Tất tần tật những điều bạn cần biết về căn bệnh lao màng phổi

( PHUNUTODAY ) - Lao màng phổi là bệnh lý đứng đầu trong các thể lao ngoài phổi. Vậy nguyên nhân, triệu chứng có biểu hiện gì và cách phòng bệnh lao màng phổi hiệu quả bằng cách nào?

Lao màng phổi là gì?

Lao màng phổi là một dạng bệnh được xếp vào những bệnh lao ngoài phổi, chiếm khoảng 5% trong số các thể lao và đứng thứ 2 trong số bệnh lao ngoài phổi (chỉ sau lao hạch bạch huyết). Đặc biệt, trong các bệnh về tràn dịch màng phổi thì nguyên nhân do bệnh lao gây ra chiếm tới 70 - 80%. Bệnh xuất hiện ở giới trẻ nhiều hơn, nhưng nhiều người vẫn thường chủ quan bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Có mấy thể lao màng phổi?

Bệnh lao màng phổi có 3 loại thường gặp:

Lao màng phổi điển hình (thường gặp).

Lao màng phổi thể khô

Lao màng phổi tràn dịch khu trú ở cùng nách, vùng rãnh liên thùy, trung thất,…

Nguyên nhân gây bệnh

Lao màng phổi chủ yếu là do vi khuẩn lao người gây ra, một số ít trường hợp do vi khuẩn lao bò hoặc vi khuẩn lao không điển hình. Những vi khuẩn này phát sinh thành bệnh nhờ các điều kiện thuận lợi:

Trẻ không được tiêm vaccine phòng tránh lao màng phổi BCG, hay trẻ bị lao sơ nhiễm nhưng phát hiện muộn và điều trị không đúng cách.

Người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với người bị lao phổi.

Bị chấn thương lồng ngực hoặc nhiễm lạnh đột ngột.

Mắc một số bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS.

Triệu chứng của bệnh lao phổi

Đau ngực, khó thở tăng dần, sốt, khám có hội chứng 3 giảm vùng màng phổi bị tràn dịch.

Bệnh cũng có thể xuất hiện từ từ với các dấu hiệu: Sốt nhẹ về chiều, đau ngực ít hơn, ho khan và khó thở tăng dần.

Còn ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện: Xanh xao, mệt mỏi, gầy sút, sốt liên tục, nhiệt độ dao động 39-40oC, mạch nhanh, huyết áp hạ, nôn, nước tiểu ít…

Cũng có trường hợp ho khan từng cơn, đau ngực, khó thở thường xuyên. Khi dịch màng phổi ít, bệnh nhân thường nằm nghiêng bên lành; dịch nhiều bệnh nhân thường nằm nghiêng bên bệnh hoặc ngồi dựa tường để thở.

Cách điều trị bệnh lao màng phổi

Nguyên tắc điều trị lao màng phổi là: Phải chọc hút dịch màng phổi sớm và triệt để; phải chẩn đoán và điều trị thuốc lao càng sớm càng tốt; phải tập phục hồi chức năng chống dày dính màng phổi và để lại di chứng sau này.

Để điều trị khỏi bệnh lao màng phổi, bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống lao theo đường toàn thân và thuốc chống dính màng phổi. Bên cạnh đó, bệnh viện còn phải tiến hành hút dịch cho bệnh nhân (mỗi tuần 2-3 lần) cho tới khi hết dịch. Khi có biến chứng ổ cặn màng phổi, dày dính màng phổi nhiều, dò màng phổi – thành ngực, dò màng phổi – phế quản gây ho khạc mủ… cần điều trị kết hợp ngoại khoa.

Phòng tránh lao màng phổi

Tiêm vaccine BCG ngăn ngừa bệnh lao màng phổi cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

Khi có một trong những biểu hiện lao màng phổi cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để có kết luận chính xác và cách trị bệnh phù hợp.

Sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, tránh xa các căn bệnh xã hội nguy hiểm,…

Trên đây là những điều cần biết về bệnh lao màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả. Hi vọng với những thông tin hữu ích này giúp bạn phòng bệnh một cách hiệu quả nhất, khi có những triệu chứng trên bạn nên đến cơ sở y tế phòng khám chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện và có hướng điều trị bệnh kịp thời nhất. Chúc bạn sức khỏe!

Tác giả:

Tin nên đọc