Sinh mệnh con người có 5 điều vô ích, phạm phải thì uổng phí cả đời

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người, về cuối đời mới nhận ra hóa ra nửa đời mình đã làm những điều vô ích.

5 điều vô ích trong đời

1. Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích

Nguyên văn: “Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”.

Khổng Tử nói: “Người làm điều thiện thì trời lấy phúc mà trả lại; kẻ làm điều bất thiện thì trời lấy họa mà trả lại” (Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa).

Người ta thường cho rằng chọn được mảnh đất có phong thuỷ tốt là có thể dưỡng được phúc khí, tài lộc cho con cháu đời đời. Thế nhưng, cái gốc của phong thuỷ không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính ở lòng người. Người trong lòng còn điều bất thiện, trái với đạo Trời, thì sẽ chiêu mời tai hoạ tới. Ngược lại, tâm địa thiện lương thì dẫu ở vào nơi hiểm địa cũng gặp dữ hoá lành, chuyển hoạ thành phúc.

2. Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích

Nguyên văn: “Bất hiếu phụ mẫu, phụng thần vô ích”.

Sách Luận ngữ có viết: “Hiếu đễ là cái gốc làm người”. Trăm đức hạnh thì hiếu đứng đầu. Một người dù có được thành tựu vĩ đại như thế nào, trên đầu đội bao nhiêu vòng nguyệt quế đi nữa, nếu bất hiếu với cha mẹ, thì tất cả vinh quang kia đều trở nên vô nghĩa. Nếu bất hiếu với cha mẹ, cho dù có thành kính, kính cẩn với Thần như thế nào chăng nữa, tất cả đều là giả dối cả.

3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích

Nguyên văn: “Huynh đệ bất hòa, giao hữu vô ích”.

Kinh Thi có viết: “Người khắp thiên hạ không bằng tình anh em”. Trong gia đình, cha mẹ là gốc rễ, anh em là cành lá. Chỉ có anh chị em dìu dắt giúp đỡ nhau, thì gia nghiệp mới hưng thịnh. Anh chị em mà còn không thể hòa thuận với nhau thì nói gì đến kết giao bạn bè, bằng hữu.

Nhiều người ra ngoài tiếp đãi bạn bè thì rất mực lịch sự lễ độ, chân thành thẳng thắn, nhưng đối với anh chị em trong nhà thì khó mà thổ lộ hết lòng, thậm chí còn lời qua tiếng lại với nhau. Thật đúng là hành vi đảo lộn, đạo nghĩa xa rời cả.

4. Hành vi bất chính, đọc sách vô ích

Nguyên văn: “Hành chỉ bất đoan, độc thư vô ích”.

Khổng Tử nói: “Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện”. Như vậy, đọc sách vốn là để tu dưỡng đạo đức, bồi đắp thiện lương, làm lợi ích cho nhân dân.

Nếu như hành vi lại không đoan chính, xấu ác, thì tức là đi ngược lại với lời giáo huấn trong sách Thánh hiền. Học một đằng, làm một nẻo như vậy, sẽ chỉ khiến bản thân trở nên khoe khoang phù phiếm, giả nhân giả nghĩa, càng khiến người xung quanh mất niềm tin vào người đọc sách mà thôi.

5. Làm việc ngang bướng, thông minh vô ích

Nguyên văn: “Tác sự quai trướng, thông minh vô ích”.

“Làm việc ngang bướng” là nói người hành xử bất chấp tình lý, cố chấp, làm gì cũng tỏ ra hơn người. Người thích mị dân lấy lòng người khác, rắp tâm bất lương, thì cái thông minh tài hoa của họ cũng bị người khác lợi dụng, trở thành công cụ làm việc ác.

Sự hữu hạn của hạnh phúc

Hạnh phúc trước hết là một cảm giác, với nhiều cung độ khác nhau: hồ hởi, phấn khích, lâng lâng, vui vẻ, sung sướng... Có những hạnh phúc nho nhỏ như đói được ăn, và có những niềm hạnh phúc lớn lao sau bao tháng ngày chờ đợi như việc một em bé ra đời.

Từ góc độ sinh học, cảm giác hạnh phúc là kết quả của việc bốn hóa chất phối hợp ăn ý với nhau: dopamine như một cánh tay xốc chúng ta bật dậy từ chiếc ghế lười biếng, endorphins khiến cái chân đau bước nhẹ nhàng hơn, oxytocin giúp ta đến gần bên những người yêu dấu với một cái ôm dịu dàng, và serotonin là cảm giác hạnh phúc khi người yêu dấu ấy nói rằng cái ôm này làm họ sung sướng biết bao. Ta như bay lên trong một khoảnh khắc an vui. Cuộc đời thật đẹp.

Vấn đề là, khoảnh khắc ấy luôn luôn trôi qua. Niềm vui nào cũng dần dần cạn. Ta có thể nhảy lên sung sướng khi giành một giải thưởng, khi gặp lại một người bạn xa lâu ngày, khi tận hưởng một hoàng hôn tuyệt đẹp...

Nhưng những chất hóa học tạo ra cảm giác hưng phấn đó chỉ như dàn vũ công biểu diễn, hết giờ là sân khấu sẽ tắt đèn.

Lớn lên, tôi hiểu rằng tại sao nhiều người không thể hạnh phúc kể cả khi họ sống một cuộc đời viên mãn, vô lo, với đầy đủ nhu cầu tiện nghi và tình cảm.

Tạo hóa ban cho loài người chúng ta một khả năng thích nghi kỳ lạ. Chúng ta ước rằng nếu có một cái nhà thật to, hẳn đời không còn gì phải lo nghĩ. Nhưng khi có cái nhà thật to, ta lại muốn cái nhà to hơn.

Khát vọng và đam mê, về bản chất, chính là điều mà tạo hóa muốn chúng ta tận dụng, miễn là không lạm dụng để "khát vọng" trở thành "tham vọng" và "đam mê" biến thành "tham lam".

Đó chính là lý do tại sao những lần suýt thắng lại khiến bộ não phát đi tín hiệu khuyến khích mạnh mẽ "cố lên lần nữa" thay vì tín hiệu "thua rồi về thôi".

Nếu ta hài lòng và hạnh phúc với những gì đang có thì động lực nào để giống loài này đứng dậy đi tiếp, khám phá, xây dựng, tìm tòi, phát minh, liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình?

Tạo hóa cũng khiến ta nhìn về quá khứ và tương lai với con mắt đầy định kiến. Hạnh phúc trong quá khứ và hạnh phúc trong tương lai luôn đẹp đẽ hơn hạnh phúc trong hiện tại.

Ta thường nhớ về tuổi thơ và thời thanh niên với cảm giác hoài cổ thời ấy sao mà đẹp thế. Ta cũng hay tưởng tượng ra tương lai xán lạn hơn với bao ước mơ sẽ thành hiện thực.

Đó là vì tạo hóa muốn ta dùng quá khứ với tư cách là bằng chứng để đi tiếp chứ không dừng lại ở thực tại.

Nếu ta nghi ngờ khả năng có thể đạt được hạnh phúc trong tương lai, hãy nhìn vào quá khứ để biết rằng hạnh-phúc-hơn-hiện-tại là mục tiêu trong tầm tay.

 

Tác giả:

Tin nên đọc