Quá “sốc” với ngôn từ giáo viên tiếng Anh mắng chửi học viên

( PHUNUTODAY ) - Xem clip tranh cãi giữa giáo viên tiếng Anh và học viên đang nổi rần rần trong những ngày gần đây, tôi cứ ngỡ đang nghe một cuộc cãi vã ở giữa chợ, và khi định hình lại, tôi vẫn chưa thể hết sốc.

 "Gọi mày xưng tao. Đôi co chợ búa. Chửi vô học, mất dạy. Dọa gọi “hội” đến “cho một trận”. Và đỉnh điểm là chi tiết “tao là cung Bọ Cạp”. Liệu liệu cái thần hồn một khi “mày động đến lòng tự ái của tao.... Nếu không có hẳn một clip khua chân múa tay chỉ mặt rủa xả, có lẽ còn lâu dư luận mới tin đây là những lời lẽ của một cô giáo… đối với học sinh của mình” - đây là những gì tôi đã viết 3 năm trước sau vụ “cô giáo cung Bò Cạp”.

3 năm đã trôi qua, và kỳ lạ thay, những lời lẽ chợ búa, rủa xả, chửi bới, khinh miệt theo lối hàng tôm hàng cá ấy lặp lại y sì. Cái khác, chỉ là mức độ hạ nhục giờ đã không còn bất cứ giới hạn nào. Khi mà cô giáo chửi học viên là “óc lợn”, là có chục trung tâm cũng không thể biến lợn thành người.

Giữa 3 năm ấy, là còn những việc chúng ta chưa biết khi mà những đối tượng bị tổn hại, bị bạo hành tinh thần còn không được phép mang theo điện thoại, còn không dám kể lại chuyện ngay cả với cha mẹ mình? Còn không có cả những kỹ năng tự vệ tối thiểu.

Có người nói, khi học sinh đã ký cam kết, có nghĩa là phải tuân theo, phải đóng phạt 100 ngàn đồng. Có người bảo, đây chỉ là quan hệ mua bán, đừng khoác áo cô giáo hay đạo lý gì ở đây! Nhưng đó là ngụy biện. Và chỉ là ngụy biện mà thôi. Huống chi ngay cả là mua bán cũng chẳng có nơi nào người ta chửi bới khách hàng như thế. Huống chi, trong bóng tối những bê bối, những vụ bạo hành tinh thần còn không ít, còn đau hơn là chiếc roi, cây thước.

Đồ giẻ rách! Thằng mặt người óc lợn. Vâng, dù chỉ là rất thiểu số thôi nhưng đó là những lời lẽ không thể chấp nhận được nhất là trong môi trường sư phạm. Và nó chỉ chấm dứt chừng nào ngành giáo dục không coi đó là chuyện ở ngoài trung tâm, là chuyện ngoài phạm vi quản lý.

Hai ngày nay, đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo K.T ở trung tâm tiếng Anh M. mắng chửi nhau với học sinh trên lớp đã lan rộng và tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội trên Facebook. Đa số mọi người lên tiếng chỉ trích cô giáo K.T không có tư cách làm giáo viên, nhưng cũng có một phần không nhỏ nói rằng vụ việc lùm xùm này là lỗi của cả hai bên. 

Với 7 năm gắn bó với công việc giảng dạy, một giáo viên đã gửi đến chúng tôi bài viết thể hiện quan điểm của cô trong sự việc này.

Lỗi sai của cô nằm ở đâu?

Làm giáo viên, có hai thứ mà tôi tin là không bao giờ có ích, mà chỉ có phản tác dụng, khi áp dụng trong lớp học. Đó là mắng chửi và phạt tiền.

Vấn đề đầu tiên và cũng là lỗi bị lên án nhất của cô K.T, đó là dùng những ngôn từ chợ búa, quát tháo và chửi bới học sinh. Một giáo viên không cần hoàn hảo, nhưng ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên môn, họ còn cần phải đảm bảo được rằng mình luôn đúng mực trong đối nhân xử thế. 

Kỷ luật là điều cần thiết mà học sinh cần phải có để có thể tiến xa hơn trong việc học tập, và giáo viên có thể giúp học sinh rèn luyện kỷ luật bằng việc mắng hay áp dụng hình phạt ở những trường hợp thích đáng. Tuy nhiên, việc to tiếng, chửi bới hay so sánh học sinh với con vật là một hành động hết sức phản khoa học và phi giáo dục.

Bên cạnh việc thiếu kiểm soát lời nói, lỗi thứ hai của cô K.T là phạt đánh vào kinh tế, tức là phạt tiền, một cách rất cứng nhắc. Cá nhân tôi, 7 năm đứng lớp chưa bao giờ bắt học sinh đóng tiền phạt, kể cả khi các em tự động đề xuất: "Chị ơi đến muộn hay thiếu bài thì thu tiền phạt đi, rồi cuối tháng lấy tiền đó cả lớp uống trà sữa". Thay vào đó, tôi cũng như nhiều người bạn đồng nghiệp quy định nếu không làm bài thì không cần phải đi học nữa, hoặc bài về nhà nếu 3 lần hoàn thành dưới 70% là sẽ cho nghỉ vĩnh viễn. Không áp dụng phạt tiền là vì, một khi đã có thể đóng tiền để không phải làm bài tập, thì nhiều người sẽ chọn đóng tiền.

Tóm lại, vụ việc lần này như một hồi chuông cảnh báo về cả chất lượng giáo viên lẫn thái độ của học viên khi đi học ở các trung tâm. Để tránh những sự việc tương tự lặp lại, các giáo viên cần tự chiêm nghiệm về những cái hay, cái dở trong phương pháp của mình để giúp lớp học vừa gắn bó vừa đạt hiệu quả tối đa, đồng thời học viên cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ về nơi mình định học, cũng như tự giác trong việc chấp hành nội quy và luyện tập tại nhà.

Tác giả:

Tin nên đọc