4 loại gia vị là 'thủ phạm' gây nhồi máu não, muốn tránh hãy ăn ít

( PHUNUTODAY ) - Các loại gia vị này giúp tăng hương vị thơm ngon cho món ăn. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều, nó có thể làm ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Nhồi máu não xảy ra khi một mạch máu não bị tắc nghẽn. Lúc này, dòng máu mang oxy và dưỡng chất lên não bị gián đoạn. Não không được cung cấp oxy và dưỡng chất sẽ rơi vào trạng thái nguy hiểm. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh sẽ gặp các biến chứng như bại liệt, suy giảm trí nhớ, thậm chí là tử vong. Nhồi máu não, còn được gọi là đột quỵ do tắc mạch được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tàn phế và tử vong hiện nay.

Nhiều người cho rằng nhồi máu não chỉ xảy ra với người cao tuổi. Người trẻ tuổi sẽ khó gặp tình trạng này. Tuy nhiên, nhồi máu não không loại trừ bất cứ đối tượng nào. Đặc biệt, nhiều người trẻ hiện nay có thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh khiến tỷ lệ bị nhồi máu não ở độ tuổi thấp càng gia tăng.

Trong các nguyên nhân gây nhồi máu não, ăn uống không lành mạnh là một yếu tố quan trọng. Nhiều người cho rằng việc ăn nhiều chất béo, chất có hại mới làm tăng nguy cơ bị nhồi máu não. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại gia vị dưới đây không đúng cách cũng có thể dẫn đến hiện tượng này.

Đường tinh luyện

Đường tinh luyện tạo ra vị ngọt cho các loại đồ uống, bánh kẹo hoặc được dùng trong các món xào, kho, nấu canh... để tạo ra hương vị cân bằng cho món ăn. Tuy nhiên, đây là loại gia vị mà chúng ta không nên ăn quá nhiều.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 30 gram đường/ngày (khoảng 6-7 thìa cafe đường). Tuy nhiên, nhiều người đang tiêu thụ lượng đường lớn hơn thế rất nhiều. Phần lớn lượng đường này đến từ các món như bánh ngọt, bánh kẹo, trà sữa, nước ngọt và gia vị nêm nếm trong món ăn.

Nạp nhiều đường vào cơ thể không chỉ làm tăng cân, béo phì mà còn khiến huyết áp tăng cao, máu đặc lại và trở nên khó lưu thông hơn. Khi đó, nguy cơ hình thành cục máu đông cũng tăng lên. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhồi máu não.

Đường tinh luyện thúc đẩy phản ứng oxy hóa trong cơ thể. Nó sẽ khiến mạch máu não nhanh lão hóa, dễ bị tổn thương, giảm độ đàn hồi.

Thói quen sử dụng nhiều đường tinh luyện trong ăn uống cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp... Các căn bệnh này đều có thể dẫn tới đột quỵ.

Sử dụng quá nhiều muối và đường đều làm tăng nguy cơ nhồi máu não.

Muối

Muối là loại gia vị quan trọng trong bữa ăn nhưng đang bị nhiều người sử dụng sai cách. Lượng muối mà WHO khuyến nghị sử dụng là dưới 5 gram/ngày (khoảng 1 thìa cafe). Tuy nhiên, nhiều người đang tiêu thụ lượng muối nhiều gấp đôi khuyến cáo này. Muối dưa thừa sẽ làm nước bị giữ lại trong cơ thể, gây tăng huyết áp và làm tăng độ nhớt của máu. Đây là những yếu tố dẫn tới việc hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn lưu thông máu.

Natri (thành phần của muối) dưa thừa trong cơ thể sẽ phá vỡ cân bằng nước - điện giải từ đó gây ra tổn thương đối với thành mạch máu. Mạch máu yếu đi, mất độ đàn hồi lại có cục máu đông hình thành thì có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn bất cứ lúc nào.

Thói quen ăn mặn về lâu dài sẽ khiến cơ thể suy yếu. Điều này rất nguy hiểm đối với những người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Các loại mắm

Các loại mắm cũng là loại gia vị chứa nhiều muối do được ủ từ cá (hoặc một số loại thủy hải sản khác) cùng với muối. Một thìa canh nước mắm khoảng 15ml có thể thể chứa 1200mg natri, bằng 60% lượng natri tối đa nên nạp vào cơ thể mỗi ngày. Việc sử dụng các loại mắm (chủ yếu là nước mắm) vừa nấu vừa chấm sẽ khiến lượng muối đưa vào cơ thể vượt mức cho phép.

Tiêu thụ loại gia vị này quá nhiều sẽ khiến huyết áp tăng, máu đặc hơn, dễ hình thành các cục máu đông.

Thói quen ăn mặn kết hợp với việc ăn nhiều chất béo sẽ càng làm tăng nguy cơ tích tụ các mảng xơ vữa ở thành mạch, làm lòng mạch máu trở nên hẹp hơn và gây ra tắc nghẽn.

Hạt nêm

Hạt nêm là loại gia vị được nhiều người ưa chuộng nhưng nó cũng chứa khá nhiều muối. 1 thìa canh hạt nêm khoảng 8 gram có thể chứa 1500mg natri, bằng 75% lượng natri đối đa mà cơ thể cần trong một ngày.

Nhiều người vừa dùng muối, mắm vừa dùng hạt nêm để nêm nếm cho các món ăn thì tổng lượng natri được đưa vào cơ thể càng cao hơn.

Ngoài ra, các loại hạt nêm còn chứa thêm các chất điều vị, bột ngọt, phụ gia tạo mùi nên càng không tốt cho sức khỏe nếu sử dụng lâu dài. Việc tiêu thụ các chất này thường xuyên có thể gây ra tổn thương đối với thành mạch, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn tới nhồi máu não.

Tác giả: Bích Loan