Vì sao ép nước mía cho thêm quất chứ không thêm chanh?

18:33, Chủ nhật 04/05/2025

( PHUNUTODAY ) - Khi uống nước mía, bạn sẽ thấy người bán luôn ép mía cùng quất. Việc này không chỉ giúp nước mía thơm ngon hơn mà còn có công dụng đặc biệt.

Nước mía là loại đồ uống giải khát được nhiều người yêu thích trong mùa hè. Nước mía cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, các chất điện giải giúp giảm mệt mỏi cho cơ thể sau quá trình vận động nặng nhọc, tập luyện. Ngoài ra, loại đồ uống này còn có tác dụng lợi tiểu, có tác dụng trong việc phòng ngừa sỏi thận.

Những cây mía tươi ngon, mọng nước được ép kỹ để thu lấy phần nước có màu xanh mướt, đẹp mắt.

Vào những ngày nóng bức, chỉ cần uống một ly nước mía mát lạnh sẽ giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo, có thêm năng lượng, chống lại cảm giác mệt mỏi. Nước mía là đồ uống ngon bổ rẻ, có thể tìm mua ở khắp các ngõ ngách, các quán ven đường.

Khi mua nước mía, bạn có thể thấy người ta sẽ ép mía tươi cùng với quất (tắc). Việc thêm quất vào nước có tác dụng gì?

Vì sao ép nước mía cho thêm quất chứ không thêm chanh?

Mục đích chính của việc thêm quất vào nước mía là để làm dịu vị ngọt của mía. Nước mía có hàm lượng đường cao, vị ngọt đôi khi có thể quá gắt. Việc thêm một ít quất có vị chua dịu sẽ giúp vị ngọt của nước dịu lại, thanh hơn, hài hòa hơn.

Có hai cách để kết hợp mía với quất. Người bán có thể ép mía và quất cùng với nhau. Cách này sẽ được ưa chuộng hơn vì nước quất cùng phần tinh dầu từ vỏ quất có thể được hòa quyện hoàn hảo nhất với nước ép.

Ngoài ra, người bán cũng có thể ép nước mía trước, đổ ra ly. Sau đó, vắt nước quất (lọc bỏ phần hạt) và cho vào ly. Cách này sẽ giúp tránh được vị đắng từ vỏ và hạt quất.

Thông thường, ép 3-4 cây mía người ta mới dùng 1 quả quất để tạo mùi thơm và vị chua nhẹ. Dùng quá nhiều quất sẽ khiến nước bị chua hoặc có vị đắng do vỏ và hạt gây ra.

Nước mía kết hợp với quất tạo ra một loại đồ uống thơm ngon, giải nhiệt mùa hè.
Nước mía kết hợp với quất tạo ra một loại đồ uống thơm ngon, giải nhiệt mùa hè.

Một số người cho rằng vắt quất vào nước mía sẽ giúp giảm đường có trong loại đồ uống này. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Quất chỉ giúp nước mía có vị chua dịu, thơm hơn chứ không làm thay đổi lượng đường sẵn có. Dù bạn cho quất hay đá vào cốc nước mía thì lượng đường có trong cốc cũng không thay đổi.

Nước mía thêm quất mua về nên uống ngay vì quất sẽ khiến loại đồ uống này nhanh hỏng. Nếu muốn để nước mía được lâu hơn, bạn không nên thêm quất. Chỉ ép mía lấy nước nguyên chất và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi uống, lấy nước mía ra và thêm quất để tạo hương vị thơm ngon hơn.

Một số người có thể sử dụng chanh pha chung với nước mía nhưng nhìn chung nước mía kết hợp với quất sẽ tạo ra mùi thơm và hương vị đặc sắc hơn. Hơn nữa, vỏ chanh có mùi thơm nhưng lại có vị đắng rõ rệt hơn quất nên không thể ép chung chanh và mía.

Ngoài ra, hiện nay nhiều người còn biến tấu món nước mía bằng cách kết hợp nó với các loại trái cây khác như nước mía dứa, nước mía cam, nước mía dưa hấu... để tạo ra các loại đồ uống giải khát có hương vị độc đáo, mới lạ hơn.

Nên uống bao nhiêu nước mía một ngày?

Nước mía là loại đồ uống có tác dụng giải nhiệt, bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, nó có nhiều đường nên không được uống quá nhiều. Một ngày chỉ nên uống khoảng 300ml là đủ lượng đường mà cơ thể cần. Nạp quá nhiều đường vào cơ thể (từ nước mía hay các loại đồ uống, bánh kẹo khác), bạn có thể đối mặt với nguy cơ bị tăng cân, béo phí, tăng nguy cơ bị tim mạch, tiểu đường.

Ngoài việc dùng nước mía để uống trực tiếp, bạn cũng có thể sử dụng loại đồ uống này trong nấu ăn. Nước mía dùng để kho cá, kho thịt giúp cá, thịt có vị ngọt thanh tự nhiên, hương vị thơm ngon hơn và cũng lên màu đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu dùng nước mía để nấu ăn, bạn nên yêu cầu nước bán không thêm quất để tránh làm ảnh hưởng đến hương vị tổng thể của món ăn.

Như vậy, việc thêm quất vào nước mía mang mục đích chính là làm dịu vị ngọt, mang lại hương vị thơm ngon hơn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Nguyệt Tú