Trong nền văn hóa nông nghiệp truyền thống, có câu nói "Đáng sợ nhất là ngày đầu tiên của tháng 4 âm". Trên thực tế đây không chỉ là lời than vãn nhất thời mà chứa đựng kinh nghiệm sản xuất lâu đời của người nông dân. Ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch đánh dấu một thời điểm quan trọng trong năm, khi vụ xuân kết thúc và mùa hè bắt đầu, thời gian này vạn vật sinh sôi, cây cối cũng sinh trưởng mạnh mẽ nhất. Nếu vào ngày này trời đổ mưa to, nó có thể báo hiệu một mùa vụ khó khăn với những hệ lụy kéo dài cho nông nghiệp.
Về mặt khoa học khí tượng thủy văn, tháng 4 âm lịch trùng với giai đoạn chuyển mùa từ Xuân sang Hạ, khi hoạt động của gió mùa Đông Á còn phức tạp. Lúc này, không khí lạnh cuối mùa và không khí nóng ẩm phương Nam giao thoa, thay đổi liên tục, gây ra hiện tượng thời tiết bất ổn.
Người xưa nói rằng, nếu trời mưa ngay ngày đầu tiên của tháng 4, đó có thể là dấu hiệu cho một đợt mưa kéo dài do áp cao cận nhiệt đới dịch chuyển chậm, khiến cho khí hậu trở nên ẩm ướt nhiều ngày liên tiếp. Người xưa còn quan niệm, kinh nghiệm cả đời cho thấy, nếu ngày đầu tiên của tháng 4 mưa, 45 ngày sau đó thường sẽ tiếp tục có thời tiết ẩm ướt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Đầu tháng 4 ở miền Bắc chính thời điểm ngô và đậu tương vừa mới nảy mầm, lúa xuân đang bước vào giai đoạn làm đòng, đẻ nhánh. Còn ở miền Nam, lúa vụ hè-thu bắt đầu gieo cấy, trong khi lúa vụ đông xuân đã chuẩn bị thu hoạch. Lúc này thời tiết nắng ráo cực kỳ quan trọng để cây phát triển, phơi phóng nông sản cho khô ráo. Nếu trời mưa kéo dài, đất đai bị úng nước, độ ẩm cao sẽ làm phát sinh nhiều bệnh hại như nấm, sâu bệnh phát triển mạnh, gây thối rễ, đổ ngã, giảm sản lượng và chất lượng nông sản. Với ngô hay lúa, mưa nhiều vào lúc trổ bông, thụ phấn, làm đòng thì coi như vụ mùa đó thất thu, mất trắng.
Trong dân gian, có nhiều câu tục ngữ phản ánh mối lo lắng này: “Mùng một tháng Tư mưa, bốn lăm ngày đổ”, “Mùng một tháng Tư mưa, nông dân khóc”, hay “Mùng một tháng Tư nắng, ruộng đồng đầy lúa vàng”. Những câu nói này không chỉ dựa trên quan sát thực tiễn mà còn phù hợp với quy luật vận hành của thời tiết và nông nghiệp. Người nông dân xưa, dù không có công cụ dự báo hiện đại, vẫn hiểu rất rõ rằng, chỉ cần một trận mưa không đúng lúc cũng có thể ảnh hưởng tới công sức canh tác cả năm.
Ngược lại, nếu ngày đầu tháng 4 trời nắng đẹp, người xưa nói rằng đó là dấu hiệu tốt lành cho cả mùa vụ. Ánh sáng dồi dào hỗ trợ quá trình quang hợp, giúp cây trồng khỏe mạnh, chống lại sâu bệnh rất tốt. Nắng ráo vào ngày này, báo hiệu thời gian tạn ráo sẽ kéo dài, tốt cho việc tạo hạt của lúa ngô. Ngoài ra, thời tiết khô ráo cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cày bừa, gieo trồng và chăm sóc cây trồng vụ mới. Chính vì vậy, người nông dân thường cầu mong cho một ngày mùng một tháng 4 trong xanh, nắng ráo, họ cho rằng đó là tín hiệu của mùa màng bội thu, cả năm no đủ.
Ngày nay, dù công nghệ dự báo thời tiết và kỹ thuật nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, nhưng trong sản xuất nông nghiệp, người dân vẫn đánh giá cao việc phán đoán thời tiết qua thiên nhiên. Do đó, kinh nghiệm dân gian này vẫn còn nguyên giá trị. Việc theo dõi kỹ tình hình thời tiết, nhất là từ những dấu hiệu đầu mùa, giúp người nông dân chủ động hơn trong việc phòng chống thiên tai và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Tóm lại, câu nói "'Đáng sợ nhất là ngày đầu tiên của tháng 4 âm'" không chỉ phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu đời mà còn nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa thiên nhiên và con người trong nền văn hóa nông nghiệp Á Đông. Tới bây giờ, đất nước chúng ta vẫn là nước đi lên từ nông nghiệp, vì thế việc học hỏi những tri thức dân gian quý báu là cần thiết, đồng thời người dân cũng nên biết cách vận dụng linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, mong sao các vụ mùa luôn bội thu, no ấm.
Tác giả: Dương Thuỵ
-
Sống với 6 triệu/tháng trước nghỉ hưu: Điều gì đã xảy ra?
-
Cổ nhân dạy: 2 việc không nên đợi và 2 thứ không nên sợ hãi trong cuộc sống
-
Người càng giàu càng ít giúp họ hàng người thân, hóa ra vì một lý do này
-
Người giàu không đến ba nơi, người nghèo tránh hai người: Bài học thấm thía từ câu nói xưa
-
Tổ Tiên nhắc nhở: 'Câu này nếu mở miệng nói ra, cả đời nghèo hèn, khó thành đạt'