Thời cổ đại, giữa Trung Quốc và Ấn Độ có một tiểu quốc gọi là nước Kế Tân (Kaśmīra). Kế Tân có một vị La Hán tên là Ly Việt, ông thường ngồi tọa thiền trong núi sâu.
Một hôm, Ly Việt ra ngoài nhặt rễ cỏ vỏ cây để nấu nước nhuộm lại bộ y phục của mình. Khi ông dùng cành cây để lật bộ y phục bách nạp trong nồi thì một việc kỳ lạ đã xảy ra: nước nhuộm vốn đen như mực trong nồi lại biến thành màu đỏ hồng như máu, bộ y phục bách nạp đang nhuộm cũng biến thành da bò, còn những rễ cỏ vỏ cây thì biến thành từng tảng từng tảng thịt bò, ngay cả chiếc bình bát bên cạnh cũng biến thành cái đầu bò. Càng ly kỳ hơn là mùi thơm của thịt bò cứ từng đợt từng đợt bốc lên…
Ly Việt vẫn chưa hết kinh ngạc thì từ dưới núi một nông phu xông tới. Nhìn thấy thịt bò và da bò trong nồi, ông ta nổi giận hét lên: “Người xuất gia này, ông thật to gan, dám phạm giới sát, giết con bò cày ruộng của ta”.
Thì ra người nông phu đang dắt bò ra đồng ăn cỏ, chỉ một lát mà không thấy bò đâu. Ông lần theo dấu chân bò đi tìm, và mùi thơm của nồi thịt bò đã dẫn ông đến đây.
Người và tang vật đều có đầy đủ cả, Ly Việt không biết giải thích thế nào. Ông bị người nông phu dẫn đến gặp quốc vương. Tuy Ly Việt lúc này đã tu được quả vị La Hán, nhưng vẫn bị quốc vương phán xử tội oan, phải ngồi tù 12 năm.
Ly Việt có rất nhiều đệ tử, trong đó có 500 đệ tử đã đắc được quả vị La Hán. Bao nhiêu năm nay, họ một mực đi tìm tung tích sư phụ mà chưa thấy. Khi thời hạn 12 năm tù sắp hết, một đệ tử của Ly Việt thông qua thiên nhãn mà nhìn thấy sư phụ đang bị giam trong ngục.
Vị đệ tử vội vàng xin quốc vương xem xét: “Sư phụ tôi bị ngài giam trong ngục, có tội gì?”.
Quốc vương thất kinh, vội vàng sai người đi xem.
Đến nhà giam, sứ giả về bẩm báo quốc vương: “Trong ngục không thấy có sư phụ Ly Việt”.
Các đệ tử thỉnh cầu quốc vương phóng thích tất cả những người xuất gia trong ngục ra, thế là quốc vương ban lệnh đặc xá.
Lúc này trong ngục có một giám ngục sắc mặt tiều tụy đang dọn dẹp phân trong nhà xí, ông là người nuôi và dọn phân ngựa cho nhà ngục đã 12 năm rồi.
Nghe được lệnh đặc xá, râu tóc vốn rất dài của ông đột nhiên trong chớp mắt rụng hết, một chiếc áo cà sa cũng tự động xuất hiện trên người ông. Ông nhảy vọt lên thiên không, thân thể phát ra ánh sáng hào quang, ung dung thị hiện ra 18 loại thần thông biến hóa. Thì ra ông chính là sư phụ của 500 vị La Hán – tôn giả Ly Việt.
Quốc vương thấy vậy kinh ngạc tán thán không thôi, phủ phục xuống đất xin tôn giả tiếp nhận sự sám hối của ông, vì đã giam tôn giả oan uổng 12 năm.
Quốc vương hỏi tôn giả: “Ngài thần thông quảng đại, tại sao vẫn ở trong ngục chịu tội khổ?”.
Tôn giả Ly Việt từ không trung hạ xuống ngồi vào vị trí rồi nói đầu đuôi ngọn ngành:
“Trong một kiếp luân hồi trước đây, tôi cũng đã từng bị mất một con bò. Tìm theo tông tích bò, tôi đến một quả núi trong rừng sâu, thấy một người độc tọa thiền định. Thế là tôi hoài nghi người này ăn trộm bò, mắng chửi ông ta một ngày một đêm”.
“Người bị tôi mắng chửi là một vị Bích Chi Phật. Vì tội phỉ báng Phật, tôi đã phải luân hồi qua các đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đã chịu vô số tội mà vẫn chưa thể trả hết nợ nghiệp. Đời này tuy chứng ngộ quả vị La Hán, nhưng vẫn khó thoát khỏi vận mệnh bị người ta phỉ báng. Đây chính là nguyên nhân tôi bị oan ngồi tù đó”.
Phật gia có câu: “Nhân sinh sống ở trong mê”. Mọi người bình thường gặp phải chuyện này chuyện kia, kỳ thực cũng không phải là việc ngẫu nhiên, mà đều là có căn nguyên và kết quả. Một người chỉ có thông qua tu luyện, sau khi được khai trí khai huệ mới có thể nhìn rõ hết thảy nguyên nhân.
Kỳ thực, rất nhiều chuyện trong đời không thể dùng ý chí của con người mà có thể thay đổi được. Những tranh đấu của con người, những chấp trước không buông bỏ xuống được thì ngoài việc tăng thêm thống khổ cho bản thân, khiến bản thân tạo thêm nghiệp ra thì về căn bản là không thể thay đổi được sự tình gì.
Cho nên, trong xử thế làm người, phải “kính trời, biết mệnh”, “thuận theo tự nhiên”, “tùy kỳ tự nhiên” , mọi việc đừng quá cưỡng cầu và cố chấp, nên thủy chung bảo trì tâm bình thản và bình tĩnh thì mới có thể sống được an nhiên, tự tại.
Tác giả: