Lưu ý về tư thế cho con bú
Nhiều người mẹ thường có thói quen chăm chú nhìn con khi cho con bú, mỗi lần lại kéo dài, mỗi ngày lại lặp đi lặp lại không ít. Thêm vào đó, việc người mẹ thường tìm cách để bé bú thoải mái đã vô tình khiến cơ thể mình phải gập người, gồng người lên hết cỡ để nhìn con làm căng cơ cổ và lưng. Nguyên nhân này là khá phổ biến với hầu hết mẹ mới sinh con.
Ngay cả ban đêm, vì mong bé được bú thoải mái nên mẹ vẫn luôn cho bé bú ở tư thế ngồi, đặt em bé trong vòng tay của mình. Tư thế tĩnh kéo dài gây mệt mỏi cơ bắp, dẫn đến đau lưng sau sinh hoặc thải sản dịch chậm gây tụ máu vùng chậu, rất dễ gây ra đau lưng.
Do đó, hãy thay đổi tư thế cho con bú thường xuyên để giảm mệt mỏi. Nếu được, hãy cho bé bú nằm để cả hai mẹ con đều được thoải mái. Tránh cho con bú quá lâu, nếu có, trong quá trình cho trẻ bú thì mẹ nên vận động phần cổ liên tục, chẳng hạn như động tác xoay cổ, lắc cổ hay thực hiện vặn nhẹ phần thắt lưng để sau khi con bú xong có thể nằm xuống giường nghỉ ngơi, kéo giãn tay chân và thư giãn cơ thể.
Khi cho con bú, lưu ý để bé sát người mình để tránh gây áp lực cho lưng khi buộc phải cúi xuống để con có thể bú tới.
Cách ngừa đau lưng do sinh mổ
Những chị em sinh mổ thường cần sự chú ý và chăm sóc kĩ lưỡng hơn rất nhiều so với những người sinh thường, phòng ngừa chứng đau lưng sau khi sinh mổ cũng vậy. Cố gắng đừng để cơ thể bị thừa cân, cho con bú đúng tư thế hay không nâng vật nặng để giảm áp lực lên cột sống…
Thay đổi về tâm lý
Sau khi sinh, do sự thay đổi của lượng hoc-môn làm cho một số mẹ rất dễ cáu bẳn, trầm cảm hay buồn phiền một cách vô cớ. Triệu chứng trên gọi là trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng. Để giảm nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cho mẹ, cha và người thân hãy động viên, gần gũi và chia sẻ với mẹ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện để mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Kinh nguyệt sau sinh và biện pháp phòng tránh thai
Việc bắt đầu có kinh trở lại sau khi sinh phụ thuộc vào sức khoẻ và cơ địa của từng người. Một số người có kinh trở lại sau khoảng 1-2 tháng. Có người khoảng 1 năm sau mới có kinh trở lại (khoảng thời gian cho con bú). Nhưng thông thường người mẹ sẽ có kinh trở lại sau khoảng từ 3-6 tháng.
Sau khi sinh, nếu mẹ không sử dụng các biện pháp tránh thai thì có thể sẽ vẫn có thai dù chưa xuất hiện kinh nguyệt trở lại. Có rất nhiều biện pháp tránh thai, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, thông thường nhất là bao cao su. Mẹ đang cho con bú vẫn có thể dùng thuốc tránh thai nhưng cần chọn loại có một thành phần là progestin, vì không gây ảnh hưởng đến sữa và bé.
Tác giả: