Đúng vậy, những chân lý tưởng chừng đơn giản lại thường hàm chứa những triết lý sâu xa. Nếu ai có thể thấu hiểu được bốn bí mật này, họ sẽ tránh được nhiều tai họa trong cuộc đời. Sau khi lắng nghe lời dạy của vị hòa thượng, tôi như bừng tỉnh và vội vàng ghi lại bốn điều quý giá mà ngài đã chia sẻ.
Thứ nhất: "Thị dục thâm giả thiên cơ thiển, thị dục thiển giả thiên cơ thâm", nghĩa là: Người càng nhiều dục vọng thì càng thiếu sáng suốt, ngược lại, người càng ít ham muốn thì càng dễ lĩnh hội chân lý sâu xa của trời đất.
Người mang nhiều dục vọng dễ đánh mất lý trí, sinh ra nhiều phiền não, từ đó làm tiêu hao phúc khí. Khi ham muốn quá mức, con người dễ trở nên nông nổi, thiếu đi sự tinh tế và minh triết. Dục vọng khiến tâm trí mờ mịt, ý chí suy yếu, và cuối cùng, tự đẩy mình vào khổ lụy.
Vậy “bí mật” ở đây là gì? Đó chính là trí tuệ và tâm linh – hai yếu tố mở lối cho phúc báo và cơ hội trong đời. Muốn sống bình an, hạnh phúc lâu dài, con người cần học cách tiết chế ham muốn. Khi lòng tham được kiểm soát, trí tuệ sẽ dần hiển lộ, và phúc lành cũng từ đó mà tăng lên.
Thứ hai: "Nhân phạ xuất danh, trư phạ tráng, thụ đại chiêu nguy hiểm lai", nghĩa là: Người sợ nổi danh, heo sợ béo, cây to lo gió lớn.
Vị hòa thượng nhắc rằng, trong cuộc sống, càng khiêm nhường bao nhiêu, càng tránh được tai họa bấy nhiêu. Người ham danh, thích thể hiện sẽ dễ trở thành tâm điểm, mà một khi bị chú ý quá mức, dễ chiêu mời điều không lành – giống như con heo càng béo càng nhanh bị đem đi làm thịt, hay cái cây càng lớn thì càng dễ bị bão giật.
Người có cuộc sống khởi sắc, sự nghiệp thăng hoa lại càng nên sống cẩn trọng, biết tiết chế bản thân, không để sự ngông cuồng lấn át lý trí. Tục ngữ có câu: “Thiên cuồng tất hữu vũ, nhân cuồng tất hữu họa” – nghĩa là: Trời nổi gió mạnh thì sẽ có mưa, con người quá kiêu ngạo tất chuốc lấy tai ương. Đó chính là quy luật của trời đất.
Thứ ba: "Nhân vi thiện, phúc tuy vị chí, họa dĩ viễn ly", nghĩa là: Người sống thiện lương, dù phúc chưa đến thì họa đã tránh xa.
Vị hòa thượng giảng rằng, người có lòng nhân hậu, thường xuyên làm điều thiện, sẽ tự tạo cho mình một tấm khiên vô hình trước tai ương. Dù vận may chưa kịp ghé đến, nhưng tai họa đã âm thầm rời xa. Người như thế không chỉ tích lũy được phúc đức, mà còn sở hữu khí chất nhân hậu, dễ được người đời yêu mến và giúp đỡ.
Chính nhờ tấm lòng thiện lành đó, khi họ rơi vào nghịch cảnh hay khó khăn, thường có quý nhân xuất hiện, dang tay nâng đỡ. Thiện tâm chính là gốc rễ nuôi dưỡng một cuộc sống bình an và trường tồn.
Thứ tư: "Thị phi chi địa, bất cửu lưu", tức: Nơi thị phi, chớ nên ở lại lâu.
Vị hòa thượng nhắc nhở rằng, có những nơi trong cõi trần gian, dù hấp dẫn hay sôi động đến đâu, cũng không nên dừng chân quá lâu – đó là những nơi đầy rẫy thị phi, tranh chấp, và dục vọng.
Những môi trường ấy thường tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường. Nếu không đủ tỉnh táo và bản lĩnh, con người rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đúng sai, hơn thua. Đôi khi, chỉ một bước thiếu suy xét cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, biết tránh xa chỗ thị phi chính là cách bảo vệ tâm trí, thân thể và cuộc sống khỏi những điều bất trắc không đáng có.
Tác giả: Bảo Ninh
-
6 hành vi hạ thấp phẩm giá con người khiến bạn đánh mất chính mình
-
Khi cha mẹ đã không còn anh em ruột thì phải nhớ lấy 3 nguyên tắc này
-
3 thứ tiền Càng Tiêu Càng Giàu, Càng Tiết Kiệm Càng Nghèo
-
Tổ tiên dạy: Muốn biết lòng người rộng hẹp, nhìn 2 dấu hiệu này là rõ
-
5 quy tắc vàng của người Do Thái giúp thành công rực rỡ: biết càng sớm càng giàu nhanh