Thành phần dinh dưỡng của nước cam
Nước cam có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi, nổi bật nhất là Vitamin C nhưng nếu uống nước cam hàng ngày bạn nên cân nhắc lượng đường trong mỗi khẩu phần. Bạn có thể chọn phiên bản nước ép trái cây 100% không chứa thêm đường.
Thành phần dinh dưỡng trong một cốc nước cam tươi bao gồm: Lượng calo: 112; Chất đạm: 2 gam; Chất béo: 0 gram; Carbohydrate: 26 gram; Chất xơ: 0 gram; Đường: 21 gram... Ngoài ra, nước cam là một nguồn tốt của: Vitamin; Vitamin A; Canxi; sắt; Folate...
Tác dụng của nước cam:
Giúp ngăn ngừa ung thư: Trong quả cam có một lượng lớn hợp chất D - limonene. Đây là chất có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ phát triển các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư da, ung thư dạ dày, đại tràng...
Ngoài ra, với các chất chống oxy hóa và vitamin C rất dồi dào trong cam, loại quả này giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để chống chọi lại các tế bào ung thư.
Giải độc cơ thể: Các loại chất chống oxy hóa trong cam giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể kích hoạt quá trình giải độc cơ thể, đặc biệt là giải độc da. Chính vì thế nếu bạn ăn cam đều đặn, da sẽ được bảo vệ khỏi các gốc tự do, giảm thiểu nguy cơ lão hóa.
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: Cam là một trong những loại trái cây có hàm lượng vitamin C cao có thể giúp bảo vệ tế bào bằng cách trung hòa các gốc tự do gây ra bệnh ung thư, bệnh tim mạch...
Tăng cường thể lực: Trong cam có 1 lượng đường fructoza và 85% lượng nước có tác dụng giải khát và bồi bổ thể lực. Bởi vậy sau khi luyện tập hoặc vận động ra nhiều mồ hôi, cách tốt nhất là uống nước cam có bỏ thêm muối.
Uống nước cam có hại thế nào?
Mặc dù nước cam có thể mang lại một số lợi ích cho sức khoẻ, nhưng thành phần nước cam cũng chứa nhiều calo và đường. Hơn nữa, không giống như toàn bộ trái cây, cam thiếu chất xơ và có thể dẫn đến tăng cân.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy cân nặng có thể tăng hoặc mất kiểm soát nếu sử dụng nước cam quá nhiều. Đôi khi, nhiều loại nước cam còn chứa hàm lượng đường bổ sung cao có thể dẫn tới tình trạng tăng lượng đường trong máu.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thường xuyên uống đồ uống có đường, chẳng hạn như nước trái cây, có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Trong cam rất giàu vitamin C, do đó, việc ăn quá nhiều cam có thể sẽ dẫn đến tiêu thụ quá nhiều vitamin C và tăng acid oxalic chuyển hóa trong cơ thể, điều này sẽ dẫn đến sỏi tiết niệu và sỏi thận.
Đối với những người đang bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên ăn hoặc uống nước cam. Nguyên nhân là do cam chứa axit, các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Uống nước cam thế nào là tốt?
Bạn cũng có thể áp dụng cách pha loãng nước cam với nước để cắt giảm lượng calo và đường để ngăn ngừa tăng cân.
Mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 200ml nước cam (đối với người lớn)
Đối với trẻ em, nên hạn chế uống nước trái cây không quá 118 ml mỗi ngày với trẻ mới biết đi từ 1–3 tuổi, 177ml đối với trẻ từ 4–6 tuổi và 240ml đối với những trẻ từ 7-18 tuổi.
Tác giả: Vũ Ngọc