Khi nhắc đến đau đẻ, kể cả người từng trải qua rồi lẫn người chưa đều “lắc đầu lè lưỡi”. Ai cũng hi vọng mình là người may mắn có thời gian chuyển dạ nhanh, bé yêu chào đời sớm. Đồng ý rằng việc chuyển dạ nhanh hay chậm là do cơ địa của mỗi người, tuy nhiên, một số mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp các mẹ vượt cạn dễ dàng hơn đấy. Các mẹ cùng tham khảo nhé.
Tập thể dục
Gần như tất cả các bộ phận trên cơ thể bạn sẽ phải tham gia vào quá trình sinh con. Và rất có thể bạn sẽ thấy căng thẳng, “tim đập, chân run” hơn khi không có đủ thể lực. Bởi thế, trong thời gian mang thai, điều quan trọng với các mẹ bầu là giữ cho cơ sàn chậu khỏe mạnh. Tập thể dục để tăng sự linh hoạt của các cơ vùng chậu giúp chuyển dạ nhanh chóng hơn là “bí kíp” được nhiều chị em mách nhau.
Đơn giản thôi, hãy cùng chồng hoặc bạn bè, người thân đi bộ một cách nhẹ nhàng và đều đặn vào buổi tối hoặc tập một vài động tác yoga phù hợp có thể đem lại cho bạn những điều kỳ diệu, giúp giảm bớt thời gian “lao động” hiệu quả.
Uống nước dứa
Trong dứa tươi hoặc nước ép dứa tươi có nhiều dưỡng chất như vitamin A, C, kali, magiê…. Điển hình nhất phải kể tới chất bromelain trong dứa tươi có tác dụng làm mềm tử cung.
Chính vì điều này mà việc các mẹ bầu ăn dứa hoặc uống nước ép dứa tươi được biết đến như là một liều thuốc tự nhiên để giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Liều thuốc này đặc biệt cần thiết với những mẹ bầu đã quá ngày sinh nở.
Tuy nhiên mẹ bầu chỉ nên ăn dứa trong 1 vài tuần cuối thai kỳ, còn trong thời kỳ đầu mang thai, mẹ bầu không nên uống nhiều nước dứa đâu nhé. Bởi vì chất bromelain có tác dụng làm mềm tử cung có thể dẫn tới tiêu chảy rất khó chịu cho các phụ nữ mang thai.
Ăn chè vừng đen
Trong vừng đen có chứa dầu, protein, nhiều vitamin E, axit folic. Ngoài ra hạt vừng đen có tác dụng chữa nhiều bệnh và tăng cường dinh dưỡng, bổ máu, làm đẹp da, mượt tóc, trị chứng thiếu máu, chóng mặt, giúp tiêu hóa tốt.
Vừng đen không hề khó kiếm, đem nấu với sắn dây thành món chè vừa dễ ăn lại vừa thơm ngon. Mẹ bầu có thể ăn hàng sáng hoặc 3 lần/tuần, nhưng chú ý chỉ nên bắt đầu ăn từ tuần thai thứ 34-35 nhé. Mỗi lần các mẹ chỉ cần ăn 1 bát ăn cơm là đủ.
Rau lang luộc
Rau lang không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, là “kẻ thù” của táo bón và trĩ mà còn có tác dụng giúp mẹ bầu sinh thường dễ dàng hơn. Ăn rau lang luộc thường xuyên trong những tuần cuối thai kỳ cho đến khi xuất hiện cơn đau chuyển dạ sẽ giúp cổ tử cung mở nhanh hơn và giảm thời gian đau đẻ.
Ngoài ra, sau khi sinh xong, ăn rau lang còn giúp sản phụ có nhiều sữa cho bé yêu bú nữa đấy. Các mẹ cùng thử xem sao nhé.
Chọn tư thế sinh nở
Mang thai cũng giống như một cuộc chạy đua marathon, vào cuối chặng đường, bạn cần phải có một cuộc bứt phá phù hợp để cán đích nhanh chóng, an toàn. Duy trì đúng tư thế là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn “vượt cạn” thành công. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ca sinh nở, các bác sĩ khuyên bạn nên đứng thẳng khi chuyển dạ. Việc đứng để sinh con giúp đầu bé chúc xuống một cách tối đa, tạo áp lực lên tử cung. Tư thế này cũng khiến các cơn co xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh hơn.
Khi đứng, mẹ bầu có thể dựa vào chồng hoặc người thân, hai tay vòng qua cổ chồng/ người thân. Khi cơn đau đến, mẹ bầu nhẹ nhàng lắc lư người như đang nhảy múa chậm và nhờ chồng/ người thân mat-xa lưng.
Đừng căng thẳng
Cảm giác vừa căng thẳng, vừa hồi hộp, vừa thú vị khi sinh là điều dễ nhận thấy ở các mẹ bầu, nhưng quan trọng là hãy giữ bình tĩnh và thư giãn. Stress hay suy nghĩ và lo lắng viển vông sẽ càng làm cơn đau đẻ nghiêm trọng hơn, bởi cơ thể không được thả lỏng và quá trình hô hấp cũng trở nên khó khăn hơn.
Nghĩ lại những khoảnh khắc hạnh phúc hay nghe nhạc nhẹ nhàng và thoải mái nói ra những tâm tư của mình với người thương yêu bên cạnh sẽ giúp bạn có tư duy tích cực, thả lỏng và “cán đích” nhanh chóng.
Luyện thở theo nhịp
Khi những cơn co thắt bắt đầu xuất hiện, mẹ bầu cần duy trì việc thở theo nhịp. Lấy hơi nhanh từ 2-3 giây/ lần bằng mũi và thở sâu ra bằng miệng. Hoạt động này sẽ giúp làm giảm các cơn đau co thắt và khiến việc sinh đẻ diễn ra suôn sẻ, bớt tốn sức và tốn thời gian hơn.
Tác giả: