Nhữ Thị Khoa: Từ vinh quang đến giọt nước mắt đời thường

( PHUNUTODAY ) - Chị chỉ dám mơ những điều thật giản dị. Chị không ước một đôi chân lành lặn, cũng không mơ mộng vào một gia đình toàn vẹn, mà đơn giản chỉ cần ngày nào cũng đắt hàng để có tiền cho con ăn học, thế là hạnh phúc lắm rồi.

Đã từ khá lâu, Nhữ Thị Khoa được xem niềm tự hào của thể thao khuyết tật Việt Nam, là tấm gương sáng cho sự vươn lên của biết bao người phụ nữ không gặp may mắn khác. Tuy nhiên, đằng sau hào quang của những tấm huy chương vàng, người phụ nữ ấy đã bao lần giấu nước mắt vào lòng để vững vàng vượt qua những khắc nghiệt của cuộc đời.

[links()]

Nhọc nhằn đấu trường mưu sinh

Có ai đó đã nói rằng, cuộc đời của người phụ nữ như một bờ biển, chỉ khác nhau ở chỗ có những bờ biển trải dài, có những bờ biển đầy sóng cả. Với vận động viên xe lăn Nhữ Thị Khoa, cuộc đời cô phải trải qua nhiều lớp sóng với biết bao thăng trầm, sóng gió xen lẫn những niềm hạnh phúc khi vượt qua được chính mình để đứng trên những đỉnh vinh quang của thể thao.

"Hơn 10 năm nay, ngoài tập luyện và thi đấu thì thời gian còn lại của cuộc đời tôi luôn gắn liền với thùng bánh mì và nhiều góc phố quen thuộc của thủ đô Hà Nội.

Đôi khi, niềm hạnh phúc của những phút giây đứng trên đỉnh vinh quang với những tấm huy chương vàng - đỉnh cao của sự nghiệp cũng ùa về nhưng giờ đây, đấu trường Para Games không phải là tất cả.

Đấu trường mưu sinh mới là đấu trường lớn nhất tôi phải vượt qua.." - Nhữ Thị Khoa kể lại câu chuyện của cuộc đời mình bằng một giọng nói vừa cứng cỏi, vừa đượm buồn như vậy.

VĐV Nhữ Thị Khoa trên đường đua
VĐV Nhữ Thị Khoa trên đường đua

Chị sinh năm 1971 tại Ứng Hòa, Hà Nội, là con thứ trong gia đình có 5 chị em. Gia đình làm nông nghiệp vốn đã khó khăn, cảnh đông con lại càng trở nên khốn khổ. Khoa bị bại liệt từ năm 3 tuổi và vĩnh viễn không thể đi lại bằng chính đôi chân của mình.

Mỗi bước chị đều cần đến nạng hoặc xe lăn. Nhưng chị không cam phận sống dựa mãi vào gia đình. Cô gái vàng của môn điền kinh (dành cho người khuyết tật) Hà Nội quyết định rời khỏi lũy tre làng đi tìm kế sinh nhai để tự có thể nuôi sống bản thân.

Hơn ai hết, chị hiểu rõ câu nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Ông trời lấy đi của chị đôi chân thì bù lại cho chị một đôi tay dẻo dai, đôi mắt luôn ánh lên những tia sáng lạc quan, yêu đời và một niềm tin bất diệt vào tương lai còn ở phía trước.

Đôi bàn tay gầy guộc của người phụ nữ chỉ vẻn vẹn 35kg đã giúp chị sống được với nghề bán bánh mỳ và hoa quả ở hè phố mấy chục năm qua. Rồi cũng chính đôi tay ấy giúp chị có sức mạnh giành chiến thắng trên đấu trường mang tầm quốc tế.

Gần hai chục năm trước, Nhữ Thị Khoa ra Hà Nội kiếm sống bằng việc bán bánh mỳ ở ngã 3 phố Trần Xuân Soạn - Lò Đúc. Cũng chỉ với suy nghĩ bình thường và cổ điển như bao thanh niên khác khi ra thành phố kiếm tiền gửi về cho gia đình và lo cho bản thân.

Nhưng Khoa khác người ta ở chỗ chị đã mất hẳn đôi chân và không muốn đầu hàng số phận, không muốn bị gắn với hai chữ “tàn phế”. Chị phải cố gắng hơn người khác gấp bội phần

Rồi duyên nghiệp thể thao đến với chị thật tình cờ. Trên hành trình mưu sinh nhọc nhằn, một người bạn ngỏ lời mời chị về trung tâm cùng tập luyện.

Chị chỉ dám mơ những điều thật giản dị. Chị không ước một đôi chân lành lặn, cũng không mơ mộng vào một gia đình toàn vẹn, mà đơn giản chỉ cần ngày nào cũng đắt hàng để có tiền cho con ăn học, thế là hạnh phúc lắm rồi.
Nói về ước mơ của mình, chị chia sẻ: Chị không ước một đôi chân lành lặn, cũng không mơ mộng vào một gia đình toàn vẹn, mà đơn giản chỉ cần ngày nào cũng đắt hàng để có tiền cho con ăn học, thế là hạnh phúc lắm rồi.

Chị đồng ý, ban đầu cũng không mong sẽ được nổi tiếng, được nhiều người biết đến, hay có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Đơn giản, chị nghĩ rằng tập luyện sẽ giúp mình khoẻ mạnh hơn, được tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ và sẽ không còn mặc cảm để tự tin hơn trong cuộc sống.

Những tháng ngày ở trung tâm là quá trình khổ ải luyện tập cả về kĩ thuật lẫn thể thực. Có lúc, đôi tay chị rớm máu, chuột rút đến co quắp do luyện tập căng thẳng. Trong những tháng gấp rút luyện tập chuẩn bị cho kỳ ASEAN Para Games II, cũng đôi tay ấy đã bị biến dạng.

Những ngón tay chai cứng, bắp tay sưng phồng... nhưng chị không một mảy may có ý định bỏ cuộc. Và nỗ lực ấy là những tấm Huy chương Vàng lấp lánh, phần thưởng xứng đáng cho chị.

Khoa nhớ như in quãng thời gian khổ lúc mới bước vào thi đấu. Sáng sáng, khi những người bán bánh mỳ đêm trở về đi ngủ, trên chiếc xe kéo tay, chị vượt qua xóm liều Thanh Nhàn lên CLB Khúc Hạo. 5h30 tập trung ở số 1 Lê Hồng Phong.

Chặng đường chỉ dài 8 km chiếm tới 80 phút nên chị phải khởi hành từ lúc 4h. Khó khăn vậy nhưng chị vui, chị háo hức vô cùng vì ở sàn tập có những đồng đội mong chị, thương chị và hơn tất cả là đồng cảm với những khó khăn của chị.

Họ trở thành người thân duy nhất của Khoa trong những ngày sống xa nhà. Chiếc xe lăn chị dùng hiện nay là xe cũ của một đồng đội nam nhường lại.

Giã từ sự nghiệp vì một hạnh phúc lớn hơn

Sau khi đạt được nhiều Huy Chương Vàng từ hai kỳ Para Games, nhiều người cho rằng đó là một kỳ tích thể thao trong khu vực của cô gái bán bánh mì và người ta mong chờ sẽ tiếp tục gặp lại chị trên những đường đua thể thao tiếp đó.

Tuy nhiên, Nhữ Thị Khoa đã dừng lại. Chị lập gia đình và có một cô con gái nhỏ tên Chi: "Cháu còn quá nhỏ và cần có người ở bên chăm sóc. Đến khi con lớn, mình cũng không thể trở lại phòng tập được vì đã quá tuổi mất rồi..."

Dù tiếc nhưng Khoa vẫn mỉm cười hài lòng, bởi chị biết đã đến lúc phải quay trở về với đấu trường của riêng mình. “Tôi không bao giờ quên thể thao vì nhờ nó mà tôi đã đứng vững hơn trong cuộc sống. Hồi xưa, khi chưa tập thể thao, tôi không dám nghĩ có một ngày mình lại được đi máy bay hay được nhiều người biết đến như bây giờ.

Thế mà tôi đã được đi tận Hy Lạp, Philippines, được tận hưởng những giây phút vinh quang, từ niềm vui chiến thắng và kể cả những phần thưởng bằng vật chất”- người phụ nữ trầm ngâm chia sẻ.

Quãng thời gian của hai kỳ ASEAN Para Games II (2003) và Para Games III (2005) đã lùi lại dĩ vãng. Nhưng những khoảnh khắc vinh quang vẫn lắng đọng trong lòng người hâm mộ.

Giờ đây, chị Khoa đã hoàn tất được một việc lớn trong đời mà ngay cả với những người lành lặn không phải ai cũng làm được. Bằng số tiền bán bánh mì gần hai chục năm tiết kiệm được cùng tiền thưởng từ những lần thi đấu, chị đã mua đất và xây cho mình một ngôi nhà nhỏ ở phố Kim Ngưu.

An cư rồi thì lạc nghiệp, Khoa tin rằng rồi từ đây, chị và cô con gái nhỏ sẽ dễ dàng hơn để xoay sở cuộc sống cho riêng mình.

Những giọt nước mắt trên bục vinh quang của chị Khoa giờ đây được chia đều cho những khó khăn mưu sinh, những nỗi buồn trong cuộc sống vợ chồng. Mắt chị đỏ hoe khi kể chuyện chồng mình, người tưởng rằng sẽ ở bên che chở, bao bọc, bù đắp cho những thiếu thốn của chị hóa ra đã có gia đình riêng.

Thi thoảng anh đến với chị rồi lại trở về với gia đình của mình. Trong giọt nước mắt của chị ẩn chứa nỗi đau của người đàn bà bị tổn thương, bị lừa dối. Có lẽ, nỗi đau ấy còn lớn hơn cả nỗi đau khi biết mình không còn đôi chân…

Gạt đi nước mắt, chị nói khẽ như thì thầm với chính mình: “Thôi cái số đã thế rồi…!”. Chị bảo, chị sẽ không bao giờ lấy chồng nữa...

Bây giờ, tất cả mọi nỗ lực cố gắng của chị Khoa đều dành cho bé Chi. Khó khăn rất nhiều nhưng “cô gái vàng” một thuở vẫn can đảm, cố gắng vượt qua. Trong đời, ai cũng có những ước mơ và không ai dại gì mà không chọn cho mình những giấc mơ thật long lanh, đẹp đẽ.

Chị thì khác. Người phụ nữ ấy chỉ dám mơ những điều thật giản dị. Chị không ước một đôi chân lành lặn nữa, cũng không mơ mộng vào một gia đình toàn vẹn, mà đơn giản chỉ cần ngày nào cũng đắt hàng để có tiền cho con ăn học, thế là hạnh phúc lắm rồi.

Nhắc lại chặng đường thể thao đầy hào quang, kiêu hãnh, Nhữ Thị Khoa cúi mặt và khẽ mỉm cười. Ánh măt chị xa xăm như nhìn về những thứ đã trở thành quá vãng, dù lấp lánh nhưng nó không phải là ánh sáng của hiện thực.

Hiện thực của chị bây giờ là chặng đường từ 6 giờ sáng tất tưởi lên đường. Những thùng hoa quả chất đầy theo chị ra phố, hòa vào dòng người hối hả ngược xuôi trong thành phố. Và khi trời đã ngả vào đêm, nhà nào đã về nhà nấy, chị mới dọn hàng và quay về với căn nhà nhỏ của mình, cùng cô con gái nhỏ - hi vọng duy nhất của mình.

Thành tích tiêu biểu:

Năm 2003: Giải Tiền Para Games (Hà Nội): 3 HCV

Giải  Para Games 2 (Việt Nam): 5 HCV

Năm 2005: Tiền Para Games: 3 HCV

Para Games 3 (Philippines): 5 HCV (trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội). Phá 3 kỷ lục Para Games.

  • Nam Giang
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn