Ngày 13/10/2017, Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Ngô Tuấn T. (7 tháng tuổi), thường trú tại thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh.
Bé nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, suy hô hấp, tím tái, phải thở oxy, co kéo cơ hô hấp rất nhiều, tiên lượng rất nặng do trong quá trình ăn bị ho nên dẫn đến sặc bột.
Bé được cấp cứu ban đầu tại Trung tâm y tế Quảng Yên, sau đó chuyển tới BV Sản Nhi Quảng Ninh. Bé nhanh chóng cấp cứu cho thở Oxy qua Mask, khí dung thuốc giãn phế quản, hút dịch mũi họng cấp cứu trẻ tại khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện. Kết quả nội soi phế quản ghi nhận trong phổi của bệnh nhân chứa rất nhiều dịch lẫn bột thức ăn màu trắng mà bệnh nhân đã hít vào.
Sau khi xác định được nguyên nhân suy hô hấp ở trẻ. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi hít do sặc bột và chỉ định nội soi phế quản cấp cứu cho bé.
Các bác sĩ tiến hành bơm rửa, hút sạch dịch lẫn bột trắng tại hạ họng, thanh quản, khí quản và phế quản cho bé. Hiện tại sức khỏe toàn trạng bệnh nhân ổn định, tình trạng khó thở của bé đã giảm đáng kể, đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức Cấp cứu.
Trường hợp bé Ngô Tuấn T. bị tắc đường thở do sặc bột được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên nhanh chóng cung cấp oxy cho não, não không bị thiếu oxy quá lâu. Nếu đến bệnh viện chậm, thiếu oxy lâu sẽ để lại di chứng ở não, rất khó hồi phục hoàn toàn, nguy cơ tử vong ở trẻ rất cao.
Sặc thức ăn vào đường thở là 1 cấp cứu hô hấp, vì khi thức ăn vào đường thở sẽ kích thích gây co thắt thanh khí phế quản, mặt khác dịch dạ dày đi cùng thức ăn là dịch có tính acid mạnh, sẽ gây tổn thương phế quản và nhu mô phổi.
Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ bệnh nhi khi đang cho con ăn mà thấy cháu ho sặc sụa, khó thở, tím tái cần thực hiện ngay nghiệm pháp vỗ lưng, ấn ngực, kích thích trẻ ho, để loại bỏ thức ăn bị sặc, sau đó cần đưa ngay trẻ tới trung tâm y tế để được xử trí kịp thời.
Cách xử lý khi trẻ bị sặc sữa, bột, cháo
Trường hợp nhẹ, sau khi có biểu hiện ho sặc nhưng trẻ vẫn thở đều, hồng hào, khóc to, nghe không có tiếng khò khè hoặc tiếng thở rít, cần bình tĩnh bế trẻ lên, móc hết thức ăn hoặc dị vật trong miệng trẻ sau đó đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất.
Trường hợp trẻ bị sặc nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn, cò cử... cần hết sức bình tĩnh xử trí theo các bước sau: làm thông thoáng đường thở bằng cách móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi sau đó nhanh chóng làm một thủ thuật để tống dị vật trong đường hô hấp ra (thủ thuật Heimlich đối với trẻ nhỏ) bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu), dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần lên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra. Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú).
Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị sặc, cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu bằng thủ thuật trên đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau đó. Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được khám, kiểm tra và lấy bỏ dị vật (nếu còn) bằng chiếu chụp Xquang phổi và nội soi khí phế quản.
Tác giả: