Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cho biết triển lãm dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Ban tổ chức sẽ treo bảng ghi chú giới hạn độ tuổi hoặc cử cán bộ đứng ngoài cửa để giám sát, thậm chí kiểm tra chứng minh thư nhân dân nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, những bức ảnh để lộ mặt người mẫu, tác giả phải trình cam kết giữa nhiếp ảnh với người được chụp, tránh trường hợp kiện cáo.
Theo ông Vi Kiến Thành, sau ồn ào liên quan đến việc một họa sĩ bị người mẫu tố hiếp dâm, ban tổ chức khá e dè để thực hiện triển lãm. Sau đó, nhiều đơn vị cho rằng cần phải tổ chức để tạo thay đổi cái nhìn của công chúng về tranh, ảnh khỏa thân. Trước đó, chưa nhiếp ảnh gia nào được cấp phép triển lãm ảnh nude tại Hà Nội. Hồi tháng 9/2017, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên trưng bày hơn 50 tác phẩm khỏa thân trong triển lãm Tạo tác tại TP HCM. Đây được coi là triển lãm ảnh nude đầu tiên của Việt Nam.
Cái gì đẹp cũng có thể trưng bày?
Triển lãm ảnh khỏa thân công khai cho công chúng được xem là một bước tiến lớn trong làng nghệ thuật nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh nude. Báo chí cũng hết sức ủng hộ và đưa tin bài, nhưng trong khi buổi triển lãm được dán mác 18+ thì các bài báo đăng tin lại công khai các tác phẩm triển lãm mà không có cảnh báo hay kèm hiệu ứng làm mờ nào.
Một trong mười nhiếp ảnh gia đang có tác phẩm được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xem xét lựa chọn trưng bày đã nói: “Tôi nghĩ đã triển lãm rồi nên công khai, để các cháu vào xem. Lần đầu bày ảnh nude giữa thanh thiên bạch nhật mà lại đề 18+ càng gây tò mò”. “Còn hơn để chúng xem ảnh sao cởi đồ trên mạng, chúng ta cứ hay né tránh giống như không chịu giáo dục giới tính vậy”.
Nhưng đó liệu có phải cách đặt và tiếp cận vấn đề đúng? Điều quyết định suy nghĩ đúng đắn hay lệch lạc của giới trẻ về tình dục là nhờ giáo dục giới tính hay là nhờ giáo dục đạo đức? Trước tiên cần phải tìm hiểu nguồn gốc của nghệ thuật khỏa thân từ những ngày đầu của nhân loại.
Nghệ thuật chỉ có ở nơi chốn linh thiêng
Có thể thấy, ở cả văn hóa phương Tây và phương Đông, nghệ thuật khỏa thân lúc ban sơ đều có chủ thể là các vị Thần, Phật. Điêu khắc, hội họa phương Tây hướng tới sự hoàn mỹ với các tỷ lệ chuẩn xác để ca ngợi các vị Thần hay các anh hùng vốn cũng là các vị Á Thần. Còn sự khỏa thân trong nghệ thuật phương Đông lại giới hạn trong chốn linh thiêng do những người tu luyện đã thoát tục, đoạn dục mô tả lại.
Nghệ thuật khỏa thân, vì thế ngay từ đầu đã không có yếu tố dung tục của con người ở trong đó. Chủ thể được mô tả chỉ là các vị Thần, Phật, con người có yếu tố sắc, dục thì sẽ không được vẽ hay điêu khắc lại theo cách đó.
Cho đến khi nghệ thuật nhân thể (nude) ra đời với mục đích là tôn thờ, ca ngợi vẻ đẹp của con người, không chỉ là về trí tuệ, tâm hồn, mà cả vẻ đẹp hình thể, chủ thể của các tác phẩm nghệ thuật đã chuyển từ Thần xuống con người. Lúc đầu người ta lấy lý do con người chính là tuyệt tác của Thần, lấy chính từ hình mẫu của các vị Thần mà nhào nặn nên. Thế nên ca ngợi cơ thể người chính là ca ngợi tác phẩm tuyệt đẹp của Thần.
Nhưng khi sợi chỉ buộc chân voi, là những tiêu chuẩn đạo đức của con người, ngày càng được gỡ bỏ dần, những trào lưu và biến thể của nude đã khiến khoảng cách giữa nghệ thuật ca ngợi Thần và ca ngợi vẻ đẹp hình thể của con người vốn đầy nhục dục ngày càng xa.
Cùng với sự phát triển ngày càng phóng khoáng và thiếu tiết chế hơn, các nghệ sĩ sau này đã công kích trường phái cũ là không thể khắc họa chân thực tuyệt đối chủ thể. Dù tranh vẽ hay tượng điêu khắc chính xác đến mấy thì cũng không bằng ảnh chụp. Bộ môn nhiếp ảnh nude từ đó ra đời.
Và tất nhiên, với nhiếp ảnh, chủ thể sẽ không thể là những vị Thần. Khi nhìn những cơ thể người lồ lộ không chút che đậy của những phụ nữ hoàn toàn có thật hiện lên trên các bức ảnh, thật khó mà giữ được sự tôn trọng nhất định trong lúc thưởng thức như đối với các tác phẩm mô tả Thần thuở ban đầu.
Hệ thống đạo đức ước thúc con người mạnh mẽ nhất đang bị đe dọa bởi những học thuyết ngoại lai
Từ xưa những bậc nhân sĩ có đạo đức đều lấy thanh tịnh làm gốc, luôn giữ tâm thành kính, dùng đức hạnh trong sạch để bồi dưỡng bản thân và dùng tâm chính khí hạo nhiên để kiềm chế ác dục.
Vì “háo sắc tham dục” được cho là việc làm trái với thiên lý nhân luân, họa loạn thường đạo, Trời đất không dung, Thần Phật phẫn nộ. Nên con người đều biết đó là việc xấu, tránh phạm phải, nuôi dưỡng tinh thần thuần tịnh, tránh xa những suy nghĩ, hành động có thể khởi cái dục vọng kia lên.
Tiêu chuẩn đạo đức về phương diện này không chỉ tại phương Đông, mà ở phương Tây cũng rất nghiêm khắc. Trong Kinh Thánh có trích lời Chúa Jesus: “Các con nghe thấy có lời rằng ‘bất khả gian dâm’, chỉ là ta muốn nói cho các con biết, phàm mà thấy phụ nữ liền động niệm dâm dục, người này trong tâm đã phạm tội gian dâm với cô ta rồi”. Năm điều cấm kỵ lớn của Phật Thích Ca Mâu Ni trong đó cũng có một điều là “giới tà dâm” (cấm tà dâm).
Tất cả những tín ngưỡng và triết học chính thống cổ xưa đều có những cảnh tỉnh nhằm mục đích bảo hộ con người.
Nhưng ngày nay, học thuyết vô Thần và thuyết tiến hóa đã tách rời và triệt tiêu cái gốc sâu xa nhất của các giáo dưỡng đạo đức từ cổ xưa. Chính là khiến người ta không hiểu vì sao phải tu dưỡng, gìn giữ đạo đức. Các bài học đạo đức trở thành giáo điều vì thiếu phần lý giải để khiến con người phải sợ mà thực hành theo. Người ta không còn sợ vì không có nhân quả báo ứng, có thể làm điều gì mình cảm thấy thích là được, không có trách nhiệm với người khác và xã hội.
Luật pháp là không đủ bởi chỉ trừng phạt và ngăn cản phần nào hành vi. Nhưng luật pháp không thể ngăn cản suy nghĩ, nguy cơ xảy ra tội ác và những tội ác mới chưa được nhận diện.
Tác giả: