“Vì cuộc đời là những chuyến đi, tôi chọn New York cho sự lớn lên của mình” (2)

( PHUNUTODAY ) - Hóa ra, đất nước nhỏ bé của chúng ta được rất nhiều người biết đến. Tôi vẫn còn nhớ, khi cả đoàn đi chơi tại vườn Botanical, chúng tôi gặp một người nước ngoài mặc áo cờ đỏ sao vàng...

Những ngày đó, du học sinh Việt Nam đã biến khu bếp ấy thành một nơi đầm ấm và vô cùng vui vẻ.

[links()]
 

Chia tay cô giáo và bạn cùng lớp ở Kaplan.
Chia tay cô giáo và bạn cùng lớp ở Kaplan.
Một người chị trong đoàn nhà báo của chúng tôi hiện giờ đã quay trở lại học tiếng Anh ở Kaplan và sống trong kí túc ấy. Chị nói, bếp ăn giờ vắng ngắt, mãi mãi không bao giờ nó còn được đầy ắp tiếng cười như trước đây nữa. Đó là khi chúng tôi nấu nướng, chúng tôi trò chuyện. Đôi khi cùng nhau làm những món ăn của quê nhà. Chúng tôi đi phố Tàu để mua vỏ bánh làm nem, mua mắm, tỏi, ớt, chúng tôi nấu phở bò. Cũng có lúc, chúng tôi gặp vài người bạn ngoại quốc ở khu bếp này. Chúng tôi dạy họ cách dùng đũa, mời họ cùng ăn cơm Việt Nam và rất nhanh, chúng tôi trở thành bạn của nhau.
 
Ở New York, bạn có thể kết bạn rất nhanh và tôi tin là người bạn nào cũng đối với bạn rất nhiệt tình. Ở Kaplan, có khá đông người Hàn Quốc theo học tiếng Anh. Các chị trong đoàn chúng tôi chơi với một nhóm bạn Hàn Quốc. Giờ ra chơi, có thi thoảng tôi chạy qua lớp đó nói chuyện và gặp họ, có lẽ khoảng ba hoặc bốn lần. Nhưng chúng tôi đã coi nhau nhà bạn.
 
Kể từ khi đó, bất cứ khi nào tôi gặp họ, ở nơi chờ thang máy, trước tòa Empire State hay ở khu phố Hàn, họ đều hớn hở chào tôi bằng tiếng Việt do các chị cùng đoàn tôi dạy. Mà không chỉ câu “Xin chào” đơn giản, họ nói với tôi tất cả những câu tiếng Việt họ được học: “Xin chào”, “Xin lỗi”. “Em xinh lắm”, “Cảm ơn Mai chị, Hồng chị”…nên màn chào hỏi của chúng tôi khá dài, vì sau đó tôi sẽ đáp lại họ bằng vốn tiếng Hàn vô cùng ít ỏi tôi học được qua bạn cùng lớp và những bộ phim Hàn Quốc thường xem. Đó là một nhóm bạn rất vui, họ đến kí túc của chúng tôi ăn nem và phở bò Việt Nam. Khi chia tay, họ nhớ chúng tôi và cả Việt Nam.
 
“New York sick” và gặp lại giữa lòng thủ đô
Meghan đi chợ Trung Thu (Hàng Mã, Hà Nội)
Meghan đi chợ Trung Thu (Hàng Mã, Hà Nội)
Tuần thứ nhất và tuần cuối cùng ở New York là hai tuần chúng tôi có cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau. Tuần thứ nhất, chúng tôi muốn về. Tuần cuối cùng, chúng tôi muốn ở lại thành phố này. Sự chia li luôn đem lại những hỗn độn về cảm xúc. Bốn tuần học, chúng tôi đã quen với bạn bè, quen với thầy cô, quen với cuộc sống nơi đây, quen với sự náo nhiệt, quen đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần, buổi tối tụ tập ở bếp chung, quen với cả những Happy hour đắp mặt sữa chua làm đẹp, quen đi phố Tàu, quen đi mua sắm ở đại lộ 5…Tất cả rất nhanh đã trở thành một thói quen và để từ bỏ nó lại là điều khó khăn.
 
Chúng tôi cuống quýt sống những ngày cuối cùng ở New York. Vào ngày cuối, đoàn nhà báo còn vinh dự được Kaplan tổ chức cho một bữa tiệc nhỏ vào buổi trưa để nhận giấy chứng nhận. Một tháng là khoảng thời gian đủ dài để những du học sinh nhà báo học, cảm nhận và yêu New York. Có cả nước mắt đã rơi lúc chia li. Đó là ngày cuối cùng chúng tôi ở trong tòa Empire State, chúng tôi đi qua tất cả các phòng học, chụp ảnh với bạn cùng lớp, với giáo viên.
 
Khi ngồi đợi làm thủ tục trả sách, thi thoảng có vài người bạn – những người mà tôi chưa từng nói chuyện, chỉ là mới chạm mặt vài lần trong Kaplan – đến hỏi han và chúc tôi may mắn. Họ vồn vã như thể chúng tôi vô cùng thân quen. Họ biết sau khi rời khỏi Kaplan, tôi sẽ lại lên đường. Cho tới giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với họ, qua mạng xã hội facebook. Thật kì lạ là chúng tôi rất nhớ nhau. Đôi khi, vài câu hỏi thăm trên facebook cũng đủ để mang về niềm vui sáng tươi trong một buổi chiều ảm đạm. Tôi giữ liên lạc với cả cô giáo của mình. Một tháng học ở Kaplan, chúng tôi có những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, cuộc sống mở ra theo nhiều chiều, rộng lớn hơn và thú vị hơn.
 
Theo học bổng được nhận từ Kaplan, sau khi kết thúc khóa học bốn tuần, đoàn chúng tôi mười người chia làm hai nhóm. Một nhóm tới bang Califfornia để thăm vài trường cao đẳng, đại học và các tổ chức của Kaplan ở đây. Một nhóm tới Boston và Ultan. Hai nhóm sẽ họp nhau lại tại Seatle và trở về Việt Nam từ đây. Những ngôi trường thênh thang, nằm xen với các rừng cây thực sự khiến chúng tôi choáng ngợp.
 
Ở đây, nếu giữa các giờ chuyển tiết, bạn không dùng xe đạp để di chuyển thì có lẽ sẽ rất khó để kịp giờ học. Sự đan cài thiên nhiên mang lại nhiều điều lí thú. Chúng tôi thấy sóc chạy trên những lối nhỏ, những thư viện vô cùng lớn và vô cùng nhiều sách, những cây cổ thụ với thân cây lớn tới mức hai người ôm chưa hết vòng…Cũng có ngôi trường được xây trên núi. Đó là ở vùng biển tuyệt đẹp Santa Monica.
 
Từ đây, phóng mắt ra xa, bạn có thể thấy được một không gian vô cùng khoáng đạt, biển trải dài, chạy xa về phía trời xanh. Biển và trời cũng một màu. Nắng rất rực rỡ. Tất cả yên bình trong sự tĩnh lặng tuyệt đẹp. Con người rất thân thiện. Họ mỉm cười và vui vẻ trả lời mọi câu hỏi của bạn. Chúng tôi được gặp vài du học sinh Việt Nam tại đây. Một người phụ nữ làm việc trong Kaplan kể cho chúng tôi rằng mẹ bà mất ở Việt Nam và bà rất muốn đến Việt Nam để tìm mộ mẹ. Bà cũng biết đến áo dài truyền thống của Việt Nam.
 
Hóa ra, đất nước nhỏ bé của chúng ta được rất nhiều người biết đến. Tôi vẫn còn nhớ, khi cả đoàn đi chơi tại vườn Botanical, nơi có rất nhiều hoa và các tầng thực vật đa dạng, chúng tôi gặp một người nước ngoài mặc áo cờ đỏ sao vàng, chúng tôi nói: “Việt Nam”. Anh bạn này ngay lập tức dừng lại, cười và nói lớn: “Việt Nam”.
 
Sau năm tuần ở đất Mỹ, đoàn nhà báo trở về. Cuộc sống buộc phải trở về nếp cũ của nó nhưng chúng tôi biết, trong chúng tôi, đã có nhiều thứ thay đổi. Chúng tôi đã có thêm một gia đình mới và một nỗi nhớ mới. Chúng tôi nói mãi về New York và cuộc sống nơi đây mỗi lần gặp mặt. Nước Mỹ ở bên kia bán cầu, cách chúng ta khoảng mười tám giờ bay, vào một ngày thu xanh ở Hà Nội, tôi được gặp lại cô giáo tại Kaplan của mình, sau ba tháng kể từ ngày tôi trở về Việt Nam.
 
Meghan là cô giáo dạy lớp ngữ pháp của tôi trong tuần đầu tiên và là cô giáo dạy nghệ thuật của một thành viên khác trong đoàn nhà báo. Cô là một giáo viên và cũng là một họa sĩ. Meghan đến Thượng Hải và liên lạc với chúng tôi bằng facebook. Cô nói có lẽ cô sẽ đến Việt Nam và mong muốn được biết nên đến đâu. Hà Nội là điểm đầu tiên tôi nghĩ tới.
 
Trước đây, khi học tiếng Anh tại Kaplan, tôi đã nói với cô giáo và bạn cùng lớp rằng, hãy đến Hà Nội vào mùa thu. Khi ấy, trời sẽ trong xanh và rất mát. Trên đường sẽ có lá rụng vàng bay theo gió. Hà Nội đẹp nhất vào mùa này. Meghan đã đến Hà Nội sớm hơn tôi nghĩ, vào đúng mùa thu và đúng lúc tất cả mọi người đang náo nhiệt chuẩn bị cho Trung Thu. Tôi đưa cô giáo đi thăm Hà Nội bằng xe máy. Có lẽ đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị của cả tôi và cả Meghan.
 
Chúng tôi đi tới khắp những nơi nổi tiếng ở thủ đô: Văn Miếu, lăng Bác, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Nghệ thuật, làng lụa Vạn Phúc…Meghan chỉ ở Việt Nam hai ngày. Thời gian rất ngắn nhưng đủ để cô biết phần nào về Hà Nội và về con người Việt Nam. Cô ngạc nhiên với giao thông đan chéo, chằng chịt ở Việt Nam, cô thích áo dài truyền thống (Meghan may áo dài ở phố cổ.
 
Sau này, khi cô đã về nước, tôi nhìn thấy trên facebook của cô, ảnh cô mặc áo dài trên lớp học tại Kaplan), cô dùng đũa để ăn các món Việt Nam rất giỏi. Meghan đến thăm Hà Nội, đoàn chúng tôi lại có lí do để họp mặt. Một thành viên trong đoàn nhà báo mời chúng tôi đến nhà dùng cơm. Chị là một người phụ nữ rất xinh đẹp, thành đạt và nấu ăn giỏi vô cùng, rất dễ gần và niềm nở. Tôi tin hai ngày ở Hà Nội, Meghan đã có được những kỉ niệm rất đẹp và cô giáo nói, cô sẽ quay lại.
 
Cuộc gặp lại thứ hai của chúng tôi với những người bạn ở Kaplan là ở một nơi khác, không phải ở Hà Nội. Một thành viên trong đoàn chúng tôi sang Hàn Quốc và hẹn gặp một người bạn Hàn Quốc cùng lớp Kaplan tại đây. Khi chia tay, cô bạn xúc động và khóc. Có những tình bạn xuyên biên giới, xuyên quốc gia và thật có duyên. Chúng ta gặp được nhau trong những hoàn cảnh không ngờ nhất. Bởi lẽ, nếu chị cùng đoàn tôi sang muộn hơn chỉ một, hai ngày thôi thì cô bạn Hàn Quốc kia đã không còn ở Hàn Quốc mà đã quay lại New York.
 
Nếu kể hết những chuyện xảy ra trong chuyến đi của chúng tôi, có lẽ phải viết được thành một cuốn sách dày. Cho tới bây giờ, khi gặp nhau, chuyện ở New York chúng tôi kể cho nhau vẫn chưa hết. Những chuyến đi luôn mang về những điều kì diệu. Những chuyến đi luôn mang tính chất là sự đổi thay. Tôi đã đi, đến, trở về và lớn lên. Khi ta lớn lên, chợt thấy cuộc đời cũng rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn và đáng sống hơn. Tôi đã có thêm một gia đình mới, những người bạn mới, những thay đổi mới và tôi yêu họ bằng một tôi đã tốt hơn rất nhiều so với ngày hôm qua.
 
 
)
 
 
  • Thanh Thanh

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn