Vị vua Việt nào từng cởi hoàng bào đắp cho thủ cấp tướng địch?

( PHUNUTODAY ) - Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của nhà Trần. Cũng như các đời vua Trần trước đó, ông có niềm tin tín ngưỡng rất cao, ngay từ nhỏ đã học thông tam giáo, hiểu sâu kinh Phật.

Suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam có rất nhiều vị vua, trong đó vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) được xem một trong những vị vua tài giỏi và anh minh nhất. Có một sự kiện đặc biệt về ông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) được "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi chép lại. Khi đó, quân Trần đánh bại địch, lấy được thủ cấp của tướng giặc là nguyên soái Toa Đô ở Tây Kết. 

Chứng kiến cảnh này, vua Trần Nhân Tông nói rằng "người làm tôi phải nên như thế này" rồi cởi áo hoàng bào của mình đắp lên thủ cấp của Toa Đô, sai quân lính đem đi liệm chôn.

Nhận xét về hành động này, nhà sử học thời Lê sơ Ngô Sĩ Liên ca ngợi: "Thực là câu nói của bậc đế vương. Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm".

Trần Nhân Tông: Vị minh quân không muốn làm Vua, chỉ muốn tu luyện

Khi 16 tuổi ông được vua cha Trần Thánh Tông chỉ định làm thái tử nối ngôi, nhưng ông muốn nhường lại cho em mình. Bởi vua Thánh Tông không đồng ý nên cuối cùng ông đành thuận theo.

Trần Nhân Tông lên ngôi vua năm 1278, khi mới 20 tuổi. Chỉ 7 năm sau đó, ông vua trẻ đã phải đối diện với cuộc xâm lược từ phương Bắc của quân Nguyên Mông.

Khi Mông Cổ chuẩn bị lương thảo và 50 vạn quân để tiến đánh Đại Việt lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông phải củng cố sức mạnh trong nước chuẩn bị chống giặc. Năm 1283, Vua gạt bỏ thành kiến, phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh quân Đại Việt chống giặc. Đây là điều mà nhiều người không dám, vì e sợ Hưng Đạo Vương có thể làm phản.

Vua Nhân Tông cũng cùng Thượng hoàng Thánh Tông tổ chức hội nghị Bình Than, từ Vua đến dân cùng đồng lòng quyết tâm đánh giặc.

Vua không chỉ trọng dụng tướng lĩnh giỏi là hoàng thân quốc thích, mà còn trọng dụng người tài trong nước không phân biệt xuất thân, từ những người có địa vị thấp kém nhất như Dã Tượng, Yết Kiêu, đến thường dân có tài như Phạm Ngũ Lão, và còn liên kết chặt chẽ với các tướng lĩnh dân tộc thiểu số phía bắc.

Trần Khánh Dư vốn là một tướng tài của nhà Trần nhưng bởi phạm tội nặng mà bị mất hết chức tước, điền sản. Chính vua Trần Nhân Tông đã phục chức cho Trần Khánh Dư. Không phụ lòng Vua, Trần Khánh Dư lập công lớn trong cả hai lần chống quân Nguyên vào năm 1285 và 1288. Trong đó nổi bật nhất là chiến thắng tại Vân Đồn, đánh tan đội thuyền lương của Trương Văn Hổ, khiến 70 vạn thạch lương của quân Nguyên chìm xuống biển, góp phần quan trọng nhất vào việc quân Nguyên rút về nước.

Sau khi đánh đuổi đại quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, vua lại lo lắng cho muôn dân trăm họ, bởi quân xâm lược “đốt phá hết chùa miếu trong nước, khai quật phần mộ tổ tiên, cướp bóc dân gian, phá phách sản nghiệp trăm họ, mọi tàn ác không việc nào trừ…”

Dù quốc khố triều đình sau cuộc chiến còn khó khăn, Vua lại ra ngay chiếu dụ miễn toàn bộ các khoản thuế trong nhiều năm cho những vùng bị tàn phá, đồng thời cứu tế những nơi thiếu lương thực, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Khi thấy bộ máy quan lại cồng kềnh từ triều đình đến địa phương, Vua đã cắt giảm bớt nhằm giảm thuế, nhẹ bớt gánh cho người dân.

Nhà Vua dùng từ tâm đối xử với dân chúng, giáo hóa từ quan đến dân, nên dù những năm đói kém thì lòng dân vẫn ổn định, không ghi nhận có cuộc nổi dậy nào.

Khi thấy Thái tử đã trưởng thành, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thượng hoàng rồi tiếp tục con đường tu luyện. Năm 1299, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông rời đến Yên Tử rồi sau này khai sáng thiền phái Trúc Lâm.

Vua Nhân Tông dù hướng Phật nhưng vẫn không quên chức phận làm vua, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng, giúp ổn định Xã Tắc, cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương để lại một trang sử đẹp cho dân tộc.

Tác giả: Mộc