Thanh niên dẫn lời của PGS - TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ngay khi Việt Nam có bệnh nhân đầu tiên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19), các nhà khoa học của viện đã tiến hành nuôi cấy phân lập vi rút từ bệnh phẩm của các ca bệnh.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy vi rút SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 ở Việt Nam có sự khác biệt trong hai giai đoạn.
"Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã qua 2 đợt dịch. Khi phân tích các vi rút trên bệnh phẩm từ các bệnh nhân, kết quả cho thấy, vi rút gây bệnh đã tách thành 2 nhóm khác hẳn nhau. Giai đoạn trước, các bệnh nhân là những người về từ châu Á, còn giai đoạn hiện nay, các bệnh nhân nhiễm vi rút có nguồn gốc bắt đầu từ châu Âu chiếm đa số. Và vi rút mà ta phân lập được trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu thì khác với vi rút gây bệnh tại châu Á", TS Mai cho biết.
Dù chưa khẳng định được độc lực của vi rút này có liên quan đến nguồn gốc địa lý, nơi chúng tồn tại nhưng TS Mai khẳng định: "Nó rất khác, khác biệt rõ rệt, có tiến hóa".
Theo TS Mai chưa thể khẳng định được vi rút nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn. Ông giải thích: "Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc vi rút lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”.
Trước đó, tiến sĩ sinh vật học Trevor Bedford thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) thông qua việc nghiên cứu bộ gen của chủng vi rút corona mới (SARS-CoV-2) đã tổng kết được loại vi rút này có ít nhất 8 biến thể khác nhau.
Ông Bedford nói: “Tốc độ đột biến (với khoảng 2 biến thể mới mỗi tháng) là điều hoàn toàn bình thường đối với các loại vi rút. vi rút cúm hay cảm lạnh thông thường có tốc độ đột biến tương tự”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vi rút không nguy hiểm hơn sau mỗi lần tiết hóa.
Tác giả: