Vì sao lá sung hay có nốt sần? Ăn lá sung có nốt sần có sao không?

( PHUNUTODAY ) - Trên lá sung thường nổi lên những nốt sần màu xanh ngọc. Tại sao lại có hiện tượng này?

Vì sao lá sung hay có nốt sần? Ăn lá sung có nốt sần có sao không?

Sung là một trong những loại cây được trồng khá nhiều, vừa để làm cảnh, lấy bóng mát vừa có ý nghĩa phong thủy. Ngoài ra, lá và quả sung đều có thể ăn được. Phần lá sung hay được dùng để ăn kèm trong các món như nem thính, nem tai, gỏi... để tạo ra vị hơi chát và chua nhẹ cho món ăn, giúp giảm độ ngán.

Khi ăn, bạn có thể thấy một số lá sung sẽ có những nốt sần nổi trên bề mặt lá, có lá nổi ít, có lá lại nổi lên rất nhiều, dày đặc. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng, tự hỏi không biết lá này có ăn được không.

Những lá sung nổi nốt sần này thường được gọi là sung vú, sung cóc hay sung có tật.

Hiện tượng nổi nốt sần này rất hay xuất hiện trên lá sung. Lá sung có nốt sần còn được gọi là sung cóc, sung vú...

Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của các nốt sần trên bề mặt lá sung được lý giải là do một loài sâu có tên là P.syllidae sống ký sinh trên cây. Tuy nhiên, sau khi những con sâu này bỏ đi rất lâu thì nốt sần mới xuất hiện. Bên trong các nốt sần này hoàn toàn không có trứng sâu hay con sâu.

Đông y đánh giá các lá sung có nốt sần tốt hơn lá bình thường. Lá sung có tác dụng trị nhức đầu, làm thuốc bổ cho người ốm, trị bệnh gan...

Thông thường, chỉ có những lá mới mọc từ chồi mới có nốt sần.

Khi thấy lá sung có nốt sần, bạn có thể ăn bình thường chỉ cần chú ý rửa sạch lá sung trước khi ăn để đảm bảo loại bỏ hết bụi bẩn.

Không chỉ có cây sung, trong tự nhiên, nhiều loại cây khác cũng có thể gặp hiện tượng nổi nốt sần trên lá. Nốt sần xuất hiện trên lá cây không phải là bệnh. Đây là dấu hiệu cho thấy sâu kí sinh tấn công. Hiện tượng nổi nốt sần trên lá cây cũng có thể hiểu tương tự như việc con người bị nổi mề đay khi gặp phải một yếu tố nào đó tác động, cơ thể tự sinh ra phản ứng.

Cách trồng cây sung bonsai

Cây sung vừa có giá trị làm cảnh, vừa có ý nghĩa phong thủy. Đối với những gia đình không có nhiều đất trống, việc trồng sung bonsai là lựa chọn phù hợp. Trồng cây sung bon sai vừa giúp tô điểm cho không gian sống, mang lại sự xanh mát, vừa mang ý nghĩa của sự đủ đầy, trọn vẹn, đem tài lộc tới cho gia chủ.

Cây sung vốn thuộc loại cây thân gỗ, họ dâu tằm. Thông thường, các cây sung bonsai có thể cao khoảng từ 20-30 cm, rất phù hợp để trồng trong nhà.

Khi trồng cây sung bonsai trong nhà, bạn có thể tưới nước cho cây 2-3 lần/tuần. Nếu thời tiết nóng bức hơn, hãy tưới nước 4-5 lần/tuần. Cây sung có bộ rễ khỏe nên không sợ bị ngập úng.

Cây sung sẽ phát triển tốt nếu được trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh để cây ở nơi có nắng quá gắt. Nắng gắt có thể làm tán lá bị mỏng đi, khiến cây không còn đẹp mắt.

Khi trồng cây, bạn cũng nên cắt tỉa bớt những cành vươn quá dài, loại bỏ các lá úa, lá hỏng. Có thể uống cây theo dáng tùy thích.

Ngoài ra, một năm có thể bón thúc cho cây 1 lần vào thời điểm đầu hoặc cuối mùa mưa.

Tác giả: Thanh Huyền