Có một vị phu nhân, thường vì những chuyện vặt vãnh mà sinh nóng giận. Có một ngày bà đi tìm một vị cao tăng thỉnh giáo. Cao tăng nghe xong, liền dẫn bà đến một gian thiền phòng, khóa cửa lại rồi rời đi.
Vị phu nhân tức giận chửi mắng ầm ĩ một hồi, cao tăng cũng không để ý tới. Rồi bà lại bắt đầu cầu khẩn, cao tăng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Vị phu nhân cuối cùng đành phải im lặng.
Cao tăng ở bên ngoài cửa hỏi: “Bà còn tức giận không?”. Vị phu nhân nói: “Tôi chỉ tức giận chính mình, sao lại đến cái nơi quỷ quái này để chịu tội khổ không biết!”.
Cao tăng phẩy tay áo rời đi, nói vọng vào: “Người mà ngay cả chính mình cũng không chịu tha thứ, thì làm sao tâm có thể phẳng lặng như mặt nước được đây?”
Một lát sau, cao tăng lại hỏi: “Bà còn tức giận không?”. Vị phu nhân nói: “Hết rồi, tức giận để làm gì cơ chứ?”.
“Tức giận cũng có làm gì được đâu!”, cao tăng lại rời đi.
Lúc cao tăng trở lại lần thứ ba, vị phu nhân nói với ông: “Tôi hết tức giận rồi, bởi vì không gì đáng để tức giận”. Cao tăng cười nói: “Bà còn biết nó có đáng hay không, xem ra trong nội tâm vẫn còn cái gốc rễ của khí”.
Một hồi sau, đang lúc cao tăng đứng ở trước cửa ngắm trời chiều. Vị phu nhân hỏi: “Đại sư, khí là gì vậy?”. Cao tăng đổ nước trà vào trong tay làm rơi vãi khắp đất, vị phu nhân nhìn thật lâu chợt tỉnh ngộ, cảm tạ rồi rời đi.
Sinh mệnh của chúng ta cũng giống như chén nước trà trong tay vị cao tăng kia, chỉ trong giây lát đã hòa vào trong đất. Năm tháng ngắn ngủi như thế, những việc nhỏ nhặt trong đời đâu có đáng giá để chúng ta uổng phí thời gian mà đi tức giận?
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vì những việc nhỏ nhặt mà tức giận, đơn giản là vì tranh giành cao thấp, hơn thua mạnh yếu, nhưng cuối cùng đều không ai chiến thắng cả. Bạn có thể thắng ở việc này, nhưng có thể lại thua ở việc khác. Lúc bạn nhắm mắt từ giã thế gian này, dù có là ai thì cũng đều giống nhau, chỉ là hai bàn tay trắng.
Đời người quan trọng nhất là làm được một chút việc gì đó mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa, không nên tốn thời gian đi tranh danh đoạt lợi, không nên cứ lại hơn thua vì một câu nói mãi thế. Người có tu dưỡng chân chính sẽ biết nén cơn tức giận này xuống. Biết kiểm soát được nóng giận mới có thể khiến sự tình trở nên tốt hơn, mới có thể khỏe mạnh và trường thọ.
Nếu để bạn mắc bệnh nhẹ một tuần, bạn sẽ phát hiện tiền tài không còn là quan trọng, chỉ có gia đình và thân thể mới là đáng quý.
Nếu để bạn mắc bệnh nặng một tháng, bạn sẽ phát hiện tiền tài đặc biệt không hề quan trọng, thân thể và người nhà mới là trọng yếu.
Nếu để bạn mắc bệnh nặng nửa năm, đoán chừng bạn sẽ sẵn lòng buông bỏ hết thảy tiền tài và danh lợi, chỉ có thân thể mới là thứ quan trọng nhất.
Đáng tiếc là, thế giới này đại bộ phận mọi người đều như thế, vết sẹo lành rồi lại vội quên đi nỗi đau, kể cả tôi và bạn, cho nên, khi đọc tới đoạn này, tôi càng thêm kiên định mà biết rằng, trong cuộc đời, điều gì mới là quan trọng nhất. Tôi càng thêm minh bạch rõ ràng, người ta nên bình thản mà sống, khỏe mạnh, hạnh phúc mới là quý giá nhất.
Cách kiềm chế tức giận và cảm xúc tiêu cực
1. Nghĩ đến trách nhiệm bản thân
Khi gặp rắc rối, bạn thường tìm cách quy trách nhiệm cho người khác, từ ngữ đầu tiên trong tâm trạng bực tức, khó chịu với ai đó thường là: “Tại anh/chị…”. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến trách nhiệm của bản thân thì bạn sẽ tập trung để xử lý hơn là phàn nàn và đổ lỗi cho người khác. Hãy nghĩ tới: “Trong chuyện này, mình cũng có trách nhiệm, mình nên làm như thế này mới đúng… mình cần giúp đỡ mọi người…”.
2. Tránh suy nghĩ tiêu cực
Nếu nghĩ bi quan sẽ kéo theo các cảm xúc đi xuống mà qua thời gian sẽ làm tăng thêm căng thẳng và chán nản trong bạn. Vì thế bạn hãy thừa nhận cái thực tại, bù lại là sự khắc phục và lạc quan trong suy nghĩ: “Tôi đã làm gì sai? Tôi cần thay đổi như thế nào? À việc này cũng không đến nõi kinh khủng như mình nghĩ, mình có thể làm tốt hơn…” Khi mặt tích cực xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
3. Tập trung vào vấn đề cần giải quyết hơn là tranh cãi
Con người không ai hoàn hảo và ai cũng có thể mắc những sai lầm. Cho dù bạn có tức giận, trách mắng những lỗi lầm của người khác thì cả bạn và họ cũng không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là dừng ngay việc phàn nàn và đổ lỗi cho người khác và ưu tiên cùng nhau trước mắt tìm phương án giải quyết để hạn chế hậu quả của vấn đề có thể gây ra.
4. Không giữ thù hận hay ác cảm
Trong tâm mang thù hận hay ác cảm với ai đó, không những làm tiêu hao năng lượng và thời gian mà còn làm vẩn đục tư tưởng của bạn, thậm chí đẩy bạn xuống mức thấp nhất của cảm xúc tiêu cực. Hãy để mọi thứ qua đi. Tha thứ, quên đi quá khứ và thoát khỏi hố sâu của hận thù mà chỉ nghĩ về một tương lai hạnh phúc ở phía trước đang chờ đón bạn.
5. Không gửi email trong cơn giận dữ
Trong lúc tức giận, chắc chắn bạn sẽ viết ra những điều không mấy tốt đẹp và có thể gây thương tổn cho người khác, thậm chí còn phá hỏng sự nghiệp của bạn. Vì vậy tốt hơn hết là nên để tâm trạng bình tĩnh hơn, sau đó mới giải quyết công việc tiếp.
6. Viết ra giấy những gì tốt đẹp
Thay vì nổi giận với một ai đó, hãy bình tâm lại, cố gắng tìm một không gian yên tĩnh để trấn tĩnh lại và viết ra những điều tốt đẹp người đó làm cho bạn. Hãy tìm ra những lý do mà bạn biết ơn người đó. Đánh giá lỗi lầm một cách khách quan là cách đối xử công bằng với họ và với cả bản thân chúng ta.
7. Học cách đối mặt với khó khăn
Nếu bạn biết trước bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách trong thời gian sắp tới, thay vì trốn tránh hãy tìm cách để đối mặt với chúng
Và hãy tập tranh luận để khi vào tình huống thực sự, bạn có thể kiềm chế được những cảm xúc của mình.
Tác giả: