Bật điều hòa 28-29 độ vào ban đêm có tiết kiệm điện không?

( PHUNUTODAY ) - Việc cài đặt nhiệt độ điều hòa ở mức bao nhiêu có ảnh hưởng đến mức tiêu thụ điện của thiết bị. Vậy vào ban đêm, bạn nên để nhiệt độ là bao nhiêu?

Điều hòa là một trong những thiết bị điện được sử dụng nhiều vào mùa hè, tiêu tốn khá nhiều điện năng. Chỉ cần bước sang những ngày nắng nóng và sử dụng điều hòa, hóa đơn tiền điện của các gia đình có thể tăng vọt, thậm chí gấp 2-3 lần so với các tháng trước đó.

Bật điều hòa 28-29 độ vào ban đêm tiết kiệm điện không?

Vào ban đêm, nhiều gia đình chọn bật điều hòa để làm mát phòng, giúp ngủ ngon giấc hơn. Vấn đề là nên để nhiệt độ bao nhiêu để vừa thoải mái, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe lại giúp tiết kiệm điện?

Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời ở mức dưới 48 độ C, để nhiệt độ điều hòa từ 19 độ C trở lên sẽ giúp làm mát hiệu quả nhất. Để thiết bị hoạt động hiệu quả, làm mát tốt và tiết kiệm điện, nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời chỉ nên chênh lệch từ 6-10 độ C.

Giả sử nhiệt độ ngoài trời là 39 độ C, bạn có thể cài đặt nhiệt độ điều hòa ở trong phòng là 29 độ C. Nếu cài đặt nhiệt độ ở mức 24-25 độ C, điều hòa sẽ phải hoạt động ở mức công suất cao hơn để làm mát. Khi đó, lượng điện tiêu thụ sẽ lớn hơn nhiều, gây tốn điện.

Vào ban đêm, bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ điều hòa để không chênh lệch quá nhiều so với bên ngoài giúp đảm bảo sức khỏe cũng như giúp tiết kiệm điện.

Khi nhiệt độ ở môi trường bên ngoài nằm trong khoảng 30-35 độ C, mức nhiệt độ thích hợp mà bạn có thể cài đặt cho thiết bị là 25-28 độ C. Cục nóng sẽ phải đóng ngắt liên tục nếu bạn để điều hòa ở mức 30 độ C. Mỗi lần cục nóng khởi động lại tiêu hao khá nhiều điện năng, gây tốn điện.

Về cơ bản, để điều hòa ở mức 28-29 độ sẽ giúp tiết kiệm điện hơn mức 24-25 độ. Dù vậy, bạn vẫn nên dựa vào nhiệt độ môi trường bên ngoài để điều chỉnh cho phù hợp, không tạo ra chênh lệch quá lớn về nhiệt độ bên trong và bên ngoài phòng. Ngoài ra, tùy theo cảm nhận nhiệt độ của cá nhân mà điều chỉnh nhiệt độ phòng để tạo cảm giác thoải mái. Nếu mức nhiệt 28-29 độ C khiến bạn cảm thấy nóng thì việc hạ nhiệt độ xuống thêm 1-2 độ nữa là cần thiết (nhưng không nên để nhiệt độ quá thấp, tạo sự chênh lệch lớn với bên ngoài). Mục đích chính vẫn là mang lại cảm giác thoải mái, giúp mọi người ngủ ngon giấc.

Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện

  • Bật thêm quạt

Nhiều người muốn điều hòa làm mát nhanh nên hạ nhiệt độ xuống rất thấp, khoảng 16 độ C ngay khi vừa bật thiết bị. Tuy nhiên, đây là mức nhiệt độ quá thấp, gây tốn điện nhất. Thiết bị sẽ phải hoạt động ở mức công suất cao nhất để hạ nhiệt độ phòng. Thay vì để nhiệt độ thấp như vậy, bạn có thể lựa chọn phương án chọn nhiệt độ phù hợp, chênh lệch từ 6-10 độ so với môi trường bên ngoài rồi bật thêm quạt.

Gió quạt sẽ giúp tăng khả năng luân chuyển không khí, giúp khí lạnh lan tỏa ra khắp căn phòng nhanh hơn, giúp làm mát trong thời gian ngắn hơn. Bạn chỉ cần bật quạt trong vài phút đầu sau khi bật điều hòa. Khi thấy phòng đã đủ mát, có thể tắt quạt đi và để điều hòa hoạt động bình thường.

  • Dùng đúng chế độ làm mát

Nhiều ý kiến cho rằng dùng chế độ Dry (chế độ hút ẩm, có biểu tượng hình giọt nước trên màn hình điều khiển) sẽ giúp làm mát và tiết kiệm điện hơn. Tuy nhiên, chế độ này chỉ giúp làm khô không khí trong phòng chứ không mang lại hiệu quả làm mát trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Vào những ngày nóng, chế độ làm mát chính mà bạn cần chọn phải là chế độ Cool.

  • Dùng chế độ Sleep vào ban đêm

Vào ban đêm, bạn nên chọn chế độ Sleep (chế độ ngủ) để bảo vệ sức khỏe. Khi bật điều hòa, bạn có thể chọn chế độ làm mát và cài đặt mức 26 độ C như bình thường. Tiếp đó, chọn chế độ Sleep và để điều hòa tự điều chỉnh nhiệt độ trong suốt quá trình hoạt động.

Về cơ chế của chế độ Sleep, sau khi điều hòa hoạt động 1 tiếng, nhiệt độ sẽ tự động được điều chỉnh lên thêm 1 độ, sau 2 tiếng sẽ tăng thêm 2 độ (tức là nếu nhiệt độ ban đầu là 26 độ C thì sau 1 tiếng là 27 độ C, sau 2 tiếng là 28 độ C). Với mức nhiệt độ tự được điều chỉnh tăng này, bạn sẽ không cảm thấy bị lạnh vào ban đêm khi nhiệt độ môi trường bên ngoài hạ xuống, giúp bảo vệ sức khỏe cũng như tiết kiệm điện.

Tác giả: Nguyệt Tú