"Nhà mà bại vong tất do xa xỉ"
Thi nhân Lý Thương Ẩn từng có câu thơ viết rằng: "Thành do cần kiệm, bại do xa". Đại ý là gia tộc hưng vượng là nhờ vào cần kiệm, gia tộc sa sút thì ắt do xa xỉ mà thành.
Trong lịch sử Trung Hoa, những ví dụ có liên quan tới việc quân vương vì xa xỉ vô độ mà mất nước nhiều không kể xiết. Ví như năm xưa Trụ vương đổ rượu đầy ao, treo thịt đầy rừng, Tùy Dương Đế tham lam vô độ, hậu Đường thích ăn chơi hưởng lạc…
Cho tới ngàn đời sau, những tấm gương vì xa xỉ mà bại vong vẫn rành rành trước mắt.
"Khắc tinh" của thói xa xỉ lại chính là đức tính tiết kiệm. Bàn về điều này, Gia Cát Lượng trong "Giới Tử Thư" từng viết: "Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức".
Ngụ ý của Khổng Minh tiên sinh có nghĩa là, đời người nhờ vào nội tâm an tĩnh mà tu dưỡng, còn phẩm đức thì dựa vào tác phong cần kiệm rèn giũa mới thành.
Con người thất bại vì lười biếng
Khang Hy từng dạy con cái: “Thánh nhân lấy lao động làm phúc, xem an nhàn là họa”. Thất bại không đáng sợ mà lười biếng mới đáng sợ, một khi trở nên lười nhác, mọi việc đều hỏng cả.
Nếu lười nhác lúc học hành thì thành tích đương nhiên không thể tốt. Nếu lười biếng trong công việc, sự nghiệp tự nhiên không tốt. Cho dù bạn có kế thừa gia tài lớn, nếu như bạn là một người lười nhác, cũng sẽ nhanh chóng khiến toàn bộ gia sản ‘bốc hơi’.
Hai con ngựa kéo hai chiếc xe lớn. Chiếc xe phía trước chạy thật nhanh, chiếc xe đằng sau vừa chạy vừa nghỉ. Thế là người ta đem hàng hóa của xe phía sau để lên xe phía trước. Đợi đến khi đồ đạc ở sau xe được dọn sạch, con ngựa ở đằng sau mới nhẹ bước nhanh lên, đồng thời nói với con ngựa phía trước: “Ngươi vất vả rồi, chảy cả mồ hôi, ngươi càng cố gắng làm việc, người ta sẽ càng đày đọa ngươi”.
Lúc đến nơi, chủ nhân nói: “Nếu chỉ dùng một con ngựa kéo xe, vậy ta nuôi hai con để làm gì? Chi bằng nuôi một con thật tốt, con kia đem làm thịt, cũng còn có được một bộ da”. Thế là con ngựa lười biếng kia đánh mất đi sinh mệnh, trong nhà người chủ kia thì treo lên một miếng da ngựa.
Đã từng có người hỏi một vị đại sư ở trong chùa: “Vì sao lúc niệm Phật phải gõ cá gỗ?”. Đại sư nói: “Nói là gõ cá gỗ, kỳ thực là gõ người”.
“Vì sau không gõ gà, gõ dê, mà phải gõ cá?” Đại sư cười nói: “Cá là loài động vật cần cù và nhanh chóng, suốt ngày mở to đôi mắt, bơi lội bốn phương. Cá siêng năng như thế mà lúc nào cũng gõ nhắc, huống chi là người lười biếng cơ chứ!”
Bởi vì lười nhác mà rất nhiều người có cuộc sống bình thường, chẳng lưu lại gì. Đa số những người có thành tựu đều là người chăm chỉ. Con người muốn chăm chỉ thì phải không ngừng thúc giục chính mình, cố gắng vượt qua tật lười nhác. Cần cù có thể tạo nên một vĩ nhân, đồng thời cũng giúp chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Thất bại vì kiêu ngạo
Vương Dương Minh từng nói: “Ngàn tội trăm ác, đều từ ngạo đi lên”. Trong cả đời, con người không thể không cứng cỏi, nhưng không được kiêu căng.
Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ tự nhận mình xuất thân quý tộc, anh hùng cái thế, sức mạnh nhổ núi sông, có được trăm vạn hùng binh, không xem Lưu Bang có xuất thân bình thường ra gì. Nhưng Lưu Bang thiện đãi Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà, từ thế yếu chuyển thành thế mạnh. Rốt cuộc, kết quả là Hạng Vũ thảm bại.
Một trong những nhân vật chính của thời Chiến Quốc, trong câu chuyện Tôn – Bàng đấu trí, Bàng Quyên từng là tướng quân của nước Ngụy, bởi vì ghen với hiền tài, hãm hại đồng môn Tôn Tẫn khiến Tôn Tẫn trốn về nước Tề. Nguyên nhân thất bại của Bàng Quyên là vì ông tự cao tự đại, tuy rằng tài năng quân sự của ông không tệ, nhưng ông không biết giấu kín tài năng của mình.
Theo lịch sử ghi lại, Bàng Quyên rất vui mừng khi lập công, có một chút công lao nhỏ nhoi cũng thổi phồng lên tận trời cao. Vì thế, ông ở tại nước Ngụy bị rất nhiều người bài xích, nếu không phải Bàng Quyên có chút tài năng, đoán chừng sớm đã bị Ngụy vương giết mất. Cũng là bởi vì ông tự cao tự đại, mới khiến cho Tôn Tẫn có cơ hội thừa dịp nắm bắt được khuyết điểm này, cuối cùng Bàng Quyên thất bại ở chính điểm yếu này của mình.
Một người không biết giấu kín tài năng của mình, đó chính là ngạo mạn; một người không ý thức được chính mình ỷ vào tài năng mà trở nên kiêu căng, đó lại là ngu xuẩn. Tự thổi phồng bản thân, cuối cùng chỉ khiến phẩm chất đạo đức càng ngày càng suy bại.
Có tài mà không kiêu, chính là phẩm chất; không có tài nhưng nỗ lực, chính là có đức, và khi bạn đặt tư thái điệu bộ ở vị trí thấp nhất, tuy rằng phúc chưa đến nhưng họa thì đã tránh xa.
Tác giả: