Tổ tiên dặn: "Giàu không xây nhà to, không làm mộ lớn ", vì sao? 10 người thì 9 người hiểu sai

( PHUNUTODAY ) - Lời tổ tiên dặn con cháu khi giàu có đừng xây nhà to, đừng ham đi sửa xây lại mộ lớn nhưng nhiều người lại hiểu sai và làm ngược lại.

Trong dân gian xưa nay vẫn có câu lưu truyền lời dạy của người xưa rằng: Giàu không xây nhà to, không làm mộ lớn. Câu nói tưởng chừng đơn giản này lại chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa sâu xa từ ý nghĩa phong thủy tới cách ứng xử với tiền tài, cách sống khi giàu có, cách giữ phúc đức và mối liên hệ giữa con người với trời đất, tổ tiên. Vậy tại sao người xưa lại có quan niệm như vậy? Có thật việc xây nhà quá to, làm mộ phần quá lộng lẫy sẽ khiến hao tài tổn lộc?

1. Vì sao giàu thì không nên xây nhà to?

Chúng ta thường nghĩ người giàu thì mới xây nhà to, nghèo thì lấy đâu ra tiền mà xây. Nhưng trí tuệ người xưa muốn nhắc con cháu rằng cả khi giàu cũng không nên xây nhà to, chỉ cây nhà vừa đủ ở thôi.

Người xưa rất coi trọng chữ "đủ". Ông bà ta tin rằng sống biết đủ, biết vừa vặn với hoàn cảnh, sẽ giữ được phúc đức lâu dài. Thực tế bậc trí huệ và giác ngộ cũng khuyên ta biết đủ.

Việc xây nhà quá to, vượt nhu cầu thực tế không chỉ gây lãng phí mà còn dễ khiến con người sinh ra tâm lý kiêu ngạo, xa rời cội nguồn, xa vời tâm lý biết đủ.

Xây nhà to vừa tốn kém vừa không tốt cho phong thủy

Theo quan niệm phong thủy truyền thống, xây nhà to cũng không tốt. Ngôi nhà tốt là không nên quá lớn so với vận khí của gia chủ. Nếu khí lực của người sống không đủ để “ôm” trọn không gian lớn, căn nhà dễ trở thành “âm thịnh dương suy” – lạnh lẽo, vắng vẻ, tài khí thất tán, ảnh hưởng sức khỏe, mối quan hệ, khó kiểm soát dòng tiền, dễ hao tổn phúc lộc.

Thực tế xây nhà to hơn nhu cầu còn khiến gia chủ gặp nhiều phiền phức khác như bị ghen ghét, bị để ý, dị nghị, bị nhờ vả, bị trộm cắp rình rập...

Bên cạnh đó, nhà to đồng nghĩa với chi phí duy trì lớn – từ điện nước, bảo trì, đến việc giữ gìn phong thủy. Nếu không cân đối được tài chính, lâu dài dễ khiến gia đạo rối ren, tiền tài hao hụt.

2. Làm mộ tổ tiên quá hoành tráng có thể gây phản tác dụng

Trong văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, việc xây mộ tổ tiên thể hiện lòng hiếu kính và tôn trọng cội nguồn. Tuy nhiên, người xưa luôn nhấn mạnh: “đẹp nhưng khiêm tốn, bền nhưng kín đáo”. Nếu quá chú trọng hình thức mà bỏ qua yếu tố tâm linh và phong thủy, hậu quả có thể ngược lại.

Nhiều người khi giàu có thì muốn chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để xây lăng mộ cho tổ tiên thật đồ sộ, nghĩ rằng thế là báo đáp ơn nghĩa, là để chấn hưng dòng họ. Tuy nhiên, nếu mộ phần xây dựng không hợp long mạch, đặt sai hướng, hoặc phạm vào nơi “kỵ khí”, có thể gây tác động tiêu cực đến hậu vận con cháu. Hơn nữa mộ đang yên thì chớ sửa sang.

Làm mộ lớn ảnh hưởng long mạch còn gây phiền cho linh hồn tổ tiên yên nghỉ

Ngoài ra, việc khoe khoang sự giàu có qua lăng mộ to dễ khiến dư luận dèm pha, ganh ghét. Cổ nhân vẫn dạy: “Hữu xạ tự nhiên hương” – có đức, có tài thì tự tỏa sáng, không cần phô trương.

Hơn nữa mộ tổ tiên ông bà được xem là có kết nối với tài lộc đời con cháu. Mộ tổ tiên cần nhất là hướng tốt, long mạch đẹp và yên ổn. Việc xây mộ to chỉ làm phô trương khiến động long mạch, lại còn khiến người khác dị nghị, thậm chí kẻ trộm mộ xâm phạm để tìm kiếm đồ cổ, người ghen ghét biết chỗ mà xâm phạm, kẻ vô gia cư lại tìm chỗ lánh lạn. Điều đó ảnh hưởng tới sự yên nghỉ của tổ tiên.

3. Ý sâu xa ngoài nghĩa đen: Khi giàu có, cần giữ tâm khiêm tốn để tài lộc bền lâu

Lời dạy của người xưa giàu không xây nhà to không làm mộ lớn, không chỉ dừng lại ở nghĩa đen xây nhà, sửa mộ mà còn muốn nhắc con con cháu về thái độ sống không khoa trương, có tiền phải biết dùng tiền.

Người xưa có câu: “Núi cao còn có núi cao hơn”. Trong cuộc sống, dù giàu đến đâu cũng không nên tự mãn, thể hiện thái quá. Bởi lẽ, khi cái “tôi” lấn át sự tỉnh táo, con người dễ đưa ra những quyết định sai lầm, làm tổn hại phúc khí tích lũy bao đời.

Hơn nữa mọi cách sống phô trương đều là tự mình rước họa vào nhà. 

4. Vậy nên làm thế nào cho hợp lý?

Xây nhà nên vừa đủ dùng, chú trọng phong thủy và sự ấm cúng, không nhất thiết phải quá đồ sộ.

Mộ phần nên chọn nơi đất lành, hợp hướng, vừa tôn nghiêm vừa giữ sự kín đáo, thể hiện sự trân trọng tổ tiên chứ không phải ganh đua hình thức.

Giữ tâm khiêm nhường, dù giàu có vẫn sống giản dị, biết chia sẻ và tích đức. Tuyệt đối không phô trương khoe khoang cho người biết là mình giàu để tránh bị phiền phức.

Câu nói “giàu không xây nhà to, không làm mộ đẹp” không phải là mê tín, mà là lời nhắc nhở của người xưa về cách giữ gìn tài lộc và phúc đức. Trong thời đại hiện đại, dù cuộc sống đã thay đổi nhiều, nhưng những bài học về sự chừng mực, đạo lý sống vẫn luôn còn nguyên giá trị. Biết đủ là giàu, biết khiêm tốn là phúc – đó mới là “gia tài” thực sự của mỗi người.

Tác giả: Như Bình