Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.
Theo đó, Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thứ hai, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
Thứ ba, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Tiền lương tăng thêm không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Chính sách tiền lương cán bộ, công chức có hiệu lực từ tháng 10
-
Tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động thay đổi như nào?
-
Ngoài CCCD gắn chip, người dân có thể dùng giấy tờ nào để thay Sổ hộ khẩu?
-
Tháng 10: Mức đóng BHXH bắt buộc, mức lương hưu thay đổi như thế nào?
-
Trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được cấp CCCD gắn chíp? Những thay đổi về CCCD người dân nên biết