Thân nhau tới mấy dù là anh em ruột thịt cũng không nên nói 3 điều này, tổ tiên dặn là 3 việc gì?

( PHUNUTODAY ) - Trong cuộc sống chúng ta cần biết giữ ranh giới và giới hạn nhất định trong mọi mối quan hệ, kể cả anh chi em ruột thịt thân thiết nhất.

Trong cuộc sống thường nhật, một nghịch lý buồn là chúng ta đôi khi lại dễ ghen tỵ, so đo với những người gần gũi – trong đó có chính anh chị em ruột của mình – hơn là với người ngoài. Người ngoài thành công thì ngưỡng mộ, còn anh em thành công lại dễ khiến ta cảm thấy áp lực hay tủi thân. Chính vì vậy, giữa các thành viên trong gia đình, nhất là anh chị em ruột, có những điều nên giữ kín, không nên chia sẻ quá nhiều để tránh gây tổn thương, mất lòng hoặc làm rạn nứt tình thân.

1. Hạn chế nói về tiền bạc, thu nhập

Khi anh chị em đã trưởng thành, mỗi người có một công việc, một cuộc sống riêng với mức thu nhập khác nhau, thì tốt nhất không nên bàn luận quá sâu về vấn đề tài chính. Những câu hỏi như “Lương tháng bao nhiêu?”, “Năm nay làm ăn thế nào?”, hay những lời khoe khoang như “Tôi kiếm tháng trăm triệu” đều rất dễ tạo cảm giác so sánh, khiến người nghe cảm thấy chạnh lòng hoặc bị coi thường.

Những chuyện liên quan tới tiền bạc không nên nói nhiều kể cả với anh em ruột thịt

Đặc biệt nếu trong gia đình có sự chênh lệch thu nhập rõ rệt thì chuyện tiền bạc càng nên tránh đề cập. Hãy nhớ rằng, tài chính là vấn đề nhạy cảm và dễ dẫn đến hiểu lầm, đố kỵ. Tốt nhất nên giữ nguyên tắc rõ ràng: cho là cho, mượn là mượn. Nếu có hỗ trợ nhau thì nên minh bạch để không làm tổn thương tình cảm anh chị em về sau.

2. Không nên tâm sự chuyện riêng tư của vợ/chồng hoặc người yêu

Một sai lầm phổ biến là nhiều người thường chia sẻ chuyện không vui trong hôn nhân hay tình yêu với anh chị em ruột để tìm sự cảm thông. Tuy nhiên, việc này đôi khi phản tác dụng. Khi bạn than phiền về người yêu hay vợ/chồng mình, anh em trong nhà dễ sinh tâm lý định kiến, coi thường hoặc mất thiện cảm với “nửa kia” của bạn. Điều này có thể dẫn đến sự xa cách, không thoải mái trong các mối quan hệ gia đình sau này.

Chuyện riêng tư của nửa kia của mình cũng không nên chia sẻ nhiều

Thậm chí nếu mối quan hệ vợ chồng bạn tốt trở lại, thì những gì từng kể với anh em sẽ trở thành rào cản khiến mọi người khó lòng quý mến bạn đời của bạn như trước. Vì thế, những vấn đề nhạy cảm liên quan đến đời sống cá nhân nên được giữ kín, hoặc tìm chuyên gia để tâm sự thay vì chia sẻ quá nhiều với người thân.

3. Tránh can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư

Dù là anh chị em ruột, mỗi người đều có cuộc sống và lối suy nghĩ riêng. Đừng lấy lý do “thân thiết”, “máu mủ” để can thiệp quá sâu vào các quyết định cá nhân của nhau như chuyện kết hôn, sinh con, mua nhà, đầu tư… Việc góp ý là cần thiết nếu người thân thực sự cần lời khuyên, nhưng hãy giữ thái độ tôn trọng, không phán xét hay áp đặt.

Không nói về chuyện riêng tư của nhau nhiều nếu người kia không muốn

Sự quan tâm thái quá dễ biến thành kiểm soát, làm người khác cảm thấy bị xâm phạm và ngột ngạt. Sự gần gũi đôi khi cần thêm khoảng cách để giữ cho tình cảm không bị rạn nứt vì những điều nhỏ nhặt nhưng tế nhị.

Gia đình là nơi để quay về, nhưng cũng cần tồn tại những “ranh giới mềm”. Đừng vì thân thiết mà xem nhẹ sự riêng tư của nhau: như tự ý vào phòng người khác, đọc tin nhắn, hay bình luận về lựa chọn sống của họ. Học cách tôn trọng lẫn nhau sẽ giúp mối quan hệ anh chị em bền vững và trưởng thành theo thời gian.

Tình thân quý giá, nhưng để giữ được sự gắn bó bền lâu giữa anh chị em ruột, không chỉ cần tình cảm mà còn cần sự tôn trọng và tinh tế trong cách ứng xử. Đôi khi, biết giữ im lặng đúng lúc và biết tránh xa những điều dễ gây tổn thương lại chính là cách bảo vệ tình cảm gia đình tốt nhất. Hãy luôn nhớ: anh em là máu mủ, nhưng tình thân cần được vun đắp bằng sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau mỗi ngày.

Tác giả: Như Bình