quên đi ý chí cầu tiến.

2. Tài không thể tham

Khổng Tử nói: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã” (Đại ý: Phú và quý là thứ mà ai ai cũng mong muốn truy cầu, tuy nhiên nếu như không dùng cách quang minh chính đại mà có được nó thì chẳng thể hưởng thụ được nó. Có được rồi ắt cũng sẽ gặp tai họa). Người tham tài cũng như uống nước biển vậy, càng uống càng khát, càng uống càng hại thân.

3. Không tức giận

Có câu:

“Người nhất đẳng, có bản sự, không tức giận

Người nhị đẳng, có bản sự, có tức giận

Người vô đẳng, không bản sự, luôn tức giận”.

Vậy nên, làm người khống chế được chính mình, ắt không tức giận.

4. Việc gì cũng không được quá độ

Mặt trời lên cao mặt trời lặn; trăng tròn đầy trăng ắt lại khuyết. Mỗi một sự việc khi phát triển đến điểm cực độ ắt sẽ suy thoái. Đây chính là lẽ thường tình. Vậy nên, sống ở đời làm bất cứ việc gì cũng không được quá độ, cũng như hoa thời đang nở, rượu thời chưa say, cơm thời chưa đủ mới là lúc khiến tinh thần con người ta thanh tỉnh nhất.

5. Có tiền thì không nên quá tiết kiệm

Có anh nhà giàu nhưng keo kẹt, một hôm cao hứng mở kho tiền ra khoe với anh hàng xóm, anh hàng xóm xem xong nói: “Tôi và anh đều như nhau, chúng ta thật nhiều tiền”. Anh nhà giàu keo kẹt thấy vậy hỏi: “Anh nghèo kiết xác, tiền ơ đâu ra mà nói giống tôi?”. Anh hàng xóm đáp: “Tiền của anh có nhưng chẳng giám tiêu mà chỉ để nhìn, bây giờ tôi và anh đều đang nhìn giống nhau, vậy chẳng phải anh và tôi đều như nhau sao?”. Con người sống ở đời: lúc đến tay không, lúc đi cũng tay không, làm người thì không nên quá hà tiện, nhưng cũng cần chi tiêu cho hợp lý, tránh tình trạng hoang tiêu lãng phí.

6. Đi tìm ý nghĩa

Nhân sinh tại thế sống vì điều gì? Mỗi người đều đi tìm kiếm ý nghĩa, mục đích sống cho riêng mình. Kẻ vì bản thân, người vì nghĩa lớn. Còn nếu như chỉ vì đói ăn khát uống vậy thì người và vật nào khác chi nhau là mấy? Vạn vật trên đời đến và đi ắt đều có nguyên nhân và sứ mệnh của mình, không gì là ngẫu nhiên vô cớ.

Đạo gia và Phật gia xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng con người vì có tội, vì nghiệp lực vị tư sinh ra mà phải giáng hạ xuống nơi thế gian này. Vậy nên nhân sinh tại thế chính là phải biết tìm kiếm cho mình con đường phản bổn quy chân, quay về với bản ngã của chính mình để từ đó mà hồi thăng và nâng cao tầng thứ sinh mệnh. Đó mới là ý nghĩa chân chính cao cả và tốt đẹp nhất của đời người.

Tác giả:

Tin nên đọc