Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Dĩ công vi thượng

( PHUNUTODAY ) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Tôi đã cống hiến một cách tự nguyện, đã thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu... Như vậy, tôi đã làm theo lời dạy và noi theo tấm gương của Bác Hồ là “Dĩ công vi thượng”. Tôi nhận nhiệm vụ và tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả việc phụ trách công tác sinh đẻ có kế hoạch… cũng là nhiệm vụ…". Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói.

LTS: Bài viết này nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết cách đây 9 năm, vào ngày 7/5/2004. Phunutoday xin phép đăng lại bài viết này cũng là để nhớ tới vị tướng nay đã 103 tuổi, đồng thời kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiều ngày 7/5/2004, tôi đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mong muốn được chứng kiến những công việc Ông làm đúng vào thời điểm nửa thế kỷ sau chiến thắng Điên Biên Phủ.
 
Vẫn là một ngày bận rộn như nhiều ngày vừa qua. Buổi sáng, Ông tiếp nhiều đoàn khách trong đó có các bạn Angiêri. Nhắc đến quốc gia này, tôi nhớ một hình ảnh rất hay mà chính một nhà báo Bắc Phi đã đưa ra: Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam là nhát đanh đầu tiên đóng trên nắp ván thiên của chủ nghĩa thực dân, còn cách mạng Angiêri lại  có vinh dự đưa cái thây ma này đến nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc được Đại tướng và phu nhân tiếp năm 2007
Nhà sử học Dương Trung Quốc được Đại tướng và phu nhân tiếp năm 2007
 
Buổi chiều vẫn còn nhiều đoàn muốn được gặp để chúc mừng Đại tướng nhân Ngày chiến thắng. Văn phòng phải yêu cầu các Đoàn gặp mặt chung và bố trí tiếp xen kẽ ở cả 2 phòng khách. Vẫn trong bộ quân phục chỉnh tề với tấm Huân chương Sao Vàng duy nhất đeo trên ngực, vị tướng 94 tuổi vẫn tươi cười và minh mẫn tiếp khách. Ông lắng nghe và phát biểu một cách cởi mở và dường như không thừa một chữ. Cựu chiến binh Thái Bình đến với Ông trong tình cảm gia đình với những con cua bể đặc sản quê hương. Các nhà Khoa học trong Liên hiệp các Hội KHKT thì đến với Ông như một trí thức lớn. Khi vị chủ tịch Liên hiêp Hội nói về ông với hai tư cách nhà quân sự và nhà khoa học thì Ông có lời nhắc nhở “quân sự chính là một khoa học”. Với Ông đó là khoa học giành chiến thắng mà ít tổn thất nhất về sinh mạng… Ông còn tiếp nhiều đoàn khác trước khi giành nhiều tình cảm gặp các cháu nhi đồng đi cùng Đoàn đại biểu của Hội đồng Đội đến chúc mừng…
 
Tôi chỉ được gần Ông giữa hai đợt tiếp khách. Ông già 94 tuổi nửa nằm nửa ngồi trong phòng của những người giúp việc, nét mặt Ông trầm xuống thoáng mỏi mệt, nhưng khối óc vẫn suy nghĩ. Ông hỏi tôi sáng nay có theo dõi cuộc mit tinh trên Điện Biên Phủ không và tỏ nỗi băn khoăn vì sao bài diễn văn của  vị quan chức đầu tỉnh không nhắc gì đến trách nhiệm đối với việc bảo tồn các di tích lịch sử? Đó không chỉ là niềm vinh dự của một địa danh đã làm chấn động địa cầu trong quá khứ mà còn là nguồn lực cho phát triển tương lai. Những di tích ấy không chỉ là di sản tinh thần mà còn là những tài sản vật chất của cả nước giao cho. Đó là những tài sản của nhiều thế hệ  cách mạng chắt bóp bằng cả xương máu của mình để lại cho các thế hệ sau gìn giữ. Người ta biết rằng trong đợt trùng tu vừa rồi, để phục hồi lại những chiến hào xưa trên đồi A1, vẫn phát hiện ra nhiều bộ hài cốt của chiến sĩ ta vẫn trong tư thế chiến đấu, nằm trong lòng đât đã nửa thế kỷ… Mối lo lắng về một vùng đô thị hoá giữa lòng di tích của chiến trưòng xưa dường như vẫn ám ảnh Ông. Lần trở lại với Điện Biên Phủ vừa rồi làm cho Ông yên tâm phần nào với sự đầu tư tiền bạc của nhà nước chuẩn bị cho ngày kỷ niệm nhưng những gì đã diễn ra trong nửa thế kỷ qua vẫn làm Ông lo lắng. 
 
Nhưng, khi được biết Ông sắp tiếp các cháu thiếu niên và nhi đồng, ánh mắt Ông sáng lên. Ông nói với niềm tin tưởng rằng Ông rất tin vào thế hệ trẻ có sức vươn tới với tinh thần Điên Biên và sẽ không quên chiến trận xưa, vì các cháu có ý thức là những “chiến sĩ Điện Biên của thế kỷ XXI” tấn công vào nghèo đói-tụt hậu… Ông thú vị kể cho tôi về cậu cháu nội của Ông, con của người con trai  mang tên Điên Biên. Cháu nội của Ông lại được đặt tên là Võ Nguyên Phong như gợi lại hình ảnh “người lính già kể về chiến công đánh giặc Nguyên Mông thời Trần”. Phải chăng Ông đã nhìn thấy cái ngày cậu cháu nội đích tôn của mình sẽ trở thành một cựu chiến binh của chiến trận xây dựng đất nước nói cho các thế hệ tiếp nối về những chiến công không kém phần gian khổ và vinh quang so với thế hệ Ông nội của mình… Đó là tầm nhìn của một con người sẽ sống mãi với các thế hệ. Thày Trần Văn Giàu, người đồng tuế với Đại tuớng Võ Nguyên Giáp, cùng là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học VN có lần nói với chúng tôi rằng: theo quy luật của thời gian, quá khứ sẽ chắt lọc và kết tinh lại thành những giá trị vĩnh cửu. Rồi đây thế kỷ XX vừa qua và có thể cả với nhiều thế kỷ tiếp theo chỉ còn để lại tên tuổi của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp như hai giá trị biểu trưng của lịch sử.
 
Những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi còn lại, Đại tướng vẫn không quên một việc là nhờ tôi điện thoại cho một người cấp dưới rất gắn bó với Ông trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, ở mặt trận Điện Biên cho tới trước Mậu Thân đánh Mỹ vì một lý do bất khả kháng đã phải chia tay với Ông, rằng trong bài phỏng vấn trên báo Nhân Dân ra vào đúng ngày chiến thắng, Ông vẫn không quên và nhắc tới với cương vị là Cục trưởng Quân báo có mặt tại chiến trường… Ông không quên một ai đã đồng cam cộng khổ để làm nên chiến thắng.
 
Có người vào mời ông chuẩn bị ra tiếp đoàn khách mới. Tôi tranh thủ nói rằng, có nhiều độc giả của “Xưa và Nay” và cử tri đặt vấn đề nhà nước phong Ông hàm nguyên soái nhân những ngày lễ lớn sắp tới. Quân đội ta trưởng thành đã có tới 10 vị đại tướng được phong, đã đánh thắng mấy đế quốc to. Người phương Tây trân trọng gọi ông là “tướng 5 sao” hay “maréchal” (nguyên soái) vì với cương vị Tổng Tư lệnh, trong hơn ba thâp kỷ cầm quân ông đã đánh bại 7 tổng chỉ huy quân Pháp, 4 tổng chỉ huy quân xâm lược Mỹ…
 
Nghe tôi nói vậy, Ông khoát tay và cười lớn: “Thôi, thôi, đấy không phải là việc của tôi. Tôi sống và đã cống hiến một cách tự nguyện, tôi đã sống một cách thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu… Với tôi, chỉ làm theo lời dạy và chính tấm gương của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. Tôi nhận nhiệm vụ và tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả nhiệm vụ phụ trách công tác sinh đẻ có kế hoạch… cũng là nhiệm vụ…
 
Ông cười sảng khoái, nét mệt mỏi của một ông lão 94 tan biến. Với nụ cười trên môi, Ông bước những bước đi chậm nhưng chắc chắn và vẫn với tư thế của một tướng quân hướng tới các cháu bé trong sáng đang hồ hởi  nóng lòng  chào đón “Bác Văn"...
 
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn