Bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho hay dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính gồm 5 chương, 25 điều, đưa ra các điều kiện để được công nhận đã chuyển đổi giới tính. Dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Nếu được thông qua, dự thảo luật này sẽ tạo được hành lang pháp lý cho hàng trăm ngàn người chuyển giới ở nước ta.
Từ 18 tuổi trở lên mới được chuyển giới
Dự thảo quy định người chuyển đổi giới tính là người có giới tính sinh học hoàn thiện, có nhận diện giới khác với giới tính khi sinh ra và đã được can thiệp y học để chuyển giới. Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục.
Điều kiện để người chuyển giới được can thiệp y học là trên 18 tuổi, độc thân, có đủ sức khỏe và không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục. Ban soạn thảo cho rằng người trên 18 tuổi đã có đầy đủ năng lực hành vi để tự quyết định việc chuyển giới. Tình trạng độc thân nhằm đảm bảo "quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân và gia đình, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi". Khi đăng ký thay đổi hộ tịch, người chuyển giới cần có giấy công nhận đã can thiệp y học chuyển giới.
Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Hương Giang trong sự kiện “Lắng nghe người chuyển giới”
Giải trình của Bộ Y tế gửi Chính phủ, quy định người chuyển giới được pháp luật công nhận khi đã phẫu thuật chuyển đổi, là một trong ba giải pháp được lấy ý kiến. Giải pháp khác là người chuyển giới không cần can thiệp về y học mà chỉ cần có xác nhận đã kiểm tra tâm lý cũng được công nhận. Một phương án nữa là ngoài kết quả kiểm tra tâm lý xác định khác giới tính hiện có thì đã điều trị nội tiết tố sinh dục 1-2 năm trở lên.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết tại Việt Nam, theo các nghiên cứu, khoảng 300.000-500.000 người có nhu cầu chuyển giới và đã ra nước ngoài chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển giới, song chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển giới. Luật Hôn nhân và Gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Luật Hộ tịch; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự... chưa có quy định đối với người chuyển đổi giới tính.
Các chuyên gia cho rằng trường hợp không có can thiệp y tế thì không được công nhận đã chuyển giới. Điều này đề phòng trường hợp tâm lý chưa ổn định hoặc người trốn tránh về pháp luật, trốn tránh trách nhiệm về pháp lý, tránh người a dua, đua đòi. Ngoài ra, cần quy định từ 18 tuổi trở lên được phép phẫu thuật chuyển giới vì người dưới 18 tuổi chưa đủ để chịu trách nhiệm hành vi dân sự nên không đủ nhận thức là mình chuyển đổi giới tính hay không.
Phẫu thuật "chui" không được công nhận
Cũng theo bà Đinh Thị Thu Thủy, nhiều người chuyển giới Việt Nam chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài nhưng dù có phẫu thuật thành công thì họ cũng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
Bà Thủy chia sẻ: "Để có được ngoại hình mong muốn, người chuyển giới buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí áp dụng các biện pháp truyền miệng. Điều đó khiến nhiều người chuyển giới phải trả giá bằng tính mạng vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicone. Vì thế, việc ban hành luật chuyển đổi giới tính là rất cần thiết".
Hoa hậu Hương Giang và ca sỹ Lâm Khánh Chi là những người chuyển nổi tiếng của Việt Nam
Bên cạnh đó, bác sĩ Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, cho biết người chuyển giới có thể gặp nhiều rủi ro khi can thiệp y học. Chưa nói đến ngay cả những người sử dụng hormone cũng phải đối mặt với vô số nguy cơ về sức khỏe. Bởi khi sử dụng hormone nữ hóa, người chuyển giới sẽ có thể mắc sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu...
Hiện Việt Nam có trên 400.000 người chuyển giới. Do các rào cản về xã hội, văn hóa và pháp lý, những người này dễ bị phân biệt đối xử và bị tổn thương. Nghiên cứu về những người chuyển giới nữ do Tổ chức CARMAH và Đại học Pittsburg (Mỹ) thực hiện ở TP HCM cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử. 4% người được hỏi có việc làm, tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm. 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu.
Luật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam chưa được ban hành nên các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người chuyển giới hầu như không có. Một số cá nhân tự phẫu thuật chuyển giới xong, các vấn đề về pháp lý như giấy tờ tùy thân chưa được đáp ứng.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hải