Hiện nay mọi người có thể cài ứng dụng VNeID tích hợp các giấy tờ ấy trên chiếc điện thoại di động thông minh của mình.
Sau khi cài ứng dụng xong, bà con cần thao tác thêm một số bước để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Việc sử dụng tài khoản này sẽ có giá trị tương đương như CCCD cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và thay thế CCCD trong các hoạt động giao dịch cần xuất trình giấy tờ tùy thân, nên khi CCCD hết hạn thì mặc định tài khoản định danh điện tử cũng sẽ hết hạn.
Vì vậy, bà con cần nhớ các mốc tuổi hết hạn của CCCD là khi chúng ta đủ 25, 40 và 60 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp đổi CCCD mới trong vòng 2 năm trước các mốc tuổi hết hạn thì CCCD sẽ có thời hạn sử dụng đến mốc tuổi tiếp theo. Do đó, khi CCCD hết hạn, bà con phải thực hiện thủ tục cấp đổi theo đúng quy định thì tài khoản định danh điện tử mới có giá trị sử dụng tiếp.
Ngoài trường hợp hết hạn, theo quy định của pháp luật hiện hành tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa trong 4 trường hợp dưới đây:
1. Có yêu cầu của chủ tài khoản định danh điện tử.
2. Chủ tài khoản định danh điện tử đã vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNeID. Trong đó gồm các trường hợp như sử dụng tài khoản định danh điện tử vào các hoạt động và giao dịch trái với quy định của pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc phòng và lợi ích quốc gia cũng như lợi ích công cộng, cùng quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc can thiệp trái phép vào tài khoản định danh điện tử của người khác.
3. Chủ tài khoản định danh điện tử bị thu hồi CCCD, trong trường hợp phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, hoặc đang bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành bản án ‘bóc lịch’...
4. Chủ tài khoản định danh điện tử đã qua đời.
Đối với các trường hợp khóa tài khoản:
- Nếu bà con có yêu cầu thì phải gửi đề nghị đến cơ quan Công an địa phương và trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, họ sẽ giải quyết khóa tài khoản cho bà con. Hoặc có thể làm theo hướng dẫn trên ứng dụng VNeID hay liên hệ tổng đài hỗ trợ 1900.0368.
- Ngược lại nếu việc khóa tài khoản là theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo các trường hợp nói trên thì phải báo cho cơ quan Công an địa phương và chủ tài khoản định danh điện tử biết.
Để mở tài khoản định danh điện tử, bà con cần làm gì?
Tài khoản định danh điện tử chỉ được mở khi có đủ căn cứ chủ tài khoản không còn thuộc các trường hợp trên. Do đó, tùy từng trường hợp bị khóa mà có thể là chủ tài khoản định danh điện tử hoặc cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ gửi đề nghị để yêu cầu mở khóa tới cơ quan Công an để được xem xét và giải quyết. Tương tự, trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan này sẽ giải quyết mở tài khoản định danh điện tử cho chủ tài khoản. Nếu từ chối mở khóa tài khoản thì bắt buộc cơ quan này phải trả lời lý do bằng văn bản.
Hoặc nếu không đến trực tiếp cơ quan chức năng để đề nghị thì bà con có thể liên hệ với tổng đài 1900.0368 để mở tài khoản định danh điện tử.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng tài khoản định danh điện tử, một số bà con cũng gặp rắc rối liên quan đến việc đổi điện thoại mới, do mỗi tài khoản chỉ được dùng mặc định trên một chiếc điện thoại nên lỡ điện thoại hỏng thì họ cũng không thể đăng nhập vào tài khoản định danh điện tử dùng được. Vì vậy để xử lý tình huống này, theo bài đăng trên trang VnExpress hướng dẫn giải quyết như sau:
Đầu tiên, trên chiếc điện thoại mới, bà con cần tải ứng dụng VNeID, rồi đăng nhập bằng số CCCD và mật khẩu của mình. Tại đây, VNeID hiện ra thông báo rằng bà con đang đăng nhập trên thiết bị mới và để tiếp tục thì cần phải thực hiện xác nhận. Tiếp theo, chọn xác thực NFC bằng thẻ CCCD gắn chip. Lúc này, bà con xem hướng dẫn xác thực NFC rồi bấm tiếp tục và đưa điện thoại gần CCCD gắn chip để đọc NFC. Hoàn tất bước đọc, hệ thống sẽ tự động kích hoạt và nhận diện tài khoản định danh điện tử trên điện thoại mới. Cuối cùng, bà con chỉ còn phải chờ mã OTP về điện thoại mới, nhập vào là xong.
Lưu ý thêm là nếu điện thoại không đọc được NFC thì bà con có thể mượn điện thoại khác để thao tác các bước theo hướng dẫn trên rồi lấy OTP để mở trên thiết bị của mình. Tuy nhiên, nhớ là sau khi làm xong, bà con phải vào mục Cá nhân rồi Quản lý thiết bị và Hủy liên kết.
Trường hợp không thể xử lý được thì bà con nên đến trực tiếp cơ quan Công an địa phương để được hỗ trợ giải quyết.
Tài khoản định danh điện tử là gì?
Bộ Công an cho biết, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Theo đó, tài khoản định danh điện tử được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID), do Bộ Công an phát triển.
Tài khoản định danh điện tử để làm gì?
Theo Phòng tham mưu Công an TP.HCM, người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.
Ngoài ra, công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
Tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu; nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo giúp các giao dịch được an toàn.
Điều kiện để đăng ký tài khoản định danh điện tử
Theo Bộ Công an, điều kiện để công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử là các cá nhân đủ 14 tuổi trở lên (đăng ký thông qua ứng dụng định danh điện tử). Cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Khi đăng ký tài khoản, cá nhân cần khai báo đầy đủ các thông tin gồm: số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; họ và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; quốc tịch; số điện thoại; email.
Tài khoản định danh điện tử có những mức độ nào?
Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an TP.HCM), có 2 mức độ tài khoản định danh điện tử.
Cụ thể mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…).
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Quy định mới nhất về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú Hà Nội: Chú ý để không bị thiệt
-
Rút tiền ở cây ATM bị nuốt thẻ: Nhớ nhấn ngay một nút này lấy lại dễ dàng, không sợ mất thẻ
-
Tiền lương hưu cao nhất mà cán bộ hưu trí được hưởng sau tháng 7/2023 là bao nhiêu?
-
Để không mất sạch tiền trong tài khoản: Thấy 3 số này gọi đến hãy cúp máy ngay
-
Từ tháng 7: Người có thẻ BHYT khi đi khám sẽ được hưởng 1 quyền lợi đặc biệt chưa từng có