Cây lưỡi hổ
Ngoài tên gọi lưỡi hổ, người ta còn biết đến loại cây này với cái tên cây lưỡi cọp. Không chỉ có vẻ ngoài bắt mắt, cây lưỡi hổ còn có nhiều tác dụng như hút ẩm, hấp thụ chất độc hại, thanh lọc không khí và cải thiện không gian sống. Nhờ vậy mà nhiều người yêu thích và tìm mua lưỡi hổ về trồng trong nhà.
Bên cạnh đó, cây lưỡi hổ cũng rất dễ trồng nên có thể phát triển khoẻ mạnh mà không cần chăm sóc quá nhiều. Bạn có thể trồng lưỡi hổ ở nhiều vị trí trong nhà như phòng làm việc, phòng ngủ...
Cây lưỡi hổ còn có nhiều tác dụng như hút ẩm, hấp thụ chất độc hại, thanh lọc không khí ...
Cây dương xỉ
Không phải ai cũng biết rằng cây dương xỉ là loài có khả năng chịu được sự thay đổi thường xuyên của nhiệt độ và trồng ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm. Đặc biệt, cây dương xỉ có khả năng hấp thụ chất độc, vi khuẩn trong không khí và hút ẩm hiệu quả.
Bên cạnh đó, lá cây dương xỉ có giá trị thẩm mỹ cao nên giúp không gian sống của gia đình bạn thêm phần bắt mắt. Để dương xỉ phát triển tốt, bạn cần tưới cây một lần mỗi ngày và đặt chúng ở nơi có bóng râm, khô ráo và thoáng mát.
Cây lan ý
Lan ý là cây cảnh có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ và một vài nước Đông Nam Á. Loại cây này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cây bạch môn, cây huệ hoà bình, cây vỹ hoa trắng... Cây lan ý có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều môi trường khác nhau như bóng râm, ngoài trời, trồng trong đất hoặc thuỷ sinh...
Cây lan ý với vẻ ngoài có màu trắng lẫn vàng và chụm lại với nhau. Bên cạnh vẻ ngoài đẹp mắt, cây lan ý còn hút ẩm tốt và thanh lọc không khí hiệu quả nên có thể ngăn chặn sự phát triển của mốc và nấm.
Cây lan ý có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều môi trường khác nhau.
Cây thiết mộc lan
Thiết mộc lan nổi bật với những chiếc lá màu xanh, vừa dài vừa bóng mượt. Phần giữa của cây cảnh này cũng có sọc rộng vàng đặc trưng và chiều dài của lá lên đến 100cm.
Trong phong thuỷ, thiết mộc lan chính là cây cảnh mang đến may mắn, giàu sang cho gia chủ. Không những vậy, thiết mộc lan nở hoa chính là điềm báo “Thần Tài” đến. Không những vậy, cây thiết mộc lan có tác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ những chất độc hại như benzen, formallhelyde... nên bạn có thể trồng trong nhà để cải thiện chất lượng không khí và giúp không gian sống trong lành, mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu cho các thành viên trong nhà.
Cây thiết mộc lan có tác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ những chất độc hại.
Cây trầu bà
Vốn là cây thân thảo phổ biến, cây trầu bà là dạng leo, lá đơn và có cuống hình trái tim. Vì hình dáng của cây khá giống với cây trầu dùng để ăn kèm cau nên người ta gọi chúng bằng cái tên trầu bà. Trầu bà thường được trồng vào những chậu cao vì có phần thân buông thõng.
Trầu bà là cây dễ trồng, dễ chăm và dễ thích nghi với các môi trường khác nhau, nhất là nơi bóng râm. Vì cây cảnh này ưa nước nên bạn cũng có thể trồng theo phương pháp thuỷ sinh. Nhiều người trồng trầu bà trong nhà để làm sạch không khí, loại bỏ độ ẩm nên không gian sống lúc nào cũng khô ráo, thoáng đãng.
Tác giả: Minh Thu