FULRO - Hồ sơ đen của tổ chức tội ác: Dụ hùm xám rời hang

( PHUNUTODAY ) - Đại tá Vũ Linh thuật lại: “Hồi đó, ta đánh giá: đánh Fulro phải đánh từ “gốc”, có nghĩa là cắt đứt sợi dây ủng hộ của đồng bào trong các buôn làng. Từ đó, các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang vào cuộc, xắn tay giải quyết vấn đề đời sống của dân, ba cùng với dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Thông qua đồng bào, chúng ta giải quyết vấn đề Fulro từ gốc rễ….”

(Phunutoday) - Đại tá Vũ Linh thuật lại: “Hồi đó, ta đánh giá: đánh Fulro phải đánh từ “gốc”, có nghĩa là cắt đứt sợi dây ủng hộ của đồng bào trong các buôn làng. Từ đó, các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang vào cuộc, xắn tay giải quyết vấn đề đời sống của dân, ba cùng với dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Thông qua đồng bào, chúng ta giải quyết vấn đề Fulro từ gốc rễ….”

[links()]
Được Bộ Nội vụ tăng cường quân số, lực lượng Công an Lâm Đồng đã lập nhiều chuyên án “đánh” Fulro. Ta đã đánh 36 trận, thu 104 khẩu súng các loại, 51 lựu đạn, 587kg lương thực và nhiều tài liệu quan trọng, làm tan rã hai tiểu đoàn, tiêu diệt tên Thiếu úy - trưởng hai tiểu đoàn; phá 6 tiểu đoàn trù bị, 14 tổ chức chính quyền Fulro cấp xã; phá 2 tổ chức Fulro cấu kết với bọn phản động “Mặt trận tự quyết”; xóa sổ nhiều căn cứ của Fulro; bắt sống, gọi hàng 46 đối tượng, trong đó có những Fulro cộm cán.

Tại Đăk Lăk, tháng 2-1977, lực lượng công an tỉnh xác lập 10 chuyên án đấu tranh với Fulro, phối hợp với Cục Cảnh sát bảo vệ, quân đội, du kích đánh 125 trận, tác động, lôi kéo về hàng 776 đối tượng, giáo dục 11.945 người là cơ sở tiếp tế cho Fulro ngoài rừng, thu 639 súng các loại. Bị ta truy quét mạnh, cuối năm 1977, 1.400 thành viên Fulro đã rời bỏ hàng ngũ. Fulro lâm vào thế bị động, giảm hẳn hoạt động vũ trang và các cuộc tập kích lớn trên đất Đăk Lăk.

Từ năm 1977 - 1987, Bộ Nội vụ, Cục Nghiệp vụ, Công an các địa phương Tây Nguyên đã thực hiện hơn 55 chuyên án giải quyết vấn đề Fulro. Qua đấu tranh cơ quan An ninh đã đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của Fulro; tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên.

Chuyên án F384 (từ tháng 3-1984 đến tháng 7-1985) của Công an tỉnh Đăk Lăk, đấu tranh lôi kéo số Fulro ly khai người M’nông ở địa bàn Đăk Mil, Đăk Nông - Đăk Lăk. Kết quả gọi hàng 47 người, tiêu diệt hai đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, ta đã giải quyết cơ bản bộ phận Fulro người M’Nông.

 Chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 Fulro; T108 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 2, Y384 đấu tranh với toán đặc biệt của Bộ Quốc phòng Fulro; F485 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 4 và một bộ phận của Bộ Tổng Tham mưu do tên Đại tá Ênuôl M’Bột cầm đầu của Công an hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đăk Nông - Đăk Lăk, giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro Chăm (1984); diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 Fulro ở rừng và bóc gỡ gần 2.000 cơ sở của Fulro trong buôn, ấp.

 Ở Tây Nguyên, các tỉnh đã cơ bản phá rã hệ thống tổ chức ở rừng của Fulro. Cho đến tháng 12-1992, số tàn quân Fulro còn lại do “Đại tá” Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC tại Campuchia, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến đây chấm dứt hoàn toàn tổ chức Fulro.

Sau mười bảy năm (1975-1992) kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, ta đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng Fulro, loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 lượt Fulro ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của Fulro trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại. Lần đầu tiên, vấn đề Fulro được giải quyết triệt để. Fulro không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm…

Nổi tiếng nhất  là Chuyên án F101, với những biện pháp nghiệp vụ cực kỳ táo bạo, Công an Lâm Đồng đã lập nên những chiến công xuất sắc

Từ tháng 5-1976, một số tên cầm đầu Fulro Đêga bị chúng ta bắt giam tại Buôn Ma Thuột đã tổ chức vượt ngục ra rừng và sau đó ám sát ban lãnh đạo cũ để giành quyền lãnh đạo. Y Djao Niê - nguyên Trung tá quân đội Sài Gòn cũ, đứng ra thành lập nội các mới, tự xưng là “Thiếu tướng”, “Thủ tướng Fulro” và đưa Nahria Ya Đuk, người Cơ Ho, sinh tại Đơn Dương, Lâm Đồng làm “Phó Thủ tướng thứ nhất” kiêm Tư lệnh vùng 4. Sào huyệt của “Trung ương Fulro” chuyển về vùng núi rừng Bidoup thuộc khu vực Đầm Ròn, quê hương của Ya Duck.

 Trong khi “ngài Thủ tướng” đang bám gót Pôn Pốt bên kia biên giới, “Phó Thủ tướng thứ hai” Paul Yưh người Ê Đê mất uy tín, tất cả quyền lực Fulro nằm trong tay Ya Duck, thanh thế của ông ta rất mạnh. Biệt danh “hùm xám Tây Nguyên” của Ya Duck bắt đầu nổi lên từ lúc này. Chính vì vậy, Ya Duck trở thành mối quan tâm hàng đầu của ta, giải quyết Ya Duck cũng có nghĩa là đập tan đầu não Fulro và làm tan rã toàn bộ lực lượng của chúng trên toàn tuyến.

Chuyên án mang mật danh “Cao nguyên F101” ra đời

Từ hội nghị chuyên đề giải quyết Fulro tại Nha Trang do đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì trở về, đồng chí Đỗ Quang Thắng - Bí thư Tỉnh ủy và Phó Ty Công an tỉnh Lâm Đồng Vũ Linh lập tức triển khai công tác. Đồng chí Đỗ Quang Thắng nói: “Bộ Chỉ huy Trung ương Fulro đang nằm ngay trong lãnh địa của chúng ta. Chỉ thị của đồng chí Phạm Hùng là Lâm Đồng phải tính toán như thế nào để triệt phá cái “Trung ương” ấy của chúng...” Vũ Linh đã hạ quyết tâm đánh án thành công trước người lãnh đạo cấp ủy trực tiếp của mình.

Ngay trong đêm hôm ấy, Đại úy Nguyễn Văn Độ - Phó Phòng Bảo vệ chính trị (sau này là Đại tá, Giám đốc Công an Lâm Đồng) báo cáo cho đồng chí Vũ Linh một thông tin đặc biệt: “F1 (mật danh trinh sát nằm vùng của ta) đưa tin khẩn, Nahria Ya Duck vừa liên lạc với một đường dây để xuất ngoại, thông qua mục sư Tri Lâm ở TP. HCM. Cụ thể đường dây này như thế nào, tôi đã bố trí trinh sát tiếp tục theo dõi.”

Với sự nhạy cảm và kinh nghiệm của một cán bộ tình báo lâu năm (Vũ Linh nguyên là Đại đội trưởng điệp báo A2, được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cử vào Nam hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ), Vũ Linh hình thành ngay ý tưởng: “Tốt lắm! Thời cơ đã đến. Sáng mai, tôi sẽ trao đổi tin này với đồng chí Trưởng ty và các anh KĐ4 (Bộ Nội vụ) để bàn phương án. Không ngờ, đúng lúc này ta lại có đường để “dụ hùm ra khỏi hang”…

Chuyên án F101 đã được triển khai ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng làm Trưởng ban. Thượng tá Vũ Linh trực tiếp chiến đấu, là Phó Ban Thường trực. Các đồng chí Lương Quyền - Cục trưởng KĐ4 (Bộ Nội Vụ) cùng 3 đồng chí cấp phó: Đức Minh, Văn Bá Đạt, Nguyễn Phước Tân và Đại tá Trần Đức Hoài - Trưởng Ty Công an Lâm Đồng thời kỳ đó làm Phó Ban.

Thành viên Ban chuyên án là Đại úy Nguyễn Văn Độ, Thượng úy Phan Văn Thái (Phó Phòng Bảo vệ chính trị, sau này là Đại tá - Trưởng Công an huyện Đức Trọng) cùng Thiếu tá Trịnh Lương Hy - Trưởng Công an huyện Đơn Dương (hiện là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an).

Thầy giáo Hà Tòng, một người từng theo Pulro trở về  bên con trai của anh
Một thầy giáo, người từng theo Fulro trở về bên con trai của anh

Mục tiêu của Ban chuyên án là đánh tan quân khu 4 - quân khu mạnh nhất của Fulro mà con át chủ bài là Nahria Ya Đuk, ngăn chặn việc chúng tiến hành lập Fulro vùng 5, góp phần giải quyết cơ bản tổ chức phản động này…

Nguồn tin của F1cho biết: qua một cô gái người Kinh tên là Thu Phương, làm y tá tại xã N’Thol Hạ (Đức Trọng), nhóm Ya Đuk đang tìm đường để ra nước ngoài trong một “chương trình” mang tên “Xuduvicaon” (xuất dương vì cao nguyên).

Phương tìm được một mục sư tên là Tri Lâm, đại diện một tổ chức từ thiện quốc tế (thực ra là một kẻ mạo danh, ông mục sư này đã xuất ngoại trước đó), sẵn sàng tài trợ mọi chi phí để đưa nhóm Fulro ra nước ngoài huấn luyện, đào tạo, trang bị để sau này trở về “giải phóng Tây Nguyên”. Phương sốt sắng, hứa hẹn với thầy trò Ya Đuk qua tên “Trung tá” To Na - liên lạc đặc biệt của Ya Đuk.

 Dù rất khát khao xuất dương, nhưng còn nhiều nghi vấn, Ya Duck đã cử hai sĩ quan cận vệ của mình là “Đại úy” Ha Póh và “Thiếu tá” Ya Theng tìm mọi cách bám theo Phương để liên lạc trực tiếp với mục sư Lâm nhằm bảo đảm một đường dây xuất ngoại chắc chắn và tránh bị Phương lừa gạt. Chỉ đạo này của Ya Đuk đã được ta nắm hết. 

Chúng ta đã đón lõng và bắt giữ Thu Phương, Ha Póh và Ya Theng, cũng như làm rõ nhân thân của “mục sư Tri Lâm”. Bị bắt, nhận thấy việc làm của mình là sai trái, Phương ân hận và mong muốn được lấy công chuộc tội. Sau đó, cô đã hợp tác với công an một cách nhiệt tình trong vai một “con thoi” liên lạc giả tạo giữa Ya Duck và Tri Lâm.

Từ những thông tin mà bọn Ha Póh, Ya Theng và Phương khai báo, cùng với những nguồn tin khác, Ban chỉ đạo chuyên án quyết định đặt cho “Tổ chức từ thiện quốc tế” mà mục sư Tri Lâm (giả) nằm trong đường dây đang hấp dẫn Ya Đuk và đồng bọn một cái tên khá Tây: “Tổ chức từ thiện Caritas”. Một số cán bộ công an được lựa chọn, huấn luyện để tham gia chuyên án.

Cho đến một ngày, Ya Đuk nhận được tin: Tổng Thư ký của Tổ chức từ thiện Caritas đã đến Việt Nam và nôn nóng “đón” ngài “Đệ nhất Phó thủ tướng” cùng các “chiến binh Fulro” qua Hoa Kỳ. Sau nhiều cuộc thương thảo mà Thu Phương là liên lạc, Thiếu úy Lâm Văn Thạnh nhập vai Nguyễn Văn Bình (Ba Bình), đại diện của “Tổ chức từ thiện Caritas”, Thiếu úy Nguyễn Duy Hưng là người lái xe chở Ba Bình đến điểm hẹn để đón “chuyến hàng” đầu tiên, “chuyến hàng” mang tính quyết định.

Toàn Ban chuyên án, lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Cụm An ninh Tây Nguyên và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng hồi hộp đến khó tả khi cầm bản danh sách 10 người theo Fulro sẽ “trở về” trong “chuyến hàng” đầu tiên này có “Đệ nhất Phó Thủ tướng” Nahria Ya Đuk, “Trung tá” Lơ Mu Yem - “Tổng trưởng Ngoại giao”, cùng hai “Trung tá”, hai “Thiếu tá” và bốn cấp “úy”.

Đúng 4 giờ 30 ngày 13-8-1980, bên kia sông Tùng Nghĩa (Đức Trọng), một đoàn người gồm 60 Fulro đang hộ tống Ya Đuk cùng 9 người khác lội qua sông, giữ đúng giao ước với Ba Bình (Lâm Văn Thạnh) và lên chiếc Microbuýt Desoto biển số 52... bên hông treo dòng chữ “Đoàn khách Campuchia tham quan” thẳng tiến về hướng TP. HCM.

 8 giờ sáng 13-8-1980, chiếc xe chở Ya Đuk và đồng bọn đến vị trí ta chờ. Một chiếc ôtô khác “hộ tống” phía sau, bất ngờ vượt lên, chia lực lượng ra hai xe và thay biển số xe rồi đưa “khách” về thẳng một biệt thự trên đường Trần Bình Trọng - Đà Lạt.

 Nahria Ya Duck không ngờ, “Tổ chức từ thiện Caritas” mà ông ta và cả bộ máy “Trung ương Fulro” gửi gắm kỳ vọng cho những chuyến “xuất dương vì cao nguyên” lại chính là những cán bộ chiến sỹ an ninh cộng sản trong một chuyên án bí mật, mà mục tiêu đầu tiên “dụ hùm xám rời hang” đã thành công.

Sau một quá trình đấu tranh, sự “cải tà quy chính” và hợp tác của Nahria Ya Duck và những người khác trong bộ máy “Trung ương Fulro” đã giúp chúng ta thực hiện thành công chuyên án F101, đập tan đầu não, dẫn đến rã ngũ và xóa sổ tổ chức Fulro trên địa bàn Lâm Đồng và cả Tây Nguyên trong những năm sau đó…         

Chuyên án này có tám chuyến đi đón các “vị lãnh đạo cao cấp” của Fulro tại các địa điểm khác nhau. Đại tá Vũ Linh kể, phía sau mỗi chuyến xe chở “hàng”, bao giờ cũng có một chiếc ôtô khác do anh Phi chở ông chạy sau đề phòng bất trắc nhằm xử lý kịp thời tình huống xấu xảy ra. Phía sau nữa, lại có một chiếc ôtô lớn ngụy trang như xe chở khách, luôn giữ khoảng cách nhất định với hai xe phía trước để làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết.

Kỵ sĩ giữa bầy sói rừng

Khi biết có trận đánh lớn sắp xảy ra, Ban chuyên án đã nhận được rất nhiều đơn tình nguyện, trong đó, rất nhiều những lá đơn của các cán bộ an ninh trẻ tuổi, dù họ biết phía trước là hiểm nguy, là có thể hy sinh tính mạng của chính mình.

Cuối cùng, Ban chuyên án quyết định: các đồng chí Lâm Văn Thạnh (Thiếu úy, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng Bảo vệ chính trị), Nguyễn Ngọc Diêu (Thiếu úy), Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Duy Hưng (đều là Thượng sĩ, cán bộ Phòng Hậu cần), Trần Hữu Phi (Thiếu úy, lái xe riêng của Thượng tá Vũ Linh) và đồng chí Nguyễn Văn Cho (trinh sát an ninh của Bộ Nội vụ tăng cường) vào trận. Các “cảm tử quân” được huấn luyện kỹ càng, nhập vai một cách thuần thục trước khi vào cuộc đấu sinh tử.

Nhập vai Ba Bình - một thành viên của “Tổ chức từ thiện Caritas”, lúc đó Lâm Văn Thạnh mới ngoài tuổi 20, lúc anh tham gia “nhân vật chính” trong chuyên án này, chị Nga vợ anh, vừa mới mang thai cháu Quỳnh Hương 6 tháng. Người sỹ quan an ninh quả cảm ấy không bao giờ nhìn thấy gương mặt đứa con gái thân thương của mình.
 
Khoảng 22 giờ, ngày 4-8-1980, Phó Ban chuyên án Vũ Linh bí mật triệu tập Thiếu úy Lâm Văn Thạnh lên phòng làm việc của mình. Ông thông báo quyết định chọn Thạnh đóng vai Ba Bình là “phái viên đặc biệt” của Caritas” Lâm Văn Thạnh đã nhận lệnh của Phó Ban chuyên án trong một tâm trạng đầy hứng khởi, tự tin với lời hứa trước cấp trên: quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù phải hy sinh tính mạng!

Thiếu úy Lâm Văn Thạnh nhập vai khá “ngọt”. Chỉ có anh và Thiếu úy Nguyễn Duy Hưng trong vai lái xe, đến “điểm hẹn” đón “chuyến hàng”, chuyến hàng quan trọng nhất vào ngày 13-8-1980.

Trên “chuyến hàng” ấy có “Đệ nhất Phó Thủ tướng” Nahria Ya Duck và 9 nhân vật “cỡ bự” khác của Fulro. Sau này, anh Hưng kể lại, khi đó, bản thân anh thấy hãnh diện và có phần hơi run, khi trước mặt mình là 60 tên Fulro hộ tống Ya Duck và các “sỹ quan” chỉ huy rất hung hãn, lăm lăm súng ống. Nhưng Lâm Văn Thạnh thì rất bình thản, tự tin.

Có một tình huống bất ngờ là chớm sáng ngày 13-8-1980, theo chỉ đạo của Ban chuyên án, anh “Bình” làm việc với nhóm “sỹ quan cận vệ” của ông Ya Đuk và được họ cho cái hẹn đúng 4 giờ sáng tới địa điểm đón người. Ban chuyên án đã bố trí lực lượng và Thạnh cùng Hưng có mặt đúng hẹn. Bất ngờ, từ trong những bụi cây rậm rạp cạnh con đường mòn chỗ xe anh Hưng đậu, xuất hiện sáu tên Fulro dữ dằn.

Bọn chúng lao vào dùng báng súng, khúc cây và đá đánh hai anh một trận phủ đầu, hỏi các anh có phải là người của công an không? Tất nhiên, Thạnh vẫn không để lộ mình giỏi võ thuật mà phải giải thích với chúng, các anh là thành viên của “Hội Caritas” và đang giúp mở ra cho họ con đường tươi sáng. Chuyện bị tấn công này, Ba Bình đã nói lại với Ya Đuk trước lúc lên đường. Ya Đuk tỏ ra bối rối và nghiêm sắc mặt cảnh cáo sáu tên Fulro manh động!...
d
Vũ khí và các trang thiết bị, tài liệu của bọn Floro

Quá trình phát triển của chuyên án rất nhanh, nhưng “Trung ương Fulro” nhánh Ê Đê do Paul Yưh cầm đầu đã phát hiện nhón Nahria Ya Duck tìm đường trốn ra nước ngoài. Bọn sỹ quan Fulro đã bắt những tên ta thả về rừng nhằm “câu nhử” để tra tấn, khai thác và chúng đã hình dung dần mọi chuyện. Ngày 10-12-1980, anh Ba Bình (Lâm Văn Thạnh) đến liên lạc với “Trung úy” Sa Mol ở khu vực chân núi Voi, thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, chuẩn bị thực hiện chuyến thứ bảy.

 Sa Mol dẫn Bình đến gặp một tên Fulro xưng là “Thiếu tá”. Vừa thấy anh “Bình”, tên “Thiếu tá” này vội đứng dậy khỏi tảng đá hắn ngồi rồi ra lệnh cho bốn tên lính vây quanh anh. Hắn giữ một khoảng cách với anh, cười xã giao rồi đưa cho một tên lính khác bản danh sách 19 tên Fulro xin đi trong chuyến tới, ra hiệu đưa cho anh Thạnh. Danh sách này gồm bốn Fulro cao cấp là các “Trung tá” Lơ Mu Chông, Cil Be, Ênuôl M”Bột và “Thiếu tá” Tou Néh Đen - “Tỉnh trưởng Phan Rang” cùng một số Fulro cấp “úy”. Lâm Văn Thạnh và đồng đội không ngờ, các anh đã rơi vào một cái bẫy do chúng cài sẵn…

Đúng hẹn, 4 giờ 30 phút ngày 23-12-1980, Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón toán Fulro. Đến điểm hẹn, nhận ra ám hiệu, các anh nhá đèn pha ba lần theo quy ước.

Từ bụi cây ven đường, hai tên Fulro bước ra và nói các anh chạy xe vào 50m, rồi thêm 50m nữa. Xe vừa vào sâu trong rừng, bất ngờ, 20 tên Fulro lao vào khống chế, bẻ quặt tay các anh ra phía sau rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn giận dữ. Chúng lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ.

Sợi dây trói không đủ chặt, chúng bứt cây mắc cỡ quấn thêm mấy vòng trói các anh. Cảm giác đau buốt ban đầu nhanh chóng biến mất mà thay vào là những suy nghĩ, băn khoăn: liệu đây có phải là cái trò đánh phủ đầu của bọn Fulro như thỉnh thoảng chúng vẫn làm để buộc các anh sợ hãi mà khai ra, các anh chính là công an đi bắt chúng! Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “Kế hoạch phượng hoàng”...

 Biết là bị lộ, ngay tức khắc, Nguyễn Ngọc Diêu đánh ngã một lúc ba tên rồi bỏ chạy, nhưng chúng đã bắn chết anh tại chỗ. Còn Lâm Văn Thạnh, Trần Hữu Phi và Nguyễn Văn Cho. Trên đường áp giải, chúng tiếp tục tra tấn, hành hạ các anh hết sức dã man nhưng cả ba cắn răng chịu đựng. Thạnh ra hiệu cho Phi và Cho, thừa lúc bọn Fulro sơ hở, anh sẽ tự cởi trói, nhảy vào tấn công bọn chúng để tạo thời cơ cho đồng đội chạy thoát.

Đến 8 giờ sáng thì bọn Fulro dừng lại và mang cả ba người đến bên một bờ vực chuẩn bị xử bắn. Lợi dụng lúc chúng lên đạn, Thạnh đưa mắt ra hiệu, Cho và Phi nhảy xuống vực chạy thoát.

Một mình Thạnh tả xung hữu đột tấn công giữ chân địch, và cuối cùng, người chiến sỹ an ninh quả cảm ấy đã ngã xuống giữa cánh rừng Lâm Đồng. Sự hy sinh anh dũng của Lâm Văn Thạnh đã được Nhà nước ghi nhận với danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND từ tháng 12-1982.

Nhớ lại, Đại tá Vũ Linh vẫn phải dằn cơn xót xa: “Lúc đó, họ hãy còn quá trẻ. Đau lòng hơn nữa, Trịnh Thị Nhi - vợ của Nguyễn Ngọc Diêu và Trịnh Thị Nga - vợ của Lâm Văn Thạnh đều đang mang những giọt máu của các liệt sỹ trong mình…” Hiện nay, con gái của anh Diêu là Nguyễn Trịnh Hồng Nhung, và con gái của anh Thạnh là Lâm Quỳnh Hương, đều là hai Trung úy trẻ của lực lượng công an Lâm Đồng…
  
Với chuyên án mang mật danh Cao nguyên F101 Công an Lâm Đồng đã “câu nhử” bắt giữ đại bộ phận bọn cầm đầu Fulro, làm cho nội bộ của chúng tan rã, tạo điều kiện cho ta phát động quần chúng, tấn công chính trị, gọi về hàng hơn 2000 tên. Kết quả đó đã tác động đến toàn vùng Tây Nguyên.
Đoạn đời hóa sói

Là Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng, ông cựu đệ nhất Phó Thủ tướng “Fulro Nahria Ya Duck trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 71 (Ya Duck sinh năm 1940). Khuôn mặt ông mang những nét hào hoa của người trí thức dân tộc thiểu số và những biểu cảm chứa đầy hạnh phúc trên cương vị công tác hiện thời của mình.

 Tuy nhiên, trong đôi mắt hay cười của Ya Duck vẫn còn đó những day dứt và một nỗi buồn khó tả khi ông phải nói về những điều đáng tiếc từng xảy ra từ những năm đất nước mới giải phóng và cả những vụ gây bạo loạn của bọn phản động do Ksor Kớk cầm đầu trong những năm 2001, 2004 trên địa bàn Tây Nguyên.

Nahria là một dòng họ lớn, dòng họ có công trong việc khai phá, tìm ra đất mới lập cư, lập nghiệp cho cộng đồng buôn làng ở vùng Ka Đô, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Sinh ra trong gia đình có thế lực, Ya Duck là một trong số ít thanh niên dân tộc thiểu số được học hành đến nơi đến chốn. Nahria Ya Duck tốt nghiệp Đại học Quốc gia Tài chính tại Sài Gòn.

Với kết quả học tập xuất sắc, ông được chính quyền Sài Gòn điều về giữ chức Trưởng ty Tài chính kinh tế Vũng Tàu, rồi tham gia phiên dịch trong các cuộc thương thuyết do ông Y Bhăm Ênuôl (1923 - 1975, dân tộc Ê Đê, sinh trưởng tại Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, một trong những người lập ra tổ chức Fulro), với đại diện chính phủ Sài Gòn. Năm 1965, Hội nghị các nước Đông Dương diễn ra tại Phnôm Pênh, Ya Đuk được mời dự. Khi đó ông 25 tuổi.

Ông nhớ lại: “Fulro ra đời với tên gọi “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức”. Nghe hấp dẫn quá, khiến tôi nghĩ đó là lý tưởng và hăm hở bước theo. Đâu ngờ đó là sự lừa mị bịp bợm của các thế lực phản động. Tôi đã không nhận ra thực dân, đế quốc muốn dùng Fulro làm công cụ thực hiện mưu đồ xấu ở Tây Nguyên, Việt Nam...”

Sự thúc dục của “lý tưởng Tây Nguyên tự trị” thời đó đã kéo Ya Duck vào rừng và trở thành một sỹ quan thân cận của thủ lĩnh Fulro Y Bham Ênuôl. Ya Duck tham gia Fulro giai đoạn đầu từ năm 1964 đến năm 1969. Khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống ngụy, để thoả hiệp, y đã cho thành lập Bộ Sắc tộc với mục đích lấy người Tây Nguyên cai trị người Tây Nguyên. Ya Duck được thủ lĩnh Fulro phái về tham gia bộ máy của chính quyền Sài Gòn và ông trở thành Trưởng ty Sắc tộc tỉnh Tuyên Đức (một phần Lâm Đồng ngày nay)…

Miền Nam giải phóng. Đó cũng là lúc mà những người từng tham gia chế độ cũ như Nahria Ya Duck cảm thấy hoang mang. Ông tâm sự rằng, lúc đó không hiểu chút gì về chính sách khoan hồng và những ưu việt, nhân đạo của Đảng và chế độ mới.

Ông kể lại: “Tôi thường xuyên bị khủng hoảng tinh thần. Ở đâu người ta cũng nói tới một cuộc trả thù đẫm máu của cộng sản. Đảng giải phóng miền Nam nhưng có giải phóng cho tất cả đồng bào Tây Nguyên hay không? Trong khi đó thì những kẻ xấu thường xuyên xúi giục, lôi kéo. Tôi đã tiếp tục vào rừng tham gia Fulro trong một tâm trạng như thế…”

Năm 1975, Ya Duck lội rừng từ Đơn Dương lên Lạc Dương để nhận chức “Đại tá, Tư lệnh” sư đoàn Bidoup của lực lượng Fulro, rồi sau đó được “thăng chức Tư lệnh vùng 4). Năm 1978, sau một cuộc tham gia “đảo chính trong nội bộ Fulro”, ông trở thành một trong những người đứng đầu lực lượng này khi được phong “Đệ nhất Phó Thủ tướng” phụ trách chính trị, ngoại giao.

Uông Thái Biểu
   [links()]      
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn