Quốc hội thông qua Luật Căn cước
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Căn cước cho thấy, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Căn cước trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.
Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Từ ngày 1/7/2024, đối tượng nào phải đổi sang thẻ căn cước?
Theo Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi;
- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
- Xác lập lại số định danh cá nhân;
- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Tại Điều 46 Luật Căn cước 2023 cũng quy định:
- Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 46 Luật Căn cước 2023. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
- CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
- Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Như vậy, không bắt buộc người dân phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước mà chỉ những người thuộc trường hợp cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023.
Theo đó, người dân có thể tiếp tục sử dụng thẻ CCCD đến khi hết hạn, nếu công dân có nhu cầu thì vẫn được cấp đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
So với thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước có thay đổi gì?
Theo Khoản 2, Điều 18 Luật Căn cước 2023 quy định về thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc";
- Dòng chữ "CĂN CƯỚC";
- Ảnh khuôn mặt;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh;
- Quốc tịch;
- Nơi cư trú;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;
- Nơi cấp: Bộ Công an.
Người được cấp thẻ căn cước theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 bao gồm:
- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Như vậy, khi đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước, tuy không đổi số thẻ đã cấp nhưng mẫu thẻ căn cước được cấp từ ngày 1/7/2024 sẽ có một số thay đổi:
- Tên thẻ đổi từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
- Thông tin chủ thẻ:
+ Cấp cho cả người dưới 14 tuổi;
+ Quê quán đổi thành Nơi đăng ký khai sinh;
+ Nơi thường trú đổi thành Nơi cư trú;
+ Không còn thể hiện dấu vân tay.
- Chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đổi thành Nơi cấp: Bộ Công an.
Làm thẻ căn cước có mất phí?
Khoản 2, Điều 38 Luật Căn cước quy định: "Công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu".
Như vậy, đối với các trường hợp công dân lần đầu được cấp thẻ căn cước thì không phải nộp lệ phí.
Thẻ căn cước được bảo mật thế nào?
Chia sẻ trên NLĐO, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cho người dân được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm không bị lộ, lọt dữ liệu.
Cấp căn cước cho trẻ từ 0 - 6 tuổi như thế nào?
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Bộ Công an đang xây dựng Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước theo hướng sẽ có 2 mẫu thẻ căn cước bao gồm một mẫu thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 0 - 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt, vân tay).
Việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0 - 6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp. Cụ thể người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).
Trong trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước cũng không thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Chỉ có 5 trường hợp vượt đèn đỏ nhưng không bị CSGT xử phạt: Ai cũng nên biết kẻo thiệt thòi
-
Duy nhất 1 đối tượng được tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, là ai?
-
Trong năm 2024: Người lao động sẽ mất 4 khoản tiền rất lớn nếu chọn rút BHXH 1 lần
-
Kể từ nay trở đi: Người dân vượt đèn đỏ trong tình huống này không bị xử phạt, nắm lấy dùng khi cần thiết
-
Người vi phạm điều này sẽ bị tịch thu nhà ở xã hội trong năm 2024: Người dân nên biết kẻo thiệt thòi