Trên thực tế, không ít trẻ nhỏ gặp phải tai nạn đáng tiếc bởi những vật dụng quen thuộc trong nhà. Bất cứ lúc nào nguy hiểm cũng có thể rình rập vì trẻ con thường hiếu động, nghịch ngợm và chưa ý thức được hậu quả xảy ra. Vì thế các bậc phụ huynh phải thật cảnh giác, luôn để mắt tới trẻ vì chỉ cần tích tắc lơ là cũng xảy ra sự cố đáng tiếc.
Dưới đây là những vật dụng quen thuộc cha mẹ nên để xa tầm tay của trẻ hoặc không cho bé tiếp xúc khi không có người lớn bên cạnh.
Thuốc viên giống kẹo
Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho thấy ngay cả giáo viên cũng không thể phân biệt giữa kẹo và thuốc và nhiều hộ gia đình không lưu trữ thuốc đúng cách. Những trẻ không biết đọc có nhiều khả năng bị nhầm thuốc thành kẹo, nhất là các loại thuốc có hình tròn, sáng bóng và không có dấu hiệu nhận dạng – vì chúng trông vô cùng giống các viên kẹo.
Dây kéo rèm cửa
Là vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình, rèm cửa sổ được thiết kế có dây kéo nhằm đáp ứng yếu tố thuận tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên, đây thực sự là mối nguy hiểm lớn với các gia đình có con nhỏ vì chỉ cần một chút lơ đãng thôi cũng đe dọa tính mạng của trẻ.
Trong lúc chơi đùa bé có nguy cơ bị dây rèm cuốn cổ, khiến đường hô hấp và sự lưu thông máu bị chặn lại dẫn tới bất tỉnh hoặc tử vong.
Ổ cắm điện
Đây là vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình. Trẻ em hiếu động thường hay tò mò, muốn khám phá. Chính vì vậy nếu bạn không sát sao, luôn bên cạnh theo dõi, rát có thể bé sẽ lại gần. Nguy hiểm nhất đó là bé bị điện giật, chính vì vậy các mẹ cần có biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho bé.
Dung dịch vệ sinh
Chứa rất nhiều chất tấy rửa gây hại cho sức khỏe, nên các mẹ cần chú ý sắp xếp để những đồ dùng, dung dịch vệ sinh một cách hợp lý. Tránh để cho bé lân la tới gần. Trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa rất có thể gây độc, ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Các vật dụng nhỏ
Vật dụng có kích thước nhỏ như cúc áo, pin… trở nên nguy hiểm nếu bị bé nhét vào trong tai hoặc nuốt vào bụng tới tình trạng nghẹt thở, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, các loại hoa quả có kích thước nhỏ như nho, việt quất, các loại hạt… khi cho bé ăn mẹ cũng phải lưu ý tránh làm trẻ bị hóc. Mẹ nên nói cho bé nghe sự khác biệt giữa đồ ăn và đồ chơi để trẻ không tùy tiện cho vào miệng.
Lọ hoa và các vật dễ vỡ trên bàn
Không nên để lọ hoa thủy tinh hay các vật dụng dễ vỡ trên bàn khi bé lại gần. Bé sẽ bị thu hít bởi sự mới lạ màu sắc của hoa và những vật dụng xung quanh. Không cho bé leo trèo lên ghế, tránh gây đổ vỡ gây tổn thương cho bé.
Bóng bay
Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ cảnh báo rằng cái chết từ bóng bay có thể xảy ra theo 2 cách. Một là bằng cách cố gắng hút và thổi những quả bóng bay bị xẹp và hai là nhai những mảnh vỡ nhỏ của quả bóng bay. Một nghiên cứu của NCBI cũng cho thấy bóng bay là đồ chơi đứng đầu danh sách các vật dụng phổ biến gây tử vong ở trẻ nhỏ.
Tiền xu
Theo một nghiên cứu mới của AAP, trẻ em dưới 6 tuổi có xu hướng nuốt nhiều vật dụng nhỏ, nhưng tiền xu là phổ biến nhất với tỷ lệ 61,7%.
Vật dụng chứa nước như bồn tắm, bể cá…
Hầu hết các vật dụng trong nhà tắm như máy giặt, xô chậu, bồ tắm… thậm chí là bể cá cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm với trẻ nhỏ. Đây thường là vật dụng dùng để chứa nước, trẻ nhỏ lại vô cùng thích vùng vẫy. Tuy nhiên, chỉ cần mẹ lơ là mất kiểm soát bé có thể gặp nạn đe dọa tới tính mạng nếu vô tình ngã xuống.
Tác giả: