Những cô gái hộc máu mồm vẫn phải cười

( PHUNUTODAY ) - “Mỗi tấm huy chương có được, bọn em phải đánh đổi bằng không chỉ mồ hôi mà cả máu. Nhưng có thêm một tấm huy chương cũng là phụ giúp thêm dược gia đình một khoản tiền để bố mẹ em đỡ vất vả”.

Đội tuyển boxing nữ Việt Nam hiện nay có khoảng 30 thành viên chia theo các lứa tuổi và hạng cân. Để được là một trong 30 gương mặt này, các cô gái vốn xuất thân từ những thôn nữ chân chất, hiền lành không chỉ phải đổ rất nhiều mồ hôi mà phải đổ cả… máu.
[links()]
Ở bộ môn quyền anh nữ, môn thể thao mà các nữ nhi chỉ biết đến đánh đấm và làm thế nào để hạ gục được đối thủ, thật kì lạ là có nhiều cô gái rất xinh đẹp. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng mẫu số chung của tất cả là đều xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn.

Họ mơ sớm thoát khỏi cuộc đời lam lũ bằng nghề “đánh đấm” nhưng cũng có không ít những cô gái má hồng theo nghiệp võ biền này phải vỡ mộng và rơi tõm xuống hố sâu của sự tuyệt vọng vì quy luật khắc nghiệt và bạc bẽo của thể thao.

Đội tuyển quyền anh nữ Việt Nam mới được thành lập từ năm 2006. 6 năm qua, đã có hàng trăm cô gái tình nguyện tham gia vào đội quân tóc dài chỉ học một chuyên ngành chính là: đấm và đấm.

Xin vào tập quyền anh nữ thì dễ nhưng để trụ được với nghề này lại cần sự hy sinh lớn đôi khi không chỉ là việc đổ mồ hôi, nước mắt hay máu trên sàn tập mà thậm chí là hạnh phúc của cả một đời con gái

Trong lò đào tạo của những tay đấm nữ

Võ sĩ Nguyễn Thị Yến- “hoa khôi” của đội tuyển boxing Hà Nội (hạng 46kg) chuẩn bị trước khi thượng đài.
Võ sĩ Nguyễn Thị Yến- “hoa khôi” của đội tuyển boxing Hà Nội (hạng 46kg) chuẩn bị trước khi thượng đài.

Hai địa chỉ đào tạo những nữ VĐV boxing hiện nay là Cung thể thao Quần ngựa, cũng là nơi phát hiện ra những VĐV có năng khiếu. Khi đạt tới một đẳng cấp nhất định, những tay đấm nữ được gửi tới Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội ở Nhổn (huyện Từ Liêm).

Đội tuyển boxing nữ Việt Nam hiện nay có khoảng 30 thành viên chia theo các lứa tuổi và hạng cân. Để được là một trong 30 gương mặt này, các cô gái vốn xuất thân từ những thôn nữ chân chất, hiền lành không chỉ phải đổ rất nhiều mồ hôi mà phải đổ cả… máu.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi có mặt ở nơi các nữ võ sĩ thượng đài chuẩn bị cho một buổi tập luyện nặng nhọc là hai câu khẩu hiệu lớn được căng ra nơi họ tập luyện: “Có chí khí, dũng cảm sẽ lập kỳ tích” và “Có khát khao, ước mơ sẻ lập chiến công”.

Kỳ tích” và “chiến công” không phải là điều mà bất cứ bóng hồng nào theo nghiệp đánh võ cũng có thể với tới dù ai cũng mong muốn. Cứ nhìn cách họ thể hiện sự quyết tâm trước mỗi buổi tập và trước khi thượng đài thì sẽ thấy ngay điều đó.

Nếu có mặt ở đây, nhiều đấng mày râu không quen nhìn cảnh con gái đánh đấm có thể sẽ toát mồ hôi hột nhưng với các cô gái này đó là việc thường ngày. Nói như võ sĩ Lê Thị Ngân Hằng là: “Một ngày không được đấm có khi lại thấy nhớ”.

Những ngày hè nóng như đổ lửa này, các cô gái với thân hình mảnh mai phải vận động với cường độ cao 2 buổi mỗi ngày. Riêng với bộ môn quyền anh nữ, chỉ cần nghỉ một buổi tập có thể sẽ không còn theo kịp, thậm chí nản lòng.

Chính vì điều đó mà “Ước mơ” và “Chí khí” chính là điều mà họ phải thuộc nằm lòng đầu tiên khi có mặt ở đây.

Bị đánh hộc máu mồm vẫn phải… cười

Võ sĩ Nguyễn Thị Vui nhớ lại những ngày đầu có mặt ở đội tuyển quyền anh nữ: “Em được các thầy bảo đứng lên võ đài làm quen. Vừa bước lên, em đã bị một VĐV khác đánh nằm đo sàn luôn. Em đưa tay lên miệng thì đã thấy máu chảy ra rất nhiều. Lúc ấy không ai tới đỡ em dậy cả. Mọi người chỉ hỏi có cần phải xuống trạm xá không”.

Hăng say luyện tập với chuyên gia nước ngoài.
Hăng say luyện tập với chuyên gia nước ngoài.

Đó là bài học mà hầu hết nữ võ sĩ nào cũng phải học khi chân ướt chân ráo gia nhập môi trường mà họ nói là phải “làm quen với những cú đấm như cơm bữa” và phải “no đòn thì mới khôn ra được”.

Có những thiệt thòi khó nói khác khi đúng vào lúc “đến tháng” nhưng các võ sĩ vẫn phải thượng đài, phải thi đấu. “Làm nữ võ sĩ thiệt thòi hơn các đồng nghiệp nam nhiều”- Vui đúc rút.

Có những cô bé mới 12-13 tuổi, là lớp trẻ nhất của đội tuyển quyền anh nữ nhưng trông đã có vẻ rất già dặn. Võ sĩ Vui bảo rằng: “Vì chúng nó cũng dạn đòn lắm rồi nên đứa nào trông cũng lì lợm và rất dữ dội trên võ đài”.

Võ sĩ Lê Thị Ngân Hằng thì kể rằng, cô không dám về nhà trong suốt 3 tháng đầu tiên khi mới tập boxing vì không lúc nào trên cơ thể hết các vết bầm tím, hậu quả sau những buổi tập.

“Về nhà em sợ bố mẹ nhìn thấy lại xót con không cho em theo đội nữa. Mà em thì đã quyết tâm phải có thành tích, phải kiếm được tiền từ nghề này chứ không thì những ngày tháng đổ máu phí hoài mất”.

Hằng đã từng xếp hạng 5 thế giới khi tham dự giải vô địch quyền anh nữ 4 năm trước ở Trung Quốc. Nhưng đích nhắm của cô vẫn là những tấm huy chương SEA Games hay huy chương ở các giải mở rộng cũng được vì “phải có huy chương thì mới có tiền”.

Hầu hết các thành viên của đội quyền anh nữ đều có xuất thân từ các vùng quê nghèo. Chủ yếu họ là những thôn nữ đến từ các huyện Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội), một số VĐV quê Thanh Hoá.

6 năm về trước để tuyển chọn được VĐV quyền anh nữ khó như mò kim đáy bể không phải vì không có những cô gái dũng cảm, mạnh mẽ sẵn sàng chơi bộ môn này mà vì gia đình các VĐV đều ngại cho con em mình đi theo quyền anh bởi cái tiếng “con gái mà suốt ngày đánh đấm thì ai người ta lấy”.

Ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn boxing (Tổng cục Thể dục thể thao) nhớ lại: “Chúng tôi từng phải về tận nhà của các VĐV để thuyết phục gia đình các em. Chỉ có những gia đình cực kì khó khăn, không còn con đường nào khác thì họ mới cho con em mình theo bộ môn này”.

Giờ đây, quyền anh nữ đã có sức hấp dẫn nhất định khi đã trở thành môn không thể thiếu ở bất kì một đại hội thể thao lớn nào, kể cả Olympic nên giấc mơ trở thành ngôi sao cũng gần hơn với những thôn nữ có ý chí và sức mạnh.

VĐV Nguyễn Thị Vui bảo rằng: “Mỗi tấm huy chương có được, bọn em phải đánh đổi bằng không chỉ mồ hôi mà cả máu. Nhưng có thêm một tấm huy chương cũng là phụ giúp thêm dược gia đình một khoản tiền để bố mẹ em đỡ vất vả”. 

Theo trưởng bộ môn Vũ Đức Thịnh, khi boxing nữ được chọn để đưa vào chương trình thi đấu của Olympic cũng là lúc đội boxing nữ Việt Nam phải đặt ra mục tiêu tranh giành vé tới đấu trường này.

Dù cánh cửa để VĐV Việt Nam đến Olympic là rất hẹp bởi “hạn ngạch” dành cho boxing nữ chỉ có chưa tới 40 VĐV ở ba hạng cân. Để lọt vào danh sách 40 VĐV xuất sắc nhất thế giới này, trước tiên các nữ võ sĩ của VN phải đánh bại được các đối thủ trong khu vực.

Hiện tại, boxing nữ Việt Nam vẫn có chuyên gia của Triều Tiên - nước rất mạnh trong môn này - hỗ trợ. Cơ sở để đặt niềm tin vào những cô gái Việt Nam vẫn nằm trọn trong những chữ: chí khí và ước mơ - những thứ mà họ có thừa.

Ra ngoài không dám nói là dân quyền anh

Trụ lại được với quyền anh là những cô gái có một sức mạnh thể chất và tinh thần đáng nể. Lê Thị Phương, huy chương bạc châu Á kể lại: “Có nhiều người không chịu được đau đã bỏ đội chỉ sau 2-3 tuần tập luyện vất vả.

Trong quyền anh có những cái ngưỡng nếu không đủ dũng khí để cắn răng vượt qua thì sẽ sớm bỏ cuộc”. Trụ lại với môn thể thao cực nhọc này, ước mơ của các thôn nữ không chỉ là kiếm được tiền khi giành được những tấm huy chương.

Nếu giành thành tích ở những giải đấu tầm cỡ khu vực hoặc châu lục, họ có thể được đặc cách vào học Đại học Thể dục Thể thao. Và đó là giấc mơ mà nếu không theo môn thể thao này thì có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ.

Theo học Đại học TDTT họ có thể trở thành giáo viên thể dục, một công việc ổn định và đỡ vất vả hơn làm ruộng. Đó chính là con đường ngắn nhất cho ước mơ thoát nghèo. Tuy nhiên, để vươn tới ước mơ này, sự đánh đổi là không tránh khỏi. Võ sĩ Nguyễn Thị Yến là một cô gái rất xinh xắn.

Nếu chịu khó ăn mặc và trang điểm, Yến chẳng khác gì các hot girl nổi đình đám bây giờ. Nhưng theo nghề võ sĩ, Yến hầu như cả ngày chỉ có “diện” quần đùi áo cộc. Thậm chí, Yến còn không dám tâm sự với bạn bè rằng cô đang là một võ sĩ quyền anh.

“Khi mới vào nghề, em từng hồn nhiên kể chuyện mình là một VĐV quyền anh nhưng rồi nhiều người tỏ ra sợ khi nghe thấy điều đó nên giờ đi đâu em không dám nói nữa”.

Cũng có trường hợp những nữ VĐV có bạn trai và được người yêu thông cảm nhưng khi dẫn về ra mắt gia đình thì nữ võ sĩ lại bị kịch liệt phản đối. Yến tâm sự: “Bọn em cũng là những người con gái bình thường.

Ngoài những giây phút quyết liệt trên võ đài thì tất cả đều rất dịu dàng, thích nấu ăn và làm đẹp như các bạn gái khác. Nghề của bọn em đặc thù nên thiệt thòi hơn vì vậy nếu ai không thông cảm thì không thể yêu được”.

Điều kì lạ nhất mà tôi phát hiện ra khi trải nghiệm những cung bậc cảm xúc trong nghề với các nữ VĐV boxing là hầu hết các nữ võ sĩ không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình mà cả vẻ đẹp tâm hồn. Sự chân chất, thật thà của họ là thứ của hiếm với con gái thời nay.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi vì thế mới phải thốt lên: “Đúng là con gái boxing rất… xinh”. Trưởng bộ môn Vũ Đức Thịnh bảo: “Có lẽ trên sa mạc cằn cỗi, càng thiếu nước thì những đoá hoa xương rồng càng đẹp rực rỡ chăng?

Nói hình ảnh vậy thôi chứ thực tế là vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên ở đây em nào cũng có nghị lực và ý chí khác thường. Họ là những cô gái đặc biệt”.

  • Hải Minh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn