Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, ô tô không có đủ gương chiếu hậu là sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.
Nhưng với xe máy vi phạm, người điều khiển phương tiện chỉ bị phạt khi điều khiển xe mà không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng.
Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với việc điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
Điều này đồng nghĩa rằng, người điểu khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ không bị xử phạt.
Đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai
Khoản 3 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đều nghiêm cấm người điều khiển xe máy, xe đạp đi xe dàn hàng ngang. Nếu vi phạm, người điều khiển xe máy, xe đạp sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP lại chỉ quy định về mức phạt đối với xe đạp, xe máy đi dàn hàng ba trở lên. Cụ thể:
- Đi xe máy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên: Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
- Đi xe đạp dàn hàng ngang 03 xe trở lên: Phạt từ 80.000 - 100.000 đồng.
Quy định hiện hành chưa có mức phạt cụ thể dành cho hành vi đi xe dàn hàng hai. Điều này đồng nghĩa rằng hành vi đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai sẽ không bị xử phạt vi phạm giao thông.
Đeo tai nghe khi điều khiển ô tô
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ yêu cầu người điều khiển xe mô tô, xe máy không sử dụng thiết bị âm thanh khi tham gia giao thông mà không yêu cầu người điều khiển ô tô thực hiện.
Mặt khác, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng không quy định về mức phạt đối với hành vi điều khiển ô tô mà sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông.
Do đó, việc sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông bằng ô tô không bị coi là hành vi vi phạm hành chính nên sẽ không bị xử phạt vi phạm.
Buông cả hai tay khi lái ô tô
Nếu như đối với xe máy, việc buông cả hai tay khi điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt thì đối với ô tô, pháp luật hiện nay chưa có chế tài với hành vi này của người điều khiển phương tiện.
Đi xe máy bằng một tay
Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người điều khiển xe máy, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy thực hiện hành vi buông cả hai tay khi điều khiển xe hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
Trong khi đó, hành vi đi xe máy bằng một tay cũng rất nguy hiểm nhưng lại không có điều khoản nào đặt ra mức phạt. Do vậy, việc đi xe máy bằng 01 tay sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, người điều khiển xe máy cũng không nên thực hiện hành vi này trừ trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác.
Tác giả: Mộc
-
Sang tên Sổ đỏ 2024: Chi tiết mức nộp, hạn nộp phí, lệ phí trước bạ
-
Từ năm 2024: Trường hợp này không sang tên Sổ Đỏ sẽ bị phạt lên tới 20 triệu đồng, ai cũng nên biết sớm
-
6 quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2024, người dân cần biết
-
Năm 2024: Người đi xe máy phạm 6 lỗi này chỉ bị nhắc nhở, không bị CSGT xử phạt, ai cũng nên biết
-
Mua nhà ở xã hội năm 2024: Người dân được hưởng thêm quyền lợi gì?