Quan hệ vợ chồng là quan hệ tình cảm dựa trên tình yêu thương và trách nhiệm. Đời sống hôn nhân không phải là một thế giới tràn ngập hoa hồng như nhiều người lầm tưởng. Thực tế, hầu như đi đến đâu chúng ta cũng nghe những lời than phiền về đời sống hôn nhân, hiếm hoi lắm mới có được những lời ngợi ca về hạnh phúc. Hôn nhân và những phiền muộn thường có sự liên hệ gắn kết với nhau; sau khi kết hôn, người ta sẽ phải đối mặt với những rắc rối và những trách nhiệm mà họ không bao giờ mong muốn hoặc chưa bao giờ ngờ tới. Dưới đây là 3 điểm xấu khiến hôn nhân tan vỡ, vợ chồng cần biết để tránh:
Nghi ngờ và thiếu tin tưởng
Nhiều người li hôn khi họ nhận ra họ không thể tin tưởng vào đối phương . Trong một mối quan hệ vợ chồng nào cần phải có niềm tin và khi họ không biết người bạn đời đang nghĩ và làm gì họ sẽ dần cảm thấy mất niềm tin. Từ đó việc tan vỡ rất dễ xảy ra và không có lý do gì để họ tiếp tục chung sống bên cạnh nhau nữa. Li hôn là cách giải thoát cho họ lúc này.
Điều này sẽ gây đau khổ cho nhau. Khi cha mẹ đau khổ thì con cái cũng khổ lây. Nhằm tạo niềm tin cho nhau, giữa vợ chồng không nên có những điều bí mật. Bí mật sẽ tạo nên nghi ngờ, dẫn đến ghen tuông, tức giận, là tác nhân gây ra thù hằn, chia rẽ, thậm chí tự vẫn hoặc giết hại lẫn nhau.
Mù quáng và thiếu sáng suốt trong khi yêu nhau
Khi yêu nhau, cả hai đều cố gắng biểu lộ những khía cạnh tốt đẹp, những ưu điểm và những phẩm chất có giá trị của mình với người yêu; họ có xu hướng chấp nhận nhau trên những giá trị bề ngoài, và không khám phá được, không nhìn thấy rõ những mặt trái, những khuyết điểm của nhau.
Nhiều người khi yêu có xu hướng lờ đi những khiếm khuyết, lỗi lầm của người kia, nghĩ rằng họ có thể chỉnh sửa sau khi kết hôn, hoặc họ có thể sống được với những khiếm khuyết ấy vì “tình yêu sẽ chinh phục tất cả”. Sau khi kết hôn, khi vị ngọt của tình yêu lãng mạn, lý tưởng thuở ban đầu không còn nữa, sự thực bắt đầu lộ diện, họ phải đối mặt với những thực tế mà trước đây họ chưa từng thấy hoặc làm ngơ, dẫn đến khổ đau, vỡ mộng.
Khó khăn về kinh tế, không đáp ứng được những nhu cầu vật chất
Nếu trước đây, khi cả hai đến với nhau ai cũng nghèo khó, cả hai cùng cố gắng phấn đấu từng ngày để cải thiện đời sống vật chất thì cuộc hôn nhân ấy rất bền vững. Bởi chính những giọt mồ hôi, những tháng ngày cũng trải qua khốn khó khiến cả hai học được cách trân trọng, thương yêu người bạn đời.
Ngược lại, nếu bạn đang giàu có, sung túc bỗng lâm vào cảnh khánh kiệt sẽ khiến đời sống vợ chồng rơi vào khủng hoảng. Sự thiếu hụt tài chính, khốn đốn bạc tiền sẽ khiến cả hai bức bối, khó chịu mà dẫn đến cự cãi. Từ đó, hôn nhân dần rạn nứt, lạnh nhạt và chia tay chính là cái kết tất yếu.
Cũng giống như việc bác sĩ phải chuẩn đoán được bệnh mới có thể kê toa thuốc cho bệnh nhân, vợ chồng cần thẳng thắn trò chuyện với nhau về những bất hòa, đây chính là cách duy nhất giúp bạn có đời sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
Tác giả: