Đội hình đắt giá nhất World Cup và huấn luyện viên là điểm yếu duy nhất?
Người được vinh danh là Napoleon của bóng đá Pháp, huấn luyện viên Didier Deschamps đã tạo ra một tập thể tuyệt vời khi dẫn dắt đội bóng Pháp từng bước từng bước làm nên lịch sử tại World Cup 2018. Trong tay ông là một đội hình có giá trị chuyển nhượng cao nhất thế giới, gồm toàn những anh tài. Và theo lẽ thường tình, một tập thể càng nhiều tài năng thì sẽ càng nhiều cái tôi to lớn, và đó thường là một tập thể thiếu gắn kết và ít hiệu quả nhất.
Nhưng không như Sampaoli biến cả đội bóng Argentina thành những vệ tinh chơi xung quanh Messi, Deschamps sẵn sàng loại bỏ những tài năng và tên tuổi vốn đã trở thành “điều đương nhiên” của đội tuyển Pháp trong tâm trí người hâm mộ và những chuyên gia bóng đá.
Deschamps cần một tập thể vững mạnh, vì vậy những ai không có tư duy tuân thủ chiến thuật, kỷ luật sẽ được cho nghỉ ở nhà hoặc ngồi ghế dự bị. Những Anthony Martial, Alexandre Lacazette, Adrien Rabiot hay Kingsley Coman cũng chỉ được ngồi xem đội nhà thi đấu mà không được tham gia. Và những cầu thủ trong đội tuyển đều tuyệt đối kỷ luật dù họ là chủ nhân của những bản hợp đồng trăm triệu đô.
Hứng chịu những chỉ trích từ nhiều phía, Deschamps vẫn tiếp tục chỉ đạo tuyển Pháp thi đấu chặt chẽ, không mấy thăng hoa và có thể nói là hoàn toàn không lãng mạn như phong cách vốn có của người Pháp.
Tờ Independent thậm chí còn nhận xét: “Dù mang tới Nga một trong những đội ngũ tài năng nhất lịch sử bóng đá Pháp, nhưng HLV có thể bị xem là điểm yếu nhất của Pháp: thiếu niềm cảm hứng và không biết đâu là đội hình mạnh nhất của mình”.
Trong trận chung kết World Cup 2018, Pháp hạ Croatia 4-2 nhưng "Les Bleus" chỉ kiểm soát bóng 34,2%, kém rất nhiều so với 65,8% của Croatia. Điều này hệt cách họ loại tuyển Bỉ trước đó.
"Les Bleus" không thiếu những cầu thủ tấn công đẳng cấp, từ Paul Pogba, Antoine Griezmann cho đến Kylian Mbappe... Nhưng chiến thắng của Pháp được xây dựng trên nền tảng của sự chặt chẽ, chứ không phải của những giây phút thăng hoa.
Nhưng sức mạnh tập thể không chỉ đến từ tài năng
Và ông hiểu, sức mạnh của tập thể chính là buông bỏ cái tôi của mỗi người, toàn tâm toàn ý theo một hướng chỉ đạo chung cho đến phút cuối cùng. Bởi khi cả đội đồng lòng, dù phương án là chưa hoàn thiện nó vẫn sẽ trở phương án tốt nhất. Tất cả các thành viên đội tuyển Pháp đều rất kỷ luật, họ tuân thủ đúng chiến thuật và sẵn sàng đá không đúng sở trường và nguyện vọng của bản thân chỉ để sao cho tốt nhất cho cả đội.
Một Pogba từng khiến “HLV Mourinho đau đầu khi cứ vừa làm một điều siêu phàm xong thì lại đưa ra một quyết định quái gở” như lời Lampard nhận xét, đã phát biểu như thế này trước trận chung kết: “Tôi từng có ước mơ ghi bàn trong trận chung kết World Cup giúp đội nhà lên ngôi. Nhưng giờ tôi sửa lại, chỉ cần vô địch là đủ lắm rồi”.
Và Pogba đã hiện thực hóa mong muốn của mình chính bằng việc từ bỏ cái tôi và sự màu mè của mình. Người ta thấy sự thay đổi từ bên trong con người anh qua chính hình thức bên ngoài thông qua kiểu tóc đen suốt giải đấu, thay vì những mốt tóc thay đổi liên tục như trước đây.
Và tất nhiên, là cả ở những gì anh đã thể hiện trên sân cỏ. Pogba sẵn sàng kìm nén những màn thể hiện cá nhân, thường xuyên lùi về hỗ trợ Pavard, tham gia phòng ngự chắc chắn, không giống như sở trường của mình và tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kèm chặt Fellaini. Nhường lại tuyến trên cho Griezmann và Mbappe, Pogba kiến tạo và sẵn sàng lui về phòng thủ bất cứ lúc nào.
HLV Deschamps xây dựng một đội tuyển lấy hàng thủ làm kim chỉ nam để tiến lên. "Les Bleus" có Samuel Umtiti và Raphael Varane trở thành trái tim nơi hàng thủ, những hòn đá tảng vững chắc trước khung thành Hugo Lloris.
Ở bán kết, các hậu vệ "Les Bleus" đá quá hay trước tuyển Bỉ, họ khiến những Kevin de Bruyne, Romelu Lukaku hay Eden Hazard "tắt tiếng". Rồi khi Pháp phòng ngự, cả đội cùng nhau tham gia vào mặt trận này.
Có tĩnh khí mới làm được việc lớn
Không phải ngẫu nhiên mà những giáo lý truyền thống của nhân loại rất coi trọng tĩnh khí. Lão Tử từng nói: “Tĩnh vi táo quân”, nghĩa là: Tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy. Tĩnh khí có thể khắc chế được uất khí, hưng phấn thiếu kiểm soát, bồng bột thiếu suy xét, tranh đấu thiếu tính toán. Nó khiến người ta có thể bình tĩnh để phát huy tối đa năng lực, siêu việt chính mình mà không bị cuốn theo những mong muốn tức thời, cảm tình sốc nổi.
Tuyển Pháp đã thể hiện được điều đó, họ không để bị xao động trước những chỉ trích của báo giới, của các chuyên gia, của người hâm mộ đối với lối cầm quân của Deschamps mà tuyệt đối tuân phục quân lệnh. Họ không để bị đối thủ cuốn đi dù họ là những người trẻ tuổi non nớt trước những người khổng lồ và huyền thoại của bóng đá thế giới. Họ không mất tinh thần dù bị dẫn trước trong một trận đấu loại trực tiếp đầy căng thẳng và phía trước là sự phẫn uất, phán xét vốn luôn treo sẵn trên đầu họ từ nhiều phía.
Đội tuyển Pháp đã thể hiện và chứng minh được bài học luôn đúng cho mọi thời đại: Biết buông bỏ cái tôi, phối hợp tuyệt đối với tập thể và giữ tĩnh khí để hoàn thành việc lớn. Đó là sự tự chủ, tự tại, là khả năng tiềm ẩn để dẫn dắt đối thủ, xoay chuyển tình thế, chứ nhất quyết không phải là sự nhu nhược, thụ động, nhạt nhòa thiếu bản sắc của cái tôi.
Tác giả: