5 giờ sáng, bà Phạm Thị Thuấn ( 57 tuổi, ở thôn Lê Xá, xã Lê Thanh, H. Mỹ Đức, Hà Nội) đã phải dậy để chuẩn bị ăn uống, quần áo đi đổ bê tông, bắt đầu một ngày mưu sinh vất vả ngoài trời.
Bà Thuấn làm nghề đổ bê tông đã được 11 năm, từ cái thời lương chỉ được vài chục nghìn mỗi ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, bà đạp xe đạp gần chục km để đi đổ bê tông thuê. Dù nắng chang chang như đổ lửa, nhưng những người đổ bê tông vẫn cần mẫn làm cho tới khi xong việc
“Làm nghề này mệt lắm. Tôi bị huyết áp cao một hơn năm nay rồi, nhưng vẫn đi làm. Đội cát, đá quần quật cả ngày mới được 170.000 đồng, thỉnh thoảng được nhà chủ tốt bụng thưởng riêng cho mỗi người 50.000 đồng, thay cho bữa cơm trưa”, bà Thuấn chia sẻ.
Theo lời bà Thuấn, làm nghề đổ bê tông, đau đầu, hoa mắt là chuyện thường, đáng sợ hơn là bụi xi măng, cát, đá bay vào mắt, mũi rất dễ bị đau mắt, viêm xoang, rồi khi mang vác những tấm gỗ, không cẩn thận là rơi đè cả vào người.
Bà đã từng bị gỗ đè trong lúc vác gỗ để chuẩn bị đi đổ bê tông, dẫn đến rạn xương ức, lại thường xuyên bị tăng huyết áp, đau lưng, viêm xoang, nhưng bà vẫn tiếp tục đi làm. “Nhiều người họ cứ khuyên là nghỉ thôi, bị huyết áp mà cứ làm nặng nhọc thế là nguy hiểm lắm. Biết là vậy nhưng tôi không nghỉ được, sáng nào tôi cũng uống thuốc hạ huyết áp và thuốc bổ trước khi đi làm”, bà Thuấn lau mồ hôi rồi nói.
Bà Thuấn cho biết, trước khi bắt tay vào làm việc, phải gập khăn làm nhiều lần, đệm trên đầu rồi đội mũ, thậm chí là lấy bông đệm để khi đội xi, đá, cát đỡ bị đau đầu. “Để ngăn bụi vào mắt, mũi, phải đeo khẩu trang và quàng thêm một lớp khăn bên ngoài, ấy thế mà vẫn không ăn thua, xi măng vẫn dính đầy trong mũi, rửa mấy ngày mới hết”, bà Thuấn kể.
Là người nhiều tuổi nhất trong số những người đi đổ bê tông, nhưng bà Thuấn ít khi nghỉ làm. Bà nói rằng, đi làm mệt nhưng cũng quen rồi, không đi là nhớ, đi làm là cười rúc rích bởi mấy người làm cùng suốt ngày tếu táo trêu nhau là: “làm nghề nhẹ không làm, cứ thích làm nghề ăn no vác nặng, khổ thế cơ chứ”.
Giống như bà Thuấn, 5 giờ sáng. Chị Phạm Thị Hiền Sức (31 tuổi, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã phải dậy để chuẩn bị ra lò gạch, bắt đầu một ngày mưu sinh vất vả khi bụng còn đói meo. Chị Hiền cho biết, làm nghề bốc xếp gạch thuê đã được 4 năm nay, kể từ ngày chị vẫn còn phải dùng quang gánh để gánh gạch. Ngày nào cũng như ngày nào, chị đều dậy từ 5 giờ sáng để kịp 6 giờ có mặt ở lò gạch làm thuê. “Nghề này cực lắm. Làm quần quật cả ngày được 300.000 đồng/ngày, trừ tiền ăn, xăng xe, còn dư ra được 200.000 đồng mang về nuôi con. Nhưng làm cái việc bốc xếp gạch này nhanh mất sức lắm, nay ốm mai đau, làm được ngày nào chỉ biết ngày ấy”, chị Hiền chia sẻ.
Không chỉ hay đau yếu do mang vác nặng, quá sức, chị Hiền cho biết làm việc trong môi trường lò gạch, bụi và nóng bức là thứ đáng sợ nhất. “Để ngăn hít phải nhiều bụi, chúng tôi thường gập khăn làm nhiều lần, thấm nước rồi bịt mặt, mũi, nhưng không ăn thua. Tối về nhà bỏ khăn ra, xỉ (bụi gạch) vẫn dính đầy trong mũi”, chị Hiền kể.
Nghề đổ bê tông nặng nhọc, tốn nhiều lao lực và nhanh mất sức, chỉ phù hợp với đàn ông, nhưng ở thôn Lê Xá, số phụ nữ theo nghề này lại đông hơn cả nam giới.
Bà Đinh Thị Nụ (42 tuổi, ở thôn Lê Xá, xã Lê Thanh) trước khi đi làm nghề đổ bê tông đã bươn trải ở nhiều nơi để mưu sinh kiếm sống, nhưng năm năm trở lại đây lại ở nhà xin đi đổ bê tông, vì có thể trông nom con cái ở gần. “Tuy mệt nhưng được gần con, vất vả cũng quen rồi, ở nông thôn thì chấp nhận lao động chân tay thôi”, bà Nụ chia sẻ.
Cũng trong huyện Mỹ Đức, ở thôn Bình Lạng, nghề bốc xếp gạch nặng nhọc, nguy hiểm, chỉ phù hợp với đàn ông, nhưng ở đây, số phụ nữ theo nghề này lại đông hơn cả nam giới. Nhiều người cho biết họ chấp nhận đi bốc xếp gạch thuê để có thu nhập, dù rất nặng nhọc, nhưng vì làm nông nghiệp thất thu, nông sản rớt giá, lại thêm phải trông nom con cái ở gần, nên họ không chọn việc ra thành thị làm thuê.
Bình quân mỗi ngày, mỗi lao động nữ tại đây bốc xếp và chở được 14 xe gạch ra bãi chứa, mỗi xe chứa khoảng 300 viên, tính tổng cộng 4.200 viên/ngày. Làm trong lò gạch, lương được tính theo sản phẩm, cứ 1.000 viên gạch được bốc xếp và chở ra bãi được 40.000 đồng, chủ yếu là làm việc theo nhóm, mỗi nhóm có 5 hoặc 6 người, nhóm nào làm nhiều sẽ được nhiều tiền, và ngược lại. Khi vào lò để bốc xếp gạch, phải thường xuyên đứng trên những đống gạch chất cao, hòn gạch còn nóng ran, ai không đi dép, đeo bít tất sẽ bị bỏng chân như chơi.
Làm trong lò gạch, công nhân không được nuôi cơm, nên khi đến bữa trưa, những người nhà gần nơi làm việc sẽ về ăn vội rồi lại đến làm. Những người nhà xa sẽ góp gạo thổi cơm chung, ăn trưa tại túp lều tạm bợ được dựng sát nơi làm việc. Mỗi trưa như thế có 30 phút ăn uống và nghỉ ngơi.
Những người phụ nữ "mình đồng da sắt" này cho hay, hầu như họ làm việc quần quật quanh năm vì ngày nào cũng có việc để làm, trừ những ngày mưa gió bão bùng. Những phụ nữ có sức chịu đựng kém thì khó có thể làm được công việc xúc và đội đá, “phơi mình” dưới nắng như thế này
Kết thúc một ngày làm việc, những người phụ nữ lại lọc cọc đạp xe đạp về khi trời đã tối mịt với sự ê mỏi cả người, nhưng họ lại vui vì mình có thêm một ngày lương. Họ cứ làm việc quần quật quanh năm suốt tháng như thế, cũng chỉ vì kế sinh nhai.
Tác giả: