Bộ ảnh cưới của cặp đôi tuổi "thất thập": 45 năm yêu nhau, đến khi về già chụp ảnh "tình" hơn bọn trẻ

( PHUNUTODAY ) - Dù tuổi già nhưng trái tim luôn trẻ... và bộ ảnh cưới ở cái tuổi "thất thập" của ông bà đã chứng minh được điều đó.

Ở độ tuổi "thất thập", ông bà Đặng Việt Cương (77 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Thoa (70 tuổi) đã cùng chụp một bộ ảnh cưới giản dị mà giàu ý nghĩa. Bộ ảnh này do anh Dũng Đặng - con thứ của ông bà thực hiện để tặng bố mẹ nhân kỷ niệm 45 năm ngày cưới. Ngay sau khi đăng tải trên MXH, bộ ảnh đã thu hút gần 2 nghìn lượt thích cùng rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận chỉ sau 1 ngày.

Không photoshop cầu kỳ, không kỹ xảo hiện đại, không bối cảnh hoành tráng... nhưng bộ ảnh này vẫn thu hút người xem bởi chính sự giản dị của nó, và đặc biệt là từ sự tình cảm của cặp đôi "trái tim trẻ mãi không già". 

 

 

 

Theo Dũng Đặng, bố mẹ anh nên duyên năm bố anh 32 tuổi và hai cụ đã nắm tay nhau đi được chặng đường dài 45 năm trời. Không biết vì sao bố mẹ quen và yêu được nhau nhưng những năm tháng chia ngọt sẻ bùi của ông bà thời kháng chiến anh biết rất rõ:

"Tôi nghe kể năm 1972 cưới nhau khổ lắm, Mỹ nó ném bom miền Bắc thường xuyên. Cả nước kháng chiến chống Mỹ. Đói - nghèo - khổ là bộ ba trạng thái thường trực từ Hà Nội về đến quê, chỗ nào cũng thế. Cả hai nhà nội ngoại đều xuất thân nông dân, ông nội tôi mất sớm từ năm 1945, ông bà chả có gì cho bố mẹ ngoài tình thương vô hạn.

Bố mẹ lấy nhau trong khi cái nghèo đeo đuổi vì lương công chức quèn lấy đâu ra tiền tổ chức đám cưới tươm tất. Giường cưới chỉ là tấm phản cọt kẹt nằm trong góc nhà bà nội tôi ở quê, chuột thỉnh thoảng vẫn chạy qua chạy lại. Áo cưới là thứ xa xỉ sao dám mơ - mẹ bảo thế. Mà cũng đúng thật, bố mẹ bạn bè tôi trên 60 tuổi cũng không có mấy người được khoác lên mình bộ váy cưới. Mẹ tôi theo bố, ngoài tình yêu ra chẳng có gì. Thời bao cấp ai cũng nghèo, đói trường kỳ".

 

 

 

"Những năm 70 thông tin liên lạc khó khăn lắm, bố tôi đi nghiên cứu sinh bên Gruzia gần 5 năm mà chỉ có thể phần nào lấp đầy nỗi nhớ qua những phong thư 6 tháng mẹ mới nhận được một lần. Mẹ tần tảo nuôi anh Hà lớn lên. Rồi bố lại đi Algeria, thông qua chương trình của chính phủ Việt Nam gửi giáo sư sang đó. Bố lại đi và mẹ lại ở nhà sinh và nuôi tôi lớn. Bố mãi vất vả làm việc xứ người gửi tiền về nuôi ba mẹ con còn mẹ một mình cáng đáng việc nước việc nhà nuôi anh tôi và tôi nên người. Bức tranh cuộc đời bố mẹ giống nhau kỳ lạ, đó là luôn cách xa và luôn hy sinh vì gia đình, vì các con. Còn cái Tôi? Thôi để sau", anh Dũng chia sẻ câu chuyện của bố mẹ.

Qua lời kể của anh Dũng, người ta mới thấy cái thiệt thòi, thiếu thốn của tình yêu thời chiến. Bố mẹ anh nên vợ nên chồng vào thời điểm vừa đói, vừa nghèo, vừa khổ" nên lấy nhau mà chẳng có giường cưới hay cỗ bàn gì, ảnh cưới hay áo cưới lại càng xa xỉ. "Của hồi môn" duy nhất của cô dâu chú rể ngày đó chính là tình yêu... Chỉ vậy thôi mà cũng đã bên nhau ngót nghét 45 năm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Huệ Anh