6 thói quen dùng Facebook cần phải thay đổi để tránh bị lợi dụng thông tin, lừa đảo

( PHUNUTODAY ) - Nếu không muốn trở thành mục tiêu của tội phạm mạng, người dùng cần phải thay đổi những điều này khi sử dụng Facebook ngay lập tức.

Liên kết ứng dụng bừa bãi

Kết nối ứng dụng và game với tài khoản mạng xã hội rất tiện cho giải trí nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Các game mới trên Facebook thường đòi hỏi quyền truy cập vào danh sách liên lạc, ngày sinh nhật, lịch sử công việc, và nhiều thông tin cá nhân khác.

Thậm chí có những game yêu cầu quyền truy cập không hề liên quan tới tính năng của game đó. Nếu chấp nhận tất cả các yêu cầu này, vô tình chung bạn đã mở toang cánh cửa cho kẻ xấu lọt vào nhà.

Số điện thoại

Nhiều người thường sử dụng email hoặc số điện thoại cá nhân để kích hoạt tính năng xác thực hai lớp và xác minh tài khoản. Tuy nhiên, người dùng không nên công khai (public) số điện thoại để tránh bị người khác đánh cắp và bán dữ liệu cho bên thứ ba.

Để hạn chế tình trạng trên, bạn hãy truy cập vào trang Facebook cá nhân, nhấn vào mục About (giới thiệu) > Mobile Phones (số điện thoại) > Edit (chỉnh sửa), sau đó thiết lập lại thành Only Me (chỉ mình tôi).

Ngày sinh của bạn

Khi thêm thông tin ngày sinh vào hồ sơ trên Facebook, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời chúc mừng sinh nhật từ bạn bè, người thân… Tuy nhiên, kẻ gian có thể thu thập những thông tin này để giả mạo và lừa đảo bạn bè của bạn.

Để vô hiệu hóa, người dùng hãy truy cập vào trang Facebook cá nhân, chọn About (giới thiệu) và chỉnh sửa thông tin ngày tháng năm sinh về chế độ Only me (chỉ mình tôi) hoặc xóa hoàn toàn khỏi Facebook. 

Nhấp vào tất cả các liên kết

Thói quen này không sớm thì muộn cũng khiến người dùng lao đao. Liên kết (link) là cách thông dụng nhất để hướng người dùng tới các trang web độc hại.

Các đường link có thể được gửi qua e-mail, tin nhắn mạng xã hội, dạng quảng cáo bật ra, thậm chí còn có cả trang web đăng nhập Facebook giả mạo được thiết kế như thật.

Nhấp vào tất cả đường link này hoặc đăng nhập không suy nghĩ vào các trang web lừa đảo là con đường ngắn nhất đánh mất tài khoản mạng xã hội và thông tin cá nhân của bạn.

Bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo

Tương tự, việc bỏ qua các cảnh báo truy cập không mong muốn vào tài khoản, tự làm theo e-mail reset mật khẩu mà bản thân không yêu cầu, hoặc bạn bè báo Facebook của bạn có status lạ cũng rất dễ mất tài khoản.

Đừng chờ tới khi kẻ xấu đã chiếm tài khoản bạn mới để tâm tới các biện pháp trên. Ngoài ra, cũng cần lưu ý không chia sẻ thông tin nhạy cảm, không cung cấp thông tin tài khoản cho người khác, và không quá dễ dàng kết bạn với người lạ trên mạng xã hội.

Buông lỏng tài khoản e-mail

Mỗi cá nhân thường sử dụng một địa chỉ e-mail để đăng nhập vào nhiều trang web trên mạng, gồm mạng xã hội, trang việc làm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, các tài nguyên, dịch vụ hỗ trợ online… Nếu địa chỉ e-mail này bị mất, kẻ xấu sẽ có cách chiếm quyền tất cả các tài khoản trên.

Việc buông lỏng quản lý e-mail khi không dùng phương pháp xác thực hai bước, không sử dụng các công cụ tăng cường bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ e-mail, hoặc không trả lời các câu hỏi thông tin cá nhân để lấy lại mật khẩu rất dễ khiến e-mail bị đánh cắp.

Tác giả: NTNL