6 kiểu người dễ bị đào thải ở nơi công sở

( PHUNUTODAY ) - “Cuộc sống nếu bạn không tiến lên thì sẽ thụt lùi” câu nói này càng chân thực ngay trong thời đại hội nhập hiện nay. Nếu giữ mãi tư tưởng sau, bạn sẽ khó tránh bị đào thải.

Có thể trước đây, chỉ cần biết một nghề nào đó, chăm chỉ làm việc ở một cơ quan nào đó thì bạn có thể yên tâm “sống qua ngày” đến hết đời. Nhưng xã hội bây giờ cần ở bạn nhiều hơn thế, nhịp sống nhanh và sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật đòi hỏi bạn phải thay đổi, tiến bộ. Bạn có đang vướng phải những nguy cơ sẽ bị đào thải?

Người hay phàn nàn về sếp

Bạn không bao giờ biết chắc người đang lắng nghe bạn có phải là người đáng tin cậy hay không. Chính vì thế, bạn đừng bao giờ phàn nàn hay nói xấu sếp của mình ở bất cứ đâu nơi công sở. Vì nếu chỉ nhận được một lời đồn thổi về điều tiếng này, thì sếp của bạn chắc chắn sẽ không bao giờ vui. Và người chịu thiệt thòi chính là bạn đấy.

Người hay giận dữ thái quá tại nơi làm việc

Đôi khi, giận dữ tại nơi làm việc là một cảm xúc hoàn toàn bình thường khi bạn thất vọng về một việc hay một người nào đó. Song để đến mức bạn phải hét lên, đập cửa hoặc lao vào đánh nhau với người kia thì đó là một việc rất mất hình ảnh. Bởi vì thực tế, có khi chỉ qua một sự cố nhỏ như thế này nhưng danh tiếng của bạn có thể bị hủy hoại hết. Nhiều người sẽ dè chừng và không muốn làm việc với kẻ mất kiểm soát như bạn.

Người giữ mãi những tri thức cũ

Ngày nay, tốc độ cập nhật tri thức càng ngày càng nhanh, chu kỳ tăng tiến của lượng tri thức càng ngày càng rút ngắn lại. Thập niên 60 của thế kỷ XX, chu kỳ này là 8 năm, đến thập niên 70 đã giảm còn 6 năm, và đến thập niên 80 thì chỉ còn 3 năm, từ sau thập niên 90 thì cứ một năm tăng trưởng gấp một lần. Con người đang thực sự bước vào thời đại bùng nổ tri thức.

Sống trong thời đại này, bất kỳ người nào cũng phải không ngừng học tập, cập nhật tri thức, nếu bạn chỉ muốn dựa vào những tri thức có được trên ghế nhà trường để “ứng phó” với cả một đời thì hoàn toàn không thể được. Trước đây, chúng ta lý giải cho “giáo dục trọn đời” chính là một người từ lúc bắt đầu đi học cho đến tuổi về hưu phải luôn tiếp nhận sự giáo dục; song hiện tại, khái niệm này cần phải được định nghĩa lại, “giáo dục trọn đời” phải tiến hành xuyên suốt từ lúc con người còn nằm trong nôi cho đến khi “trở về cát bụi”. Chính vì vậy, trong xã hội hiện nay, nếu bạn chỉ biết ôm những khái niệm còn bảo thủ và khiếm khuyết, chỉ biết giữ những tri thức cũ kỹ không chịu đổi mới thì bạn sẽ là người gặp nhiều phiền phức trong công việc, tiền đồ sự nghiệp của mình đấy.

Người chỉ có kỹ năng đơn nhất

Một người chỉ biết làm một công việc duy nhất, nếu thay đổi cương vị khác thì hoàn toàn “mù tịt” thì sau khi bước vào thời kỳ hội nhập sẽ không thể sống một cuộc sống thật tốt được. Cùng với sự hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Tìm việc - nghỉ việc - rồi lại tìm việc - rồi lại nghỉ việc đã trở thành chuyện không hiếm thấy nữa. Nếu muốn tránh tình trạng trở thành “vật sơ cua” ở nơi làm việc, cách duy nhất là bạn phải học thông thạo nhiều hơn một nghề và kỹ năng phải càng phong phú hơn. Chỉ có như vậy, bạn mới không lâm vào cảnh “bị treo chết trên một cành cây”, cho dù có mất việc trong lòng cũng không hoảng loạn bởi vì bạn hoàn toàn có thể tìm được cơ hội khác. Nếu như nói, trong tương lai, những kiểu người “đa năng” sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt, còn người chỉ chuyên một kỹ năng sẽ bị lạnh nhạt dần cũng không có gì lạ, đây cũng là chuyện tất yếu trong thời hội nhập này.

Người có tâm lý yếu đuối

Gặp một chút khó khăn đã lùi bước, có một chút không thuận lợi thì tinh thần xuống dốc thảm hại, những người như thế chắc chắn sẽ có những ngày tháng tồi tệ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Do nhịp sống ngày càng nhanh, áp lực cạnh tranh càng lớn, người có trở ngại tâm lý hoặc bệnh tâm lý dần dần tăng lên. Tinh thần khẩn trương, tâm lý yếu đuối đã trở thành “căn bệnh hiện đại” trong cuộc sống đô thị. Vì vậy, bất luận là bạn đang làm việc hay đang tìm việc cũng phải tự rèn năng lực chịu đựng tâm lý mạnh mẽ hơn, nâng cao “sức đề kháng” của mình. Sống trong xã hội hiện nay, nếu không có một sức mạnh không chịu thua, không có một sức bền không sợ khó thì quả là không thể nào tồn tại vững chãi được.

Người có tầm nhìn ngắn

Tầm nhìn ngắn khó mà thành đại sự, cũng như một câu nói rất hay: “Bạn có thể nhìn được bao xa thì bạn sẽ có thể đi được bao xa”. Sự trưởng thành của một tổ chức cần phải quy hoạch; sự trưởng thành của một con người cần phải thiết kế. Người có “thiết kế” cho cuộc sinh nhai của mình trong tương lai ắt thành công và ngược lại, nếu cứ sống với tâm thế “được ngày nào hay ngày nấy”, “chỗ nào sống được thì sống”, chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ ngay dưới mũi của mình thì bạn đừng trông mong vào một chút thành tựu nào ngày sau cả.

Tác giả:

Tin nên đọc