Thay thế giấy tờ vật lý
Hiện nay sau khi được xác thực, các giấy tờ tùy thân sẽ được hiển thị trong ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Sau khi ứng dụng thống nhất có giá trị toàn quốc, người dân chỉ cần xuất trình một ứng dụng VNeID khi làm những thủ tục hành chính công hay giao dịch dịch vụ. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết VNeID như một ví điện tử giúp tích hợp và hiển thị các giấy tờ cá nhân, hướng tới thay thế giấy tờ vật lý. Thời điểm hiện tại Bộ Công an đã cấp trên 45 triệu tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng VNeID cũng đã phát huy hiệu quả trong việc phục vụ người dân. Bộ Công an đã phối hợp với BHXH Việt Nam tích hợp thông tin thẻ BHYT vào tài khoản dịnh danh điện tử của công dân để người bệnh có thể sử dụng ứng dụng VNeID đã có tích hợp BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cán bộ, ngành ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong giao thông, giao dịch tại ngân hàng.
Giảm thời gian kiểm tra an ninh sân bay
Từ 1/6 đến hết 1/8, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai việc ứng dụng xác thực tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 2 đối với hành khách đi các chuyến bay nội địa tại các cảng hàng không trên cả nước. Tất cả các hành khách đi máy bay các tuyến nội địa đã có thể hưởng lợi từ VNeID, chỉ cần xuất trình thẻ CCCD được mở trên ứng dụng VNeID.
Từ những tháng đầu năm 2023, Cục Hàng không đã chọn sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng) làm nơi thí điểm việc ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt) hành khách đi chuyến bay nội địa. Cụ thể, khi đi qua cửa an ninh, hành khách sẽ đưa CCCD gắn chip qua máy quét, hướng mặt về phía camera chuyên dụng để được nhận diện, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sân bay Nội Bài, Phú Bài cũng lần lượt được chọn để thí điểm công nghệ này.
Các hành khách xuất nhập cảnh Việt Nam cũng có thể hưởng lợi ích từ hộ chiếu điện tử (HCĐT) và phương thức kiểm soát cửa khẩu tự động. Chip điện tử (được tích hợp bên trong trang bìa sau HCĐT) lưu trữ thông tin nhân thân và thông tin sinh trắc học của công dân (gồm cảnh khuôn mặt, vân tay,…) và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu. Tính bảo mật của HCĐT, rất khó sao chép thông tin từ chip, giúp bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân, tránh tình trạng bị làm giả. Chính vì vậy, công dân có HCĐT sẽ được nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Trên thế giới hiện có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng HCĐT.
Sau ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga quốc tế T2 của sân bay Nội Bài, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống quét hộ chiếu tự động. Theo cơ quan chức năng, hệ thống máy quét này sẽ giúp giảm thời gian kiểm tra an ninh xuất nhập cảnh còn 10 - 20 giây/khách. Khi xuất nhập cảnh, khách chỉ việc đặt HCĐT của mình vào khu vực máy quét rồi đứng trước camera để chụp ảnh, nếu được thông qua là được mở cổng cho xuất cảnh hay nhập cảnh. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống quét HCĐT gồm 10 thiết bị nhập khẩu từ châu Âu đã được lắp đặt từ hồi đầu năm 2023 theo đề án của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an). Theo đó, có 5 cổng tự động cho xuất cảnh, 5 cổng cho nhập cảnh và bước đầu chỉ phục vụ cho công dân Việt Nam. Còn người dùng hộ chiếu thường đăng ký thủ công tại sân bay.
Trong lần đầu xuất hoặc nhập cảnh, hành khách phải đăng ký dấu vân tay và thông tin cá nhân tại khu vực kiểm tra an ninh cửa khẩu để đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.