Xin cần câu chứ không lấy cá
Xưa kia, có một ông cụ ngồi bên bờ sông câu cá. Một bé trai kháu khỉnh ngang qua, thấy kỹ thuật câu cá của ông cụ rất thuần thục, bèn dừng lại chiêm ngưỡng. Một lúc sau, ông cụ đã câu được một rổ cá đầy. Thấy đứa bé đáng yêu, ông cụ bèn cho nó cả rổ cá nọ. Nhưng đứa bé lắc đầu, ông cụ ngạc nhiên: “Tại sao cháu lại không lấy?”
Đứa trẻ hào hứng: “Chá muốn có cái cần câu trong tay của ông cơ. Rổ cá này cháu ăn mấy ngày là hết. Nhưng nếu có cần câu, cả đời cháu sẽ không lo đói.” Ông cụ đồng ý.
Tưởng rằng, đứa bé ấy thật thông minh, tuổi nhỏ đã biết nhìn xa trông rộng. Thế nhưng đáng thương thay, đây lại là một đề nghị ngu ngốc. Bởi đứa bé có cần câu, nhưng lại không biết câu cá, dù chăm chỉ đến mấy, cũng chẳng câu được con cá nào.
Làm người chớ tự coi mình là thông minh
Vốn dĩ, chiếc cần câu nằm trong tay ông lão, sẽ thu được một rổ cá bội thu. Nhưng nếu vào tay đứa bé sẽ là đồ vô dụng. Bởi cái nó thiếu là kỹ năng, cái nó thừa lại là sự kiêu ngạo. Không phải có cần sẽ câu được cá. Không phải chăm chỉ, liều mạng, chạy theo “bả” ở đời sẽ thành công như bao người. Nếu không có kỹ năng và tự kiêu tự đại, làm việc gì cũng khó.
Xưa nay, con người thường tự chuốc lấy thất bại cay đắng cũng vì tự cho bản thân hơn người. Khôn khéo, giỏi tính toán, nhưng ít khi nghĩ đến khuyết sót mình có, đây là điểm yếu chết người, khiến họ làm đâu hỏng đấy. Kẻ kiêu ngạo chỉ mải mê tranh đoạt lợi ích, ham mê danh lợi, mà không biết tôi rèn kỹ năng, tu dưỡng đạo đức.
Làm người tuyệt đối đừng nên tự cho rằng bản thân mình thông minh nhất, còn người khác là kẻ khờ khạo. Bởi mỗi người một cách nhìn, quan niệm và chí hướng. Nếu nghĩ rằng mọi chuyện trong thiên hạ đều nằm trong tay mình giống như tự vác đá đập vào chân, sẽ chỉ chuốc lấy thương đau, ê chề, cay đắng.
Tác giả: Xuân Quỳnh