“Người gián điệp thần kỳ” khiến Stalin ngả mũ

( PHUNUTODAY ) - (PNamp;ĐS) - Trong cuốn sách, 2 phóng viên này cho rằng Le Sile là người có ảnh hưởng nhất trong Chiến tranh thế giới 2, đồng thời là gián điệp bị xem thường nhất.


Từ chiếc gai trong mắt Đức Quốc xã

Thông tin tình báo chi tiết đến mức nhiều lúc Stalin không dám tin
Thông tin tình báo chi tiết đến mức nhiều lúc Stalin không dám tin
Rudolf Le Sile sinh ngày 22 tháng 11 năm 1897 tại thành phố Augsburg, bang Bavaria, Đức. Cha của Le Sile là một viên chức bình thường trong ngành lâm nghiệp. Trong Chiến tranh thế giới 1, Le Sile được triệu tập nhập ngũ tham gia chiến tranh.

Sau Đại chiến thế giới 1 kết thúc, Le Sile trở về quê nhà, trở thành phóng viên cho 1 tờ báo địa phương. Không lâu sau, Le Sile chuyển tới thủ đô Berlin và trở thành một nhân vật quan trọng trong giới phê bình văn học. Le Sile đã kết thân với một nhóm bạn có cùng tư tưởng tự do trong giới văn học và nghệ thuật.

Nhóm này dần trở thành “chiếc gai trong mắt” trong chính quyền Đức Quốc xã đang lớn mạnh khi đó. Biết tính mạng đang bị đe dọa nên Le Sile cùng nhóm bạn thân của mình đều trốn sang nước ngoài, trong số đó cả nhà văn nổi tiếng Thomas Mann. Năm 1934, vợ chồng  Le Sile chuyển đến sinh sống tại thành phố  Lucerne, Thụy Sĩ. Năm 1937, Le Sile bỏ quốc tịch Đức, lấy quốc tịch Thụy Sĩ.

 Ở Thụy Sĩ, Le Sile mở nhà xuất bản "Weitanuowa". Tuy quy mô không lớn, song thu nhập đủ cho Le Sile chi trả chi phí cho những chuyến đi và về giữa Đức và Thụy Sĩ. Cũng chính khoảng thời gian đó, Le Sile bắt đầu trở thành “gián điệp thần kỳ” chống lại sự thống trị của Đức quốc xã.

Le Sile thường xuyên trở về Đức gặp những người bạn trong giới văn học, giới nghệ thuật thậm chí trong cả giới chính trị và quân sự. Trong những lần tiếp xúc, Le Sile phát hiện có rất nhiều người cũng phản đối chính quyền Đức quốc xã và đặc biệt quan tâm đến diễn biến chính trị và quân sự của Đức.

Nhờ sự “giúp đỡ” của những người bạn này mà Le Sile nắm rõ như lòng bàn tay các thông tin cơ mật trong chính quyền Đức quốc xã cùng các động thái quân sự. Le Sile có thể nắm chi tiết các kế hoạch của quân đội Đức chỉ sau 24 tiếng triển khai, thậm chí còn biết rõ Đức sẽ triển khai quân đến địa điểm nào…Le Sile sử dụng những nguồn thông tin này cung cấp cho cơ quan tình báo của Thụy Sĩ.



Khi tham gia vào hoạt động gián điệp, Le Sile đổi tên thành “Lucy”. Năm 1967, hai phóng viên Pháp đã viết 1 cuốn sách để kỷ niệm Le Sile với nhan đề “người đàn ông tên Lucy” sau khi 21 năm nghiên cứu điều tra. Trong cuốn sách, 2 phóng viên này cho rằng Le Sile là người có ảnh hưởng nhất trong Chiến tranh thế giới 2, đồng thời là gián điệp bị xem thường nhất.

Ban đầu, Le Sile làm việc cho các cơ quan tình báo của Thụy Sĩ, Anh và Mỹ. Do nhất định không chịu cung cấp nguồn cụ thể của những thông tin tình báo nên các cơ quan tình báo không quan tâm đến những thông tin tình báo này.

Nhưng không lâu sau đó, các nước Đồng Minh bắt đầu phát hiện giá trị thực sự của người Đức này: những thông tin tình báo mà Sile cung cấp chính xác đến mức không ngờ tới: năm 1939, Le Sile cảnh báo ý đồ xâm lược Ba Lan của Đức quốc xã. Sau đó, ông gửi kế hoạch chi tiết về âm mưu tiến công xâm lược Pháp, Bỉ, Hà Lan và Thụy Sĩ.

Những thông tin tình báo này nhanh chóng được chứng thực và nhận được sự đánh giá rất cao từ phía Liên Xô. Đặc biệt là thông tin có liên quan đến kế hoạch “Barbarossa” của Đức. Thế nhưng nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô cơ bản không tin Đức sẽ tấn công vào thời điểm như thông tin tình báo mà Le Sile cung cấp nên trực tiếp dẫn đến việc Liên Xô rơi vào thế bị động trong cuộc giao chiến với quân Đức.

Từ lúc đó trở đi, phía Liên Xô bắt đầu công nhận giá trị thực sự của Le Sile. Hoạt động cho Liên Xô là một thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp hoạt động gián điệp của Le Sile. Mỗi tháng, phía Liên Xô đều đưa cho Le Sile 1600 đô la Mỹ để mua thông tin tình báo. Le Sile có thể cung cấp cho Liên Xô thông tin chi tiết có liên quan đến kế hoạch của quân đội Đức chỉ vài giờ sau khi được thông qua.

Ngày 17 tháng 4 năm 1943, Le Sile đã cung cấp thông tin tình báo về việc quân Đức thành lập lực lượng xe tăng, bộ binh mới và biên chế, cách bố trí lực lượng này. Ngày 28 tháng 6, Le Sile đã cung cấp thông tin chính xác có liên quan đến trung đội máy bay của Đức. Cùng ngày, Le Sile còn cung cấp thông tin về việc quân đội Đức chế tạo thành công xe tăng “Leopark”.

Ngày 25 tháng 9,  Le Sile tiếp tục cung cấp thông tin tình báo về việc Đức quốc xã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề tiềm lực kinh tế quân sự của quân đội Đức. Điều khiến cho phía Liên Xô cảm thấy thán phục chính là mức độ tìm hiểu chi tiết các thông tin tình báo về chiến lược và quân lực Liên Xô do cơ quan tình báo Đức nắm được đã được Le Sile cung cấp. Một phần nhờ nguồn tình báo này, Liên Xô đã nắm thế chủ động trên chiến trường. 

Quân Liên Xô đã dùng loa kêu gọi quân Đức đầu hàng: “Binh sĩ tăng thiết giáp vùng 24, chúng tôi sẽ không giống như các chỉ huy của các bạn nói một cách chắc chắn rằng ngày mai sẽ xuất hiện ở Woluo Nieshen, thu bánh mỳ, đạn dược và xăng xe của các bạn”. Tất cả những điều này không nghi ngờ gì đã đóng vai trò tích cực trong việc làm nhụt ý chí chiến đấu của quân Đức. Kế hoạch tấn công chiếm lĩnh Liên Xô chớp nhoáng của quân Đức bị phá sản hoàn toàn. Rất nhanh sau đó, tình thế đảo lộn ở mặt trận phía Đông.

Con đường cung cấp thông tin tình báo

Tính chính xác của những thông tin tình báo do Le Sile cung cấp được ví như những “chân lý”. Nhưng chỉ một mình Le Sile thì không thể thực hiện công tác tình báo nặng nề và phức tạp như vậy được. Xây dựng một tổ chức hoạt động bí mật chính là cơ sở để cho Le Sile thu thập thông tin tình báo.

Nhưng cho đến nay, mọi người vẫn không có chứng cứ xác thực để chứng minh rút cuộc Le Sile dùng cách thức như thế nào để thu thập thông tin tình báo và chuyển các thông tin này tới các nước đồng minh. Có người cho biết: những người cung cấp thông tin tình báo cho Le Sile gồm 10 sĩ quan cao cấp trong Bộ quốc phòng Đức.

Họ cùng chung lý tưởng “chống lại chế độ Đức quốc xã” vì thế  họ đã cung cấp cho Le Sile những thông tin tình báo chính xác về quân đội Đức. Đồng thời, Le Sile cũng hứa rằng, để tránh cho họ bị tấn công trả thù, Le Sile tuyệt nhiên không tiết lộ thân phận của họ cho bất cứ một người nào. Cho đến ngày hôm nay, tất cả những điều mà mọi người biết cũng chỉ là thông tin có một số người  hoạt động gián điệp dưới sự chỉ đạo của Le Sile, còn không ai biết tên tuổi cụ thể của những người này.

Những người này sử dụng mật mã, tín hiệu và máy thu phát vô tuyến điện mới nhất của Đức lúc bấy giờ để truyền gửi các thông tin tình báo. Ngoài ra, còn một văn bản khác liên quan đến việc truyền gửi thông tin tình báo đó là: trên một con đường ven sông ở thủ đô Béclin, có một quần thể kiến trúc màu xám đen.

Trung tâm thông tin chính của Bộ chỉ huy quân đội Đức cũng nằm ở đây. Hàng ngày, trung tâm thông tin dùng máy thu phát vô tuyến điện phát ra hơn 3000 chỉ thị bí mật. Do lo lắng những mật mã này có thể bị thu giữ giữa đường nên những chỉ thị bí mật này không dùng mật mã mà chuyển nguyên vẹn mệnh lệnh cho báo vụ viên, báo vụ viên sẽ đánh những mệnh lệnh lên trên giấy, sau đó chuyển tới người nhận bằng những tín hiệu liên lạc chuyên môn, tất cả những giấy tờ sau đó đều bị tiêu hủy hết.

Thế nhưng phương pháp tưởng chừng không chê vào đâu được này lại mang đến cơ hội cho Le Sile. Hai nữ báo vụ viên trong nhóm tình báo của Le Sile đã thu thập được những tờ giấy này và dễ dàng mang ra khỏi tòa nhà trung tâm, sau đó chuyển giao bí mật cho người chịu trách mạng lưới tình báo của Le Sile tại Béclin. Bằng phương thức này, Le Sile đã nhận được 500 bức điện báo tuyệt mật và 120 thông báo đặc biệt.

Nếu như không có được những tờ giấy này, thì nhân viên tình báo vẫn có thể nhớ để truyền miệng nội dung thông tin tình báo, những bức điện báo kiểu như vậy cũng vào khoảng 800. Những nhân viên tình báo mà Le Sile bố trí ở Béclin nhờ chức vụ đảm nhiệm lợi dụng các thông tin cơ yếu chuyển tài liệu sang Thụy Sĩ. Một con đường truyền tin tình báo khác là thu từ trong các bức điện bí mật, nhờ điện thoại công cộng của Bộ quốc phòng Đức chuyển thông tin từ Béclin tới một người rất tin cậy trong Bộ tư lệnh quân đội Đức tại Italia, sau đó lại nhờ một người đáng tin cậy khác lên tàu hỏa chuyển những băng ghi âm điện thoại này tới Lucerne.

Kết thúc bi thảm, lặng lẽ rời xa thế giới

Do nhiều lần qua lại giữa Thụy Sĩ và Đức nên thân phận làm gián điệp của Le Sile cuối cùng cũng bị Gestapo phát hiện. Gestapo đã tìm mọi cách phá hoại đường dây liên lạc tín hiệu điện đài của Le Sile với Liên Xô. Nhưng điều vô cùng may mắn chính là Gestapo không hoàn toàn tìm được phương thức chuyển thông tin tình báo của Le Sile. Nhưng, quan chức cao cấp của Gestapo là Walter Fort Schlender không từ bỏ việc đối phó với Le Sile cho dù Le Sile cư trú ở Thụy Sĩ.

Sau Đại chiến hế giới 2, chính phủ Thụy Sĩ bắt buộc phải ra tay bắt giữ Le Sile. Do trước đây, Le Sile đã từng cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Thụy Sĩ, một chứng cứ có lợi chứng minh sự trung thành của Le Sile. Vì thế, tháng 9 năm 1944, Le Sile được tòa án xử trắng án, đồng thời cho phép Le Sile trở về nhà xuất bản của mình làm việc. Sau khi chiến tranh kết thúc, giá trị của hoạt động gián điệp giảm mạnh, Le Sile vốn đã thành danh cũng mất đi nguồn cung cấp thông tin tình báo.

Những năm 50 thế kỷ 20, Le Sile gặp khó khăn về kinh tế. Không lâu sau, chính phủ Thụy Sĩ một lần nữa bắt giữ Le Sile với lý do “cung cấp thông tin cơ mật của NATO cho Liên Xô”. lần này, Le Sile không còn gặp may mắn như lần trước, ông bị tòa tuyên án có tội và chịu hình phạt 1 năm tù giam.

Kết cục của người anh hùng gián điệp trong Đại chiến thế giới 2 thật đáng buồn. Sau khi ra tù, Le Sile trở về thành phố  Lucerne, Thụy Sĩ nhưng không thể tiếp tục đưa nhà xuất bản hoạt động trở lại vì tất cả cơ quan tình báo mà Le Sile đã từng phục vụ đều không giúp đỡ ông. Trong một ngày không thu hút sự quan tâm của mọi người, người “gián điệp thần kỳ” này đã lặng lẽ dời xa thế giới. Mọi người thậm chí không biết thời gian mất chính xác của Le Sile, nhiều người nói là ông mất vào năm 1958 nhưng cũng có người nói là ông mất vào năm 1961.

(theo Archive)
TAGS:
Theo: