Họa sĩ vẽ Phật
Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông ta muốn vẽ tranh Phật và ma quỷ, nhưng mà ông ta không tìm thấy trong thực tế hình mẫu của hai nhân vật này. Trong đầu ông ta nghĩ thế nào cũng không thể tưởng tượng ra hình dạng của Phật và ma quỷ, cho nên rất sốt ruột lo lắng.
Thế rồi có một cơ hội rất vô tình, anh ta đã đi chùa bái lễ, trong lúc đó đã vô tình phát hiện ra một vị hòa thượng, các loại khí chất trên thân thể vị hòa thượng kia đã hấp dẫn vị họa sĩ một cách sâu sắc, thế là anh ta liền đi tìm vị hòa thượng đó, nguyện ý trả cho vị hòa thượng này một số tiền lớn, với điều kiện là vị hòa thượng sẽ dành một ngày làm mẫu để họa sĩ kia vẽ.
Sau này, tác phẩm của vị họa sĩ hoàn thành đã gây ra chấn động rất lớn tại địa phương. Họa sĩ nói: “Đó là bức tranh mà tôi hài lòng nhất, bởi vì vị hòa thượng làm mẫu cho tôi vẽ kia khiến tôi nghĩ rằng nhất định ông chính là một vị Phật, những khí chất thanh tịnh và thư thái ông mang trên mình có thể gây cảm động đến mỗi người”.
Vị họa sĩ cuối cùng đã thực hiện lời hứa của mình, trả cho vị hòa thượng kia rất nhiều tiền. Cũng bởi vì bức tranh này, mọi người đã không gọi ông ta là họa sĩ nữa mà gọi là “Họa Thánh”. Một thời gian ngắn sau, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào vẽ ma quỷ, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó khăn cho ông, đi đâu mà tìm được hình dáng của ma quỷ đây? Ông ta tìm hỏi qua rất nhiều địa phương, tìm rất nhiều người hung ác bên ngoài, nhưng không có ai thỏa mãn cả.
Cuối cùng, ông ta tìm đến một nhà tù, vị họa sĩ cực kỳ vui mừng, bởi vì thực sự tìm một người giống ma quỷ quả là quá khó khăn. Thời điểm mà ông họa sĩ đối mặt với tên phạm nhân kia, tên phạm nhân đã ở ngay trước mặt ông ta mà khóc rống lên. Vị họa sĩ thấy vô cùng kỳ lạ, bèn hỏi tên phạm nhân kia có chuyện quan trọng gì vậy? Tên phạm nhân kia nói: “Tại sao ông lần trước vẽ Phật cũng tìm tôi mà lần này vẽ ma quỷ cũng lại tìm tôi?”.
Vị họa sĩ bị chấn động, ông nhìn tên phạm nhân một cách cẩn thận rồi nói: “Tại sao lại có thể thế được? Lúc tôi vẽ Phật tôi tìm người kia có khí chất phi phàm, còn ngươi thoạt nhìn đã thấy ngay là hình tượng ma quỷ rồi, tại sao lại là cùng một người được? Thật là quá kỳ lạ! Quả thực là khiến cho không ai có thể lý giải nổi”.
Tên phạm nhân kia đau buồn nói: “Chính là ông đã biến tôi từ Phật thành ma quỷ”. Vị họa sĩ nói: “Ngươi tại sao lại nói như thế? Ta không có làm gì ngươi cả”.
Tên phạm nhân nói: “Từ sau khi ông trả cho tôi tiền, tôi đã ăn tiêu đàng điếm, đi tìm mua vui, mặc sức tiêu xài. Sau này khi đã tiêu hết tiền, mà tôi lại quen với cuộc sống như vậy rồi, dục vọng đã khởi lên mà không thể vãn hồi được. Thế là tôi đi cướp đoạt tiền của người khác, còn cả giết người nữa, chỉ cần có thể kiếm được tiền, việc xấu thế nào tôi cũng có thể làm, kết quả là trở thành như bộ dạng của ngày hôm nay”.
Vị họa sĩ nghe tên phạm nhân kia nói xong, vô cùng bùi ngùi, ông cảm thấy sợ hãi khi mà nhân tính chỉ vì dục vọng lại có thể chuyển biến nhanh đến như vậy, con người là yếu ớt như thế. Thế là ông đau đớn mà đem bút vẽ quẳng đi, từ đó về sau không bao giờ vẽ tranh nữa.
Con người một khi rơi vào cái bẫy theo đuổi ham muốn hưởng thụ vật chất, cũng rất dễ dàng đánh mất phương hướng bản thân mình, muốn bứt phá ra là một việc vô cùng khó khăn, cho nên nhân tính là không thể ở cùng với tham niệm.
Trừ bỏ dục vọng để sống thanh thản
Khi một người thác sinh vào thế giới này, người ấy không mang theo gì cả. Không có gì trên đời này sẽ đi theo người ấy hay có thể được mang theo khi người ấy rời đi. Tuy vậy lại có rất nhiều cám dỗ trên hành trình cuộc sống. Ngày nay, những người ôm giữ nhiều dục vọng mạnh mẽ lại cho rằng các ham muốn ấy là bản năng gốc của nhân loại.
Họ tin rằng dục vọng là động lực trong cuộc sống, nhưng rất ít ai chịu nghĩ sâu hơn về tác hại của việc dung dưỡng quá mức lòng tham không đáy của mình. Nhân loại có thất tình lục dục. Những ham muốn ấy có nguyên lai từ nhiều mặt: thức ăn, vật chất, danh vọng, lợi ích cá nhân, sắc dục và quyền lực.
Nếu một người không biết cách kiềm chế dục vọng của mình, cả cuộc đời của người ấy sẽ chỉ là một quá trình liên tục theo đuổi dục vọng của mình. Chỉ bậc trí giả có tâm vô vi và ít ham muốn mới hiểu được niềm vui của sự bình dị và thỏa mãn.
Vào thời cổ đại, người Trung Quốc có tiêu chuẩn đạo đức rất cao và họ đã truyền lại những lời dạy về việc kiểm soát dục vọng của con người.
“Nhất niệm chi dục bất năng chế, nhi họa lưu vu thao thiên.”
“Hoạn sinh vu đa dục.” (Lưu An)
(“Chỉ một niệm ham muốn không được kiềm chế thì hậu quả cũng sẽ thật khôn lường.”
“Nhiều dục vọng sinh ra tai họa.”)
“Nhân hữu dục, tắc kế hội loạn, kế hội loạn nhi hữu dục thậm, hữu dục thậm tắc tà tâm thắng, tà tâm thắng tắc sự kinh tuyệt, sự kinh tuyệt tắc họa loạn sinh.” (Hàn Phi Tử)
(“Người nào mang theo dục vọng, tâm ắt sẽ loạn, tâm loạn thì dục vọng càng mạnh, dục vọng mạnh khiến tà tâm chi phối, tà tâm chi phối làm cho cách hành xử rối loạn, hành xử rối loạn chắc chắn sẽ sinh ra tai họa.”)
“Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa; tiểu nhân đa dục tắc đa cầu uổng dụng; bại gia tang thân.” (Tư Mã Quang)
(Bậc quân tử mà ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và lạc sang đường tà; kẻ tiểu nhân mà có nhiều ham muốn thì sẽ truy cầu phú quý và hậu quả là tán gia bại sản và mất mạng.)
“Kiến khả dục, tắc tri túc dĩ tự giới.” (Ngụy Chinh)
(Tự biết được ham muốn của mình thì ắt sẽ biết cách tự tiết chế bản thân.)
“Dưỡng tâm mạc thiện vu quả dục.” (Mạnh Tử)
(Tu tâm chẳng qua chính là kiềm chế dục vọng bản thân.)
“Nhân nhược bất tri túc, tham dục hạo vô cùng.” (Lục Du)
(Kẻ tham lam thì không biết thế nào là đủ.)
Tất cả những danh ngôn kể trên đều khuyên chúng ta không được nảy sinh dục vọng (bất tham dục), không dung túng bản thân (bất túng dục), cũng như không được đam mê dục vọng (bất thị dục). Chúng ta phải bảo trì các tiêu chuẩn đạo đức và tiến dần từ ít ham muốn đến không còn ham muốn trong khi vẫn giữ ý chí kiên cường.
Khi không mang theo ham muốn, nhân loại sẽ tự nhiên có được những phẩm chất cao đẹp. Không có dục vọng, con người sẽ có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ. Không bị dục vọng chi phối, con người sẽ có thể tìm được phương hướng trong cõi mê này, luôn lý trí và sống đúng với chân ngã của mình. “Vô dục” là một cảnh giới tâm linh cao thượng mà trong đó nhân phẩm của một người sẽ giống như một cây thông: vĩnh viễn đứng thẳng trong mưa gió.
Tác giả: