Thành tâm sám hối sửa sai, chuyển họa thành phúc
Yến Huệ An, vốn người huyện Đan Dương, phủ Trấn Giang. Bố mẹ Huệ An đến tuổi trung niên, cầu thần khắp nơi mới sinh được anh ta. Bởi thế, từ nhỏ Huệ An đã được cưng chiều. Đến tuổi học hành, anh cũng tỏ ra là người có chí, mong lập được công danh, sau này vinh quy bái tổ.
Nhưng thời niên thiếu, Huệ An lại có một tật xấu là thích tụ tập với chúng bạn cùng trang lứa, đem chuyện nam nữ ra đàm luận, chọc ghẹo lẫn nhau. Khi ấy, nhà hàng xóm có một thiếu nữ trạc tuổi Huệ An. Ban đầu, Huệ An khoét một lỗ nhỏ trên tường để nhìn trộm nàng, về sau còn dám trèo tường sang trêu hoa ghẹo nguyệt. Huệ An cả ngày chỉ tơ tưởng đến chuyện dâm dục, dần dần xao nhãng học hành.
Suốt 2 năm sau đó, Huệ An lấy cớ lên kinh ứng thí, ôn luyện để lên sống nơi thành thị mà thoả dục vọng của mình. Nào là trà quán, tửu lầu, ngõ liễu phố hoa, nào là lầu xanh gác tía, đâu đâu cũng in dấu chân của anh. Hàng ngày, Huệ An cử chỉ phóng đãng, nói năng tuỳ tiện, đốt tiền vào tửu điếm, lầu xanh, xới bạc, phóng túng ăn chơi, không từ việc xấu nào. Anh lại thích đọc dị thuyết, tà thư, tinh thần hoảng hốt hệt như trúng tà.
Năm thứ ba, trong một lần tản bộ, dạo chơi trên phố, Huệ An gặp được một người đang phát sách hướng thiện. Anh đưa tay đón lấy, giở ra xem thì thấy ghi mấy chữ “Cảm Ứng Thiên”. Tò mò đọc thử, anh không khỏi giật mình kinh sợ, suy xét lại bản thân mình thì như chợt tỉnh cơn mê, thầm nghĩ:
“Những chuyện miêu tả trong sách này đều giống hệt mình, cứ như là đang viết về mình vậy. Đúng là lâu nay ta đã ngu si biết bao, xấu xa, bại hoại biết bao! Bậc thánh hiền xưa đều khuyên bảo con người từ bỏ tà dâm, thế mà ta vẫn cứ tham luyến không nỡ rời, lại còn phóng đãng không chút kiêng dè, thật đúng là tự mình đày đoạ mà!”.
Hôm đó, Huệ An về nhà liền vội đốt nhang, quỳ xuống cầu nguyện, phát thệ quyết không bao giờ tại phạm tà dâm. Anh còn muốn thức tỉnh tất cả mọi người dứt bỏ tà dâm và in tặng cả nghìn quyển sách hướng thiện này những mong tiêu giảm tội nghiệp trước đây.
Chỉ 2 năm sau, khi đã thực hiện tất cả những lời hứa của mình, đến kỳ thi huyện, Huệ An đỗ đầu bảng. Từ đó, anh lại càng thêm gắng sức, hết lòng khuyên bảo người đời, in sách tặng, thật sự đã tạo nên công đức rất to lớn, cải biến được không biết bao nhiêu người trở về từ cõi lầm lạc.
Huệ An còn có một người bạn học cùng trường vẫn cố chấp mãi không thay đổi. Người này trong một lần gian dâm bị bắt quả tang, đã phải đồng ý bồi thường, viết biên lai vay mượn tiền mới được người ta tha đánh. Quá hổ thẹn, lại sợ bị cha phát hiện rồi trừng phạt, anh này đã nhảy sông tự vẫn. Tiếc là anh không nghe lời khuyên của Huệ An sớm để đến nỗi thân chìm dưới 3 thước nước, chịu làm mồi cho cá.
Huệ An thức tỉnh đúng lúc, sửa sai kịp thời, lại gắng sức hành thiện cứu người, bản thân đỗ đạt vinh hiển, trường thọ, con cháu đời sau cũng đều công danh hiển hách cả.
Hành thiện tích đức - chuyển phúc thành họa
Mọi người chỉ cần đem bản tính lương thiện của mình tăng lên, mở rộng ra, tận lực làm thêm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức. Đây là phúc mà do con người tự tạo ra, người khác có suy tính chiếm đoạt cũng không chiếm được, đấy chính là cái “ĐỨC” ở đời.
“Đức” của mỗi người nhiều hay ít đến từ việc họ làm việc thiện, việc tốt nhiều hay ít. Như thế nào là làm việc thiện tích đức? Hành thiện tích đức chính là làm việc tốt, việc thiện, giúp đỡ mọi người làm điều tốt, hết thảy đều chất chứa lòng từ bi mà làm.
Hành thiện tích đức có thể làm ở bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào, cho dù là không có điều kiện tiền bạc. Ví dụ như: Cứu người gặp nạn, bỏ đi những chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm cho người khác, nhường đường đi hay nhường chỗ ngồi cho người già…, đó đều là hành thiện tích đức.
Cho nên nói, làm việc thiện tích đức có thể bằng cách quyên tiền, cũng có thể bằng cách quyên sức lực. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, có lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt thì chính là đang làm việc thiện tích đức.
Công đức lớn hay nhỏ, cách thực hiện công đức không phải thể hiện ở hình thức mà thể hiện ở sự chân thực. Chỉ cần có tâm, không có sự vụ lợi thì cho dù là việc thiện nhỏ cũng tạo thành vô lượng công đức.
Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người hành thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ giống như có thần trợ giúp. Cho nên mới nói đạo trời chỉ có “đức” là thân, một chút đức thiện sẽ tự chiêu mời được phúc báo.
Kiên nhẫn làm việc thiện, tận tâm bố thí cứu giúp người khác và tin tưởng rằng ông trời không bao giờ “bỏ qua” người tốt!
“Đức” có thể bảo hộ con người suốt đời, còn “thiện” chính là chìa khóa để tích đức! Cho nên, thay vì tính toán quá nhiều hãy “hành thiện tích đức” thì cuộc đời mới bình an, phú quý.
Tác giả: Minh Ngọc
-
Người phụ nữ hiền lương, hoàn mỹ nhưng phúc mỏng mệnh bạc, Thượng đế tiết lộ nguyên nhân bất ngờ
-
4 kiểu người không nên dây dưa kẻo hối hận cũng không kịp
-
Làm người cần thông suốt: 30 tuổi nên lập gì, 40 tuổi nên hiểu gì, 50 tuổi nên biết gì?
-
Người phụ nữ có 3 điểm này chính là người có "phúc trời sinh"
-
Đại diện Việt Nam – Phan Thị Mơ trở thành “Nữ hoàng đêm tiệc” tại khai mạc cuộc thi World Miss Tourism Ambassador 2018