Bé trai 6 tuổi ở Hà Nội nguy kịch vì nghịch vòng dây nhựa và cách dạy trẻ tự đến trường an toàn

( PHUNUTODAY ) - Cô giáo cho biết, trên đường đến trường, học sinh này có nhặt được một vòng dây nhựa và mang đến lớp. Trong lúc đùa nghịch, trẻ tự cho vòng dây vào cổ và bị thắt chặt cổ. Quá hoảng loạn, trẻ càng cố kéo dây ra thì vòng dây càng thắt chặt hơn gây nên tình trạng khó thở, tím tái.

BS Lưu Công Chính, Khoa Cấp cứu, BV đa khoa Nông nghiệp, Hà Nội, cho biết bé trai 6 tuổi ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) được cô giáo chuyển đến BV chiều 26/11 trong tình trạng suy hô hấp cấp, toàn thân tím tái, khó thở, vật vã kích thích. Trên cổ của bé vẫn còn nguyên chiếc dây nhựa siết chặt.

Ngay lập tức, bác sĩ cắt đứt chiếc dây nhựa từ phía sau gáy, giải phóng đường thở và cho trẻ thở oxy. Bệnh nhân dần ổn định và ra viện ngay chiều cùng ngày. BS Chính cho biết, chỉ cần đến chậm vài phút, bệnh nhi có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo BS Chính, đặc điểm của vòng dây nhựa là càng kéo càng siết chặt và rất khó cắt dây. Với tình huống trẻ bị loại dây này thắt ở cổ thì người xung quanh cần bình tĩnh, tránh hốt hoảng và bằng mọi cách nhanh nhất cắt đứt dây thay vì loay hoay tháo nút dây.

Tuy nhiên BS Chính lưu ý, khi cắt dây nên cắt từ phía sau gáy vì bên dưới có nền cứng là cột sống cổ. Không nên cắt ở mặt trước cổ do vùng này có nhiều mạch máu thần kinh dễ gây hẹp khí quản, nạn nhân khó thở hơn.

Nguyên tắc dạy con tự đến trường an toàn

1. Hãy dạy trẻ đi thành nhóm

Trẻ thường thích đi học cùng nhóm bạn, điều này tốt cho các con, tất nhiên hãy đảm bảo rằng bạn đã hướng dẫn trẻ đầy đủ các nguyên tắc đi lại khi đi đến trường.

Đi bộ trên vỉa hè khi có sẵn hoặc đi bộ hướng ra đường giao thông nếu không có vỉa hè. Nên mặc cho trẻ quần áo màu sáng để được nhìn thấy nhiều hơn, ít ra điều này khiến tài xế/người đi đường có thể nhìn thấy trẻ từ xa và có hướng tránh nếu trẻ đang sang đường sai cách; hoặc có thể phát hiện ra trẻ đang cần giúp đỡ.

2. Đừng bao giờ một mình

Trẻ em dưới 9 tuổi nên có người lớn đưa qua đường. Hãy đảm bảo con của bạn hiểu được nơi an toàn nhất để đi sang đường là tại lối đi bộ qua đường, góc phố hoặc giao lộ. Hãy dạy con hiểu, lang thang trên phố một mình không hề tốt con một cô bé/cậu bé; không chỉ nguy cơ giao thông mà còn là sự xuất hiện của những người lạ mặt.

3. Chọn tuyến đường an toàn

Hãy chọn con đường an toàn nhất có thể cho con. Tránh tối đa các tuyến đường đang xây dựng để bạn không phải gặp sự chậm trễ hoặc các mối nguy về an toàn khác.

Trên đường trẻ đến trường, ít nhất cần có một vài địa chỉ an toàn mà trẻ có thể tá túc hoặc trú nhờ khi gặp thời tiết xấu hay gặp bất kỳ mối nguy hiểm bất chợt xảy ra . Nhà của bạn bè, gia đình, họ hàng dọc tuyến đường… là những nơi trẻ có thể dừng lại để được giúp đỡ trong trường hợp gặp rắc rối.

Hãy đảm bảo rằng đây là những người biết con của bạn và bản thân trẻ cũng có thể coi nhà của họ là nơi an toàn để đến. Tất nhiên, khi trẻ đến những nơi đó, luôn có người ở nhà đón trẻ; như ông bà, cô dì… chẳng hạn.

4. Nói ra những mối nguy hiểm lạ

Hãy đảm bảo rằng trẻ biết làm thế nào để phản xạ khi gặp người lạ trên tuyến đường của con. Luôn trả lời ngắn gọn và nhanh chóng rời đi, hoặc biết la thật to khi người lạ có những hành động kỳ quặc, động chạm và bắt giữ. Ngoài ra, trẻ cần có thể chất tốt để biết chạy nhanh khi cảm thấy hiểm nguy kề cận.

5. Luôn lưu số điện thoại khẩn cấp

Nếu con bạn mang điện thoại, hãy chắc chắn rằng con biết cách gọi để nhờ giúp đỡ khẩn cấp. Các số để ghi vào số gọi nhanh bao gồm số điện thoại khẩn cấp tại địa phương, điện thoại liên lạc và bất cứ ai khác có thể giúp con của bạn trong trường hợp khẩn cấp nếu cần thiết.

Tác giả: Mộc