5 việc gấp cần làm sau khi cúng ông Công ông Táo để TRỌN VẸN lòng thành, cầu được ước thấy

( PHUNUTODAY ) - Các chuyên gia phong thủy cho rằng: Trong 7 ngày ông Công, ông Táo vắng mặt, mỗi gia đình nhất định phải làm 5 việc sau để cầu may mắn, rước lộc về nhà:

1. Dọn dẹp lại bàn thờ

Thông thường, trong lễ cúng tiễn Táo quân về trời, gia chủ sẽ xin phép được dọn dẹp bàn thờ và nếu cẩn thận hơn còn mua cả hoa quả, bánh kẹo về để xin phép thần linh.

Người thực hiện công việc này thường là chủ sự gia đình, có tính cẩn thận, tỉ mỉ và chu đáo. Đầu tiên, họ sẽ hạ bát hương xuống, để ở nơi sạch sẽ, tránh va chạm và phủ 1 tấm vải đỏ lên khi lau dọn.

Sau 1 năm bị bụi bẩn bám đầy, bạn phải dùng khăn và nước sạch lau dọn thật kỹ để nơi trang nghiêm này được thanh tịnh, thơm tho, đón chào năm mới.

2. Tỉa chân nhang và thay tro bát hương nếu cần thiết

1 năm gia đình nào cũng thắp hương vào ngày giỗ chạp, rằm, mùng 1 nên lượng chân nhang trong bát hương sẽ rất nhiều, vừa gây mất thẩm mỹ lại có thể là nguyên nhân dẫn tới việc cháy bát hương. Bởi thế, bạn có thể nhẹ nhàng tỉa bớt chân nhang và chỉ để lại số chân nhang lẻ là: 3,5,7,9 ( số lẻ tượng trưng cho phần âm). Số chân nhang thừa sau khi làm lễ xong có thể mang đi đốt.

Khi thay tro bát hương, 1 số người sẽ mua rơm nếp về đốt lấy tro hoặc mua tại các cửa hàng bán đồ thờ cúng. Tuy nhiên, trong quá trình thay tro, cần giữ lại phần cốt của bát hương là đá hoặc kim loại quý. Tro thừa nên mang rắc ở sông, suối.

3. Làm lễ mời Táo quân an vị vào ngày cuối năm và cúng tất niên

Nhiều người thường gộp luôn mâm cúng tất niên cùng với lễ mời Táo quân an vị và làm lễ cúng vào trưa 30 Tết hoặc buổi tối nếu gia đình có người đi làm ăn xa về muộn.

Khi đó, nhà cửa, bàn thờ đã được dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng và chỉ cần lễ mời Táo quân, thần linh an vị diễn ra suôn sẻ để mong năm mới được như ý muốn nữa là xong.

4. Trang trí lại nhà cửa

Cuối năm cũ, việc dọn dẹp lại nhà cửa và loại bỏ những đồ vật không còn dùng đến, đã cũ, hỏng như quần áo, giày dép, bát đũa, ghế, đồng hồ chết… như 1 cách để xua đuổi tà khí và dọn chỗ để đón luồng vượng khí mới, may mắn vào nhà.

Đặc biệt, vào 11h trưa ngày 30 Tết nên thắp 3 ngọn nến trước tượng 3 ông Phúc – Lộc -Thọ hoặc các vật phẩm phong thủy trong nhà để cầu tài lộc, bình an và sức khỏe.

5. Mở rộng cửa và bật hết đèn cho ngôi nhà thật sáng sủa

Đêm 30 Tết và đặc biệt là thời khắc chuẩn bị giao thừa, bước sang năm mới nên mở cửa càng lớn càng tốt, bật hết đèn điện trong nhà cho thật sáng sủa để đón luồng sinh khí mới, mang đến sức sống và tài lộc cho cả nhà.

Nếu lúc này mà để đèn điện tối om, cửa đóng kín mít thì cả năm sau đó sẽ gặp toàn chuyện không hay do dư khí từ năm cũ vẫn còn tồn đọng và không thể đón nhận nguồn vượng khí của năm mới.

Những điều cần lưu ý trong ngày cúng ông Công ông Táo

Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.

Tuy nhiên, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.

Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ.

Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

Những lễ vật dùng để cúng ông Táo như mũ, áo, giày, giấy tiền vàng mã sẽ được hóa sau khi nửa tuần hương cháy hết. Hóa vàng xong và hương khi đã cháy hết, gia đình sẽ mang cá chép ra sông hoặc hồ để thả.

(Bài viết mang tính tham khảo)

Tác giả: Mộc