Tại sao những ngôi chùa nổi tiếng lâu năm xa xưa lại thường ở trên đỉnh núi cao, địa hình hiểm trở?

( PHUNUTODAY ) - Nếu bạn là người quan tâm tới Phật giáo và những ngôi chùa nổi tiếng, bạn sẽ thấy chúng thường được xây dựng ở những nơi núi cao hiểm trở.

Chùa trên núi cao, người dưới thấp

Phật giáo là tôn giáo lâu đời và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống Á Đông. Có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng và đa phần đều ở núi cao. Những vị sư nổi tiếng trong lịch sử cũng thường tu hành tại nơi núi cao. Ở Trung Quốc nổi tiếng Ngũ Đài Sơn với độ cao 3058m so với mặt nước biển, là nơi các tín đồ Phật giáo chứng kiến sự phát triển Phật giáo trong suốt hai thiên niên kỷ qua. Ngũ Đài Sơn bao gồm 5 đỉnh thuôn tròn (Bắc, Nam, Đông, Tây, Trung) hay còn gọi tương ứng là Diệp Đấu phong, Cẩm Tú phong, Vọng Hải phong, Quải Nguyệt phong và Thúy Nham phong...

Ngũ Đài Sơn nơi nổi tiếng liên quan tới Phật giáo

Ở Tây Tạng, vùng đất của Phật giáo có tu viện Rongbuk nằm ở độ cao 5000m so với mặt nước biển, đây được xem là nơi có độ cao lớn nhất thế giới. Đây là tu viện linh thiêng của tín đồ Phật giáo Mật tông. Những sơn tự nổi tiếng khác có thể kể tới là Taktsang Palphug (Bhutan), chùa Đá Vàng (Myanmar) hay Huyền Không tự (Trung Quốc)… Ở Việt Nam những ngôi chùa nổi tiếng cũng thường trên núi cao như chùa Đồng ở Yên Tử, Quảng Ninh, chùa Bà Đen ở Tây Ninh...

Tại sao chùa ở núi cao?

Nguyên nhân chùa thường được xây trên núi cao chưa có tài liệu nào ghi rõ vì sao. Nhưng có một vài cách lý giải cho sự việc này:

- Phật giáo xa xưa tư tưởng xuất gia, người đi tu là buông bỏ mọi việc thế tục kể cả gia đình, vợ con... Những người đi tu cần tịnh tâm nên không tiếp xúc nhiều với trần thế. Thế nên người tu hành tìm nơi núi cao hiểm trở thì sẽ ít người qua lại, vắng vẻ thanh tịnh, không vướng bụi trần nên ít bị phân tâm. 

Có nhiều giả thuyết liên quan tới việc chùa thường ở núi cao

- Địa thế trên núi cao là một trong những nơi lý tưởng, có phong thủy tốt, nhận được nhiều năng lượng từ đất trời, hội tụ linh khí, tạo ra không khí trang trọng uy nghiêm. Chùa xây dựng ở những nơi này sẽ tụ khí linh thiêng và trường tồn, tránh được sự tàn phá của con người

- Chùa ở núi cao giúp cho cư sĩ, tăng ni có thể đứng cao, nhìn xa, rất có lợi cho tăng nhân, đạo sĩ tu hành. Hơn nữa núi cao tiếp cận gần trời nên càng linh thiêng, càng thoát tục, tiếp cận gần thần tiên.

- Nơi núi cao, bao quát rộng, những đền chùa, miếu mạo này sẽ khiến cho những tín đồ đến thăm vui vẻ, thoải mái, buông lỏng âu lo, cởi tâm trí hơn và người tu thì nhìn thấu hơn mọi việc đời để có thể giác ngộ.

- Nơi núi cao hiểm trở cũng là một cách rèn luyện cho người tu hành. Ai lên được núi cao thì tới gần được với Phật. Để xây được chùa trên núi cao người ta phải kiên trì 

- Có giả thuyết lại cho rằng nơi núi cao hiểm trở, rừng thiêng nước độc có thể có tà khí nên ở một số nơi người tu hành xa xưa lập chùa để giải trừ, biến đất dữ thành đất lành, rồi đời sau ghi nhớ cho rằng nơi đó thành đất thiêng.

Tác giả: An Nhiên