7 nơi bẩn nhất trong bếp của bạn, có những chỗ không ai ngờ đến

( PHUNUTODAY ) - Không nói quá khi có thể coi phòng bếp là trái tim của một ngôi nhà. Vì được sử dụng thường xuyên nên đó cũng là lý do tại sao nó lại là nơi bẩn nhất.

Hàng ngày trong quá trình chuẩn bị thức ăn, bạn đã chạm vào rất nhiều thứ như quầy bếp, tay cầm các ngăn kéo, lò vi sóng, bồn rửa, miếng bọt biển rửa bát, v.v. Việc tiếp xúc này là thường xuyên, vì vậy điều quan trọng là phải khử trùng chúng hàng ngày hoặc vài lần một tuần để tránh vi khuẩn tích tụ và lây nhiễm chéo.

Dưới đây là những nơi được cho là bẩn nhất trong phòng bếp của bạn và cách làm sạch chúng đúng cách:

1. Các núm ngăn kéo, kệ và tay cầm các thiết bị

Mỗi thiết bị trong nhà bếp của bạn như lò vi sóng, lò nướng, máy xay… đều có các loại bảng điều khiển hoặc tay cầm được chạm vào mỗi khi sử dụng. Bạn cần nhớ là phải rửa tất cả các núm, nút hoặc bảng điều khiển đó hàng tuần vì chúng thường bị bỏ qua khi chúng ta vệ sinh kỹ lưỡng cho nhà bếp của mình. Đặc biệt nếu bạn chạm vào nó khi nấu hoặc xử lý thực phẩm sống, sẽ có rất nhiều vi trùng và chất bẩn bám lại.

Các núm kệ, tay cầm cần được tẩy rửa thường xuyên

Ngoài ra, đảm bảo làm sạch các tay kéo tủ bếp, tay cầm thiết bị và bảng điều khiển bằng khăn lau khử trùng hoặc chất tẩy rửa khử trùng dạng xịt với khăn vải hoặc khăn giấy sạch.

2. Bồn rửa

Đừng nghĩ rằng khi sử dụng bồn rửa, nước sẽ làm sạch được nó. Vì khả năng cao là vi khuẩn vẫn có thể ẩn nấp trên bề mặt, đặc biệt là ở các kẽ hở nơi bồn rửa nối với quầy bếp, xung quanh chỗ xả và khay xử lý rác. Bồn rửa nên được khử trùng sau mỗi lần chuẩn bị bữa ăn, rửa bát hoặc ít nhất một lần mỗi ngày. Cũng nên lưu ý vệ sinh cả tay cầm, vòi nước cũng như khu vực quầy bếp gần bồn rửa. Hãy sử dụng chất tẩy rửa bồn rửa chuyên biệt và khăn sạch hoặc khăn lau khử trùng dùng một lần.

3. Miếng bọt biển rửa bát, bàn chải và khăn lau bát đĩa

Nhiều gia đình sử dụng miếng bọt biển rửa bát, bàn chải chà bồn rửa và khăn lau bát đĩa bằng vải. Nhưng thực tế, miếng bọt biển nhà bếp và bàn chải làm sạch chứa hàm lượng vi khuẩn cao nếu không được rửa và khử trùng đúng cách. Nếu bạn sử dụng những sản phẩm này, bạn nên rửa chúng bằng nước nóng sau mỗi lần chuẩn bị bữa ăn hoặc dọn dẹp.

Làm sạch miếng rửa bát, bàn chải sau mỗi lần sử dụng

4.Tủ lạnh

Ngoài những vi khuẩn có thể tồn tại trên tay cầm và bảng điều khiển của tủ lạnh, một số vi khuẩn khá có hại vẫn có thể phát triển bên trong tủ lạnh của bạn, bất chấp nhiệt độ lạnh thế nào.

Hầu hết các loại trái cây và rau quả sẽ tươi lâu hơn nếu để nguyên, không rửa sạch trước khi bảo quản. Để tránh vi khuẩn xâm nhập, bạn phải rửa ngăn kéo đựng chúng thường xuyên để tránh ô nhiễm sau này, vì cặn thức ăn hoặc vi khuẩn có thể bám vào trong những khay đựng đó. Điều tương tự cũng xảy ra với thịt sống bảo quản trong tủ lạnh. Thịt cá và các thực phẩm sống còn có thể rò rỉ nước từ chúng, mang đến nhiều vi khuẩn hơn gấp nhiều lần.

Để loại bỏ các loại vi khuẩn cũng như nấm men và nấm mốc có thể phát triển ở trong tủ lạnh, hãy tháo các ngăn kéo hoặc kệ tủ lạnh hàng tháng và rửa bề mặt bằng chất tẩy rửa nhẹ và nước nóng hoặc ấm. Lau khô bằng vải sạch hoặc khăn giấy.

5.Thớt

Thớt, đặc biệt là thớt gỗ, có thể chứa vi khuẩn ở những thớ gỗ thậm chí chỉ sau một lần sử dụng. Bạn nên có ít nhất hai thớt riêng biệt: một thớt dành cho trái cây và rau quả và một thớt dành cho thịt. Điều này sẽ làm giảm sự lây nhiễm chéo trong quá trình chuẩn bị bữa ăn.

Bạn hãy rửa từng thớt sau mỗi lần sử dụng bằng nước nóng và nước rửa bát. Sau đó lau khô hoàn toàn bằng khăn giấy hoặc khăn lau bát đĩa sạch. Đừng để thớt tự khô vì vi khuẩn thích môi trường ấm áp và ẩm ướt.

6.Máy pha cà phê, máy xay sinh tố, máy làm sữa hạt và thiết bị nhỏ

Ngay cả nước sạch sau khi rửa, đọng lại trong các ngóc ngách của các loại máy móc và thiết bị nhỏ cũng có thể tạo ra môi trường phát triển hoàn hảo cho vi khuẩn, nấm men và nấm mốc.

Cần rửa sạch, làm khô từng bộ phận của các thiết bị bếp để tránh vi khuẩn xâm nhập

Một số thiết bị nhỏ phải được làm sạch sau mỗi lần sử dụng. Hãy tháo rời và vệ sinh kỹ lưỡng từng phần của các thiết bị nhỏ. Chúng nên được rửa bằng nước rửa bát và xả sạch bằng nước nóng, sau đó sấy khô hoàn toàn.

7.Mặt bàn bếp

Đừng bỏ bê quầy bếp của bạn — đó là nơi chúng ta thường đặt ví, túi mua sắm và các vật dụng khác và là nơi chuẩn bị thức ăn các bữa. Bạn hãy lấy khăn lau khử trùng hoặc khăn vải sạch và nước xịt khử trùng rồi lau chùi trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc ít nhất một lần mỗi ngày.

Ít nhất hàng tuần, hãy dành thời gian để lau sạch các góc, dưới các thiết bị nhỏ và các khe dọc theo các cạnh giữa bếp hoặc tủ lạnh và mặt bàn. Bởi đó là nơi vi khuẩn có thể bám vào và gây hại cho sức khỏe của bạn.

Tác giả: Thảo Linh